Nhưng có lẽ, lứa tuổi học trò gắn liền với... mụt lẹo hơn. Bệnh tuy dễ tái phát, nhưng được cái... “hiền lành”. Khoảng 25% người mắc bệnh này không có biểu hiện gì đặc biệt và bệnh thường tự khỏi.
Ảnh hưởng của yếu tố cơ địa
Có một số người thường hay bị mụt lẹo đeo bám, nhưng một số người khác thì mụt lẹo lại tránh xa. Người ta gọi đây là do ảnh hưởng của yếu tố cơ địa. Thuật ngữ “cơ địa” (atopy) được nhà vi sinh vật học người Pháp là Louis Pasteur (1822 - 1895) nêu lên lần đầu tiên để chỉ sự phản ứng khác nhau của cơ thể mỗi người đối với môi trường và tác nhân gây bệnh.
Để cho dễ nhớ, có thể hiểu nôm na yếu tố cơ địa là một số người dễ mắc các bệnh này nhưng khó mắc các bệnh khác. Do vậy, một số người quanh năm hết bị mụt lẹo mắt trái, lại bị mụt lẹo mắt phải.
Đôi khi chúng “đồng hành” trên cả hai mắt, bực đến… phát cáu! Trong khi đó nhiều người khác có mong mụt lẹo cũng không màng. Những người có các đặc điểm sau đây, mụt lẹo sẽ... ưa gắn bó nhất:
- Người đã từng bị... mụt lẹo.
- Người thường bị viêm da tiết bã nhờn hoặc mụn trứng cá.
- Người mắc bệnh đái tháo đường.
- Người lười vệ sinh vùng mặt và nhất là vùng mắt.
- Sử dụng mỹ phấm kém chất lượng, hết date.
Nguyên nhân gây bệnh
Mụt lẹo tự nhiên đến, cứ để nó tự nhiên đi. Mọi cố gắng “xeo nạy” như nặn bóp, chích lể khi mụt lẹo đang tiến triển, nghĩa là chưa hóa mủ “chín mùi” sẽ luôn là điều bất lợi cho mắt, gây ra sự tổn thương nghiêm trọng hơn. Mọi người, nhất là lứa tuổi học trò phải luôn nhớ và nhắc nhau cùng nhớ nhé.
Mụt lẹo có nơi còn gọi là mụn lẹo là một bệnh nhiễm trùng mi mắt. Bệnh mụt lẹo không lây lan, thường do vi khuẩn Staphylococcus aureus (còn gọi là tụ cầu vàng) gây nên. Mụt lẹo xuất hiện trên bờ mi và dính rát chặt vào da mi mắt. Nó mưng mủ, chín mùi. Rồi... xì mủ trong vòng 3 - 4 ngày kể từ khi xuất hiện.
Trên mi mắt có các tuyến bã nhờn tiết dịch làm trơn da và lông mi, khi tuyến bã nhờn này bị viêm nhiễm, gây ra cảm giác khó chịu và sưng đau. Cuối giai đoạn viêm nhiễm hình thành một áp xe (abscess) nhỏ trên bờ mi chứa đầy mủ.
Ổ áp xe tuy nhỏ nhưng căng mọng, nhìn bên ngoài thấy da láng bóng và có màu đỏ. Nếu chưa xì mủ thì cảm giác khó chịu, tức và đau nhức. Nếu đang và đã xì mủ thoát ra ngoài thì cảm giác “sướng sướng” đến khoan khoái dễ chịu.
Các yếu tố thuận lợi góp phần cho mụt lẹo hình thành và phát triển là dụi mắt bằng tay bẩn, dùng khăn lau mặt không hợp vệ sinh. Nếu bệnh tái phát nhiều lần sẽ làm cho bờ bị biến dạng, mất đi vẻ đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho con người, nhất là phái đẹp.
Cách tự chăm sóc
Khi bị mụt lẹo, nhất là ở lần bị đầu tiên cần chăm sóc cẩn thận. Rửa sạch sẽ hai bàn tay, dùng gạc hoặc vải sạch tẩm nước ấm để đắp lên mắt. Nhắm kín mắt trước khi đắp. Cách làm này có tác dụng vừa giảm đau, vừa thúc đẩy cho mụn lẹo sớm “chín mùi” và thúc đẩy nhanh chóng quá trình xì mủ.
Ngoài những lúc chăm sóc mắt, đừng bao giờ đưa tay lên “thăm dò” mụt lẹo, vì nguy cơ gia tăng thêm vi khuẩn ở vùng đang xảy ra... “xung đột”. Sự sờ mó thường xuyên cũng làm cho mụt lẹo chai lì và muốn ở lại mãi mãi trên bờ mi cong của khổ chủ đấy!
Khi mụt lẹo chín mùi thì... xì mủ. Mủ chảy cần được vệ sinh sạch sẽ và bôi mỡ kháng sinh để diệt khuẩn, tránh tái phát. Lưu ý, làm sao cho thật khéo, không để cho mủ và thuốc rơi vào mắt. Tốt nhất nên nhờ người khác giúp đỡ. Nếu có điều kiện nhờ bác sĩ chuyên khoa mắt “ra tay” khi mụt lẹo chín mùi thì mụt lẹo sẽ… chào thua sớm!
Việc dùng mỡ kháng sinh, nếu không đi gặp thầy thuốc để được kê đơn, thì khi hỏi mua ở các quầy thuốc, điều cần nhớ để bảo với người bán là mua mỡ kháng sinh để bôi mi mắt. Mua nhầm sẽ gặp “rắc rối” khi sử dụng đấy!
Cách phòng tránh
Để phòng mụt lẹo cần vệ sinh sạch sẽ mắt hay mặt nói chung bằng cách rửa mặt nhiều lần trong ngày với nước sạch. Không dùng khăn bẩn, không dụi tay bẩn vào mắt. Luôn rửa tay sạch sẽ. Đeo kính để bảo vệ mắt khi ở trong môi trường nhiều khói bụi.
Mỗi người sinh ra chỉ có một đôi mắt mà tạo hóa ban tặng để thực hiện chức năng giao tiếp tuyệt vời. Do đó, phải luôn nhớ giữ gìn “sức khỏe” cho chúng. Bởi vì đôi mắt như ai đó thường “ca”: Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn… Nếu không được chăm sóc tốt, khung của sổ này sẽ bị “mục” và nghiêm trọng hơn là… hỏng đến tù mù.