Không thể tự thực hiện
Theo tiết lộ của báo Mỹ: "Để thống lĩnh Bắc Cực, Tổng thống Donald Trump cần đến tàu phá băng. Phần Lan muốn giúp đỡ bởi Mỹ đang gặp khó trong việc chế tạo những con tàu này".
Cũng theo bài viết, khi tuyên bố sẽ mua lại hoặc chinh phục Greenland, Tổng thống Trump đã nhận thấy Bắc Cực là khu vực giao thương trong tương lai và tiềm ẩn khả năng xảy ra xung đột, vì vậy ông đã kêu gọi các nhà sản xuất Mỹ chế tạo đội tàu phá băng mới.
Tuy nhiên, thực trạng ngành đóng tàu của Mỹ cho thấy, việc đóng những con tàu phục vụ chiến lược này là điều gần như không thể. Các công ty Phần Lan, cụ thể như Aker Arctic, đã bày tỏ nguyện vọng hiệp lực hỗ trợ trong công việc này.
Ngay từ giữa năm 2024, Nhà Trắng thông báo Mỹ cùng Canada và Phần Lan thành lập liên minh Nỗ lực Hợp tác Tàu phá băng (Hiệp ước ICE), với mục tiêu "đảm bảo hòa bình, hợp tác và thịnh vượng tại vùng cực" cùng các khu vực lân cận.
Liên minh sẽ tập trung trước tiên vào đóng tàu phá băng và phát triển những nguồn lực dành cho hoạt động tại Bắc Cực.
"Giai đoạn đầu, các nước sẽ cùng thảo luận và triển khai kế hoạch hợp tác đóng tàu, với trình độ kỹ thuật cao và tác động quan trọng đến lợi ích cũng như nghĩa vụ của đồng minh lẫn đối tác ở các vùng Bắc Cực và Nam Cực", Nhà Trắng nêu trong thông cáo.
Canada sẽ tiên phong đóng hai tàu phá băng ở cảng Vancouver và 6 tàu tại cảng Quebec. Ba nước kỳ vọng liên minh sẽ sản xuất khoảng 90 tàu phá băng trong vài năm tới. ICE vẫn để ngỏ phương án kết nạp thêm thành viên và sẵn sàng mở rộng quy mô hoạt động.
"Các tuyến đường biển mới và ngắn hơn ở Bắc Cực đang mở ra cơ hội kinh tế mới, giảm chi phí vận chuyển. Đối với khu vực Nam Cực, sáng kiến này có thể thúc đẩy nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế", chính phủ Canada nêu trong thông cáo.
Canada và Mỹ là hai nước đang gặp nhiều thách thức trong lĩnh vực đóng tàu phá băng, đặc biệt là những loại tàu hạng nặng và có thể hoạt động sâu trong vùng cực. Trong khi đó, Phần Lan có lợi thế về công nghệ và từng là một trong những đối tác cung cấp vỏ tàu phá băng cho Nga trước khi chiến sự Ukraine nổ ra.
Canada đề ra chiến lược đóng tàu quốc gia hơn 10 năm trước, đặt mục tiêu phát triển tàu phá băng, nhưng đến tháng 5 mới hoàn thành khoảng 70% thiết kế mẫu tàu mới. Trong khi đó, lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) hồi tháng 1 cũng cảnh báo cần bổ sung thêm 8-10 tàu phá băng vào biên chế càng sớm càng tốt, do đội tàu hiện nay đã lạc hậu.
Giới chức Mỹ cho biết hiệp ước ICE có ý nghĩa chiến lược không chỉ trên phương diện công nghiệp mà còn nhằm "phát thông điệp" đến các cường quốc khác rằng Mỹ và đồng minh sẽ tăng cường hiện diện ở các vùng cực.
Mỹ ước tính Nga đang sở hữu ít nhất 40 tàu phá băng và đang tiếp tục đóng thêm tàu thế hệ mới. Trong khi đó, Trung Quốc đã đặt mục tiêu trở thành "cường quốc vùng cực" vào năm 2030, đang đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và quan hệ kinh tế với các quốc gia Bắc Cực, đặc biệt là Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 1 đã cho khởi công tàu phá băng hạt nhân thế hệ thứ năm thuộc Đề án 22220, có chiều dài 173,3 m và rộng 34 m, nặng 33.540 tấn, được đánh giá là loại tàu phá băng tối tân, lớn và mạnh nhất thế giới.
Chiến lược của Mỹ
Chiến lược Bắc Cực của Mỹ tập trung vào phòng thủ tên lửa, thu thập thông tin tình báo và giám sát, và gần đây là nỗ lực mới nhằm bảo vệ các tuyên bố chủ quyền trước các nước láng giềng.
Để hỗ trợ cho chiến lược của mình, Mỹ có 2 tàu phá băng cũ sẵn sàng hoạt động ở Bắc Cực là Polar Star và Healy, nhưng có 3 tàu phá băng mới đang được đóng.
Khả năng phòng thủ tên lửa và không quân đều được triển khai tại Fairbanks và Anchorage, Alaska và Thule, Greenland. Các địa điểm của Lục quân, Hải quân và Cảnh sát biển tại Fairbanks, Delta Junction và Kodiak. Mỹ có khoảng 25.000 quân đồn trú thường trực.
Đồng minh của Mỹ tại Bắc Cực là Canada "khẳng định chủ quyền" là trọng tâm của các cuộc tuần tra quân sự, đầu tư và yêu sách pháp lý quốc tế.
Canada hiện đang vận hành CFS Alert – căn cứ thường trực cực bắc của Trái Đất, trên Đảo Ellesmere, cùng với Trụ sở Lực lượng đặc nhiệm chung phía Bắc tại Yellowknife, Cơ sở Hải quân Nanisivik, CFB Goose Bay, bốn sân bay của RCAF và radar cảnh báo sớm do Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) vận hành.
Canada hiện có 7 tàu phá băng hạng nặng, hạng trung và hiện đang đóng thêm 2 tàu nữa. Ottawa có khoảng 500 quân đồn trú tại Bắc Cực vào bất kỳ thời điểm nào. Số lượng quân sẽ tăng lên trong các cuộc tập trận "Chiến dịch Nanook" hàng năm.
Cùng với đó, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong chiến lược Bắc Cực là Phần Lan không có tuyên bố chủ quyền thềm lục địa Bắc Cực, nhưng sở hữu đất đai phía trên Vòng Bắc Cực. Các chiến lược tập trung vào việc duy trì sự hiện diện quân sự ở vùng cực bắc và là cánh tay nối dài cho NATO.
Phần Lan duy trì Lữ đoàn Jaeger của bộ binh Bắc Cực ở Lapland, một chuỗi căn cứ dọc biên giới phía bắc với Nga, và Căn cứ Không quân Rovaniemi cho các hoạt động không quân khu vực. Phần Lan có 3.000 quân Bắc Cực đang phục vụ và có thể tăng lên hàng trăm nghìn quân trong trường hợp khẩn cấp.