Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan:

Muốn sáng tạo, đừng theo lối mòn

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trao đổi về vai trò của các cơ sở giáo dục đại học...

Dự án nghiên cứu khoa học gắn với khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Sỹ Điền
Dự án nghiên cứu khoa học gắn với khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Sỹ Điền

Bên cạnh truyền lửa, nguồn cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh vai trò của các cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với các dự án khởi nghiệp. Mặt khác, tăng cường giảng dạy kiến thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và coi đó là môn học chính khóa.

Sứ mệnh của giáo dục và đào tạo

- Theo Bộ trưởng, giáo dục đào tạo có sứ mạng thế nào nhằm hướng tới quốc gia khởi nghiệp, có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân?

- Cần nhấn mạnh, khởi nghiệp không phải là sản phẩm, mà là phương tiện để thực hiện mục tiêu đào tạo những doanh nhân trong tương lai. Nói cách khác, sứ mệnh của giáo dục không phải đào tạo người đi làm thuê, mà đào tạo người làm chủ tương lai đất nước. Mục tiêu trước mắt và giản dị là, sinh viên khi ra trường có thể làm được những dự án nhỏ.

Tất nhiên, để khơi dậy và hun đúc tố chất của những người làm chủ đòi hỏi có hệ sinh thái, giúp sinh viên có tinh thần khởi nghiệp. Tinh thần ấy là làm chủ, lập thân, lập nghiệp. Tôi muốn nhấn mạnh tinh thần lập thân, lập nghiệp, tức là thay đổi, phát triển bản thân trước, sau đó mới phát triển nghề nghiệp. Nghĩa là chúng ta hướng tới các cơ sở giáo dục đại học với những sinh viên có ý chí, tố chất của người làm chủ.

Khi ra trường, các bạn có thể đi làm thuê một thời gian nhưng không nên bằng lòng với công việc đó mà hãy nung nấu ý chí trở thành những ông chủ, doanh nhân trong tương lai. Xa hơn, có thể trở thành doanh nhân kiệt xuất. Đất nước cần những người như các bạn. Tôi muốn nhấn mạnh điều đó để các cơ sở đào tạo hiểu được khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng. Đó là sứ mệnh của các trường chứ không phải hoạt động phụ hay chỉ dừng lại như sân chơi, làm theo phong trào.

muon sang tao dung theo loi mon5.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Định vị khởi nghiệp trong trường đại học

- Giảng đường đại học là nơi phát tích ra những doanh nhân, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Vì sao Bộ trưởng lại nói như vậy?

- Mỗi một sản phẩm khởi nghiệp phải hội tụ nhiều yếu tố; trong đó có sản xuất, chế biến, tinh luyện, bao bì, marketing, quan hệ xã hội, quan hệ khách hàng... Trong các cơ sở giáo dục đại học có đầy đủ bộ môn, chương trình đào tạo để tích hợp vào một sản phẩm.

Trên thế giới, người ta lấy trường đại học là nơi phát tích khởi nghiệp, bởi ở đó có phòng thí nghiệm, thực hành... Người học có thể ra đó thực nghiệm, trải nghiệm, thậm chí khởi nghiệp. Khi đó, sẽ có những bộ phận làm truyền thông cho sản phẩm của người học. Đó là lý do thứ nhất để thấy rằng, tại sao các trường đại học lại là nơi để khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, trường đại học là một thị trường. Sinh viên, cán bộ, viên chức có thể tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp. Qua đó, có thể góp ý, xây dựng để sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên được hoàn thiện.

Thứ ba, lứa tuổi “mười tám, đôi mươi” đang căng tràn sức sống và nhiệt huyết tuổi trẻ. Các bạn có lòng dũng cảm, dám dấn thân và chấp nhận rủi ro, thất nghiệp để tiếp tục đứng lên, đi tiếp. Kiến thức, đam mê và quyết tâm sẽ là chất liệu, xúc tác để sinh viên khởi nghiệp và dễ dàng vượt qua, làm lại nếu không may thất bại.

- Vậy đào tạo khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học cần được định vị như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Các cơ giáo dục đại học cần xây dựng và phát triển văn hóa đọc để khơi nguồn cho những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp. Đồng thời, tăng cường giảng dạy kiến thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên, coi đó là môn học chính thức. Như vậy, trường đại học phải định vị lại, coi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là bộ môn hội tụ, tích hợp tất cả những bộ môn khác để tạo ra một sản phẩm vượt trội.

Các trường đại học cần tạo ra bầu không khí khởi nghiệp từ chính đội ngũ lãnh đạo, thầy cô giáo; từ đó kích thích sinh viên phát huy những ý tưởng sáng tạo. Trên cơ sở đó, liên kết với các doanh nghiệp để từng bước thị trường hóa các ý tưởng khởi nghiệp.

Như vậy, có thể thấy, các cơ sở giáo dục đại học có vai trò quan trọng, bởi đây là nơi gần gũi, giáo dục kết hợp lý thuyết với thực tế cho sinh viên, cũng như kích hoạt những giá trị mới, giá trị tăng thêm cho ý tưởng. Nếu chúng ta muốn thế hệ mai sau trở thành những “con đại bàng” thì ngay từ bây giờ, lãnh đạo nhà trường, các bộ môn, thầy cô phải hiểu mục tiêu của mình là: Đào tạo sinh viên ra trường là những “con đại bàng”. Khi đó, các thầy cô cũng phải thay đổi, phải học thêm. Bởi kiến thức chúng ta đã học là của ngày hôm qua, trong khi thế giới thay đổi từng ngày.

Chúng ta đừng nghĩ rằng, chỉ sinh viên mới cần khởi nghiệp. Muốn sinh viên khởi nghiệp thành công, thầy, cô giáo phải là người trong tâm thế khởi nghiệp, đam mê, háo hức và trăn trở về khởi nghiệp. Muốn vậy cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, gắn với các dự án khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên.

- Bộ trưởng có nhắn nhủ gì với sinh viên về khởi nghiệp?

- Tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, nếu muốn sáng tạo, đừng đi theo lối mòn. Những câu hỏi thường là khởi đầu của tri thức. Vậy ý tưởng xuất phát từ đâu và tìm đâu ra? Ý tưởng có thể xuất phát ở mọi nơi, thậm chí từ nhà vệ sinh. Có những ý tưởng tưởng chừng như điên rồ nhưng sau này lại thành công. Khởi nghiệp với sinh viên cũng cần 3 yếu tố: Sáng tạo, không sợ sai và có người sẵn sàng đi cùng.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Văn hóa đọc là ‘tập hợp con’ của văn hóa học. Không phải ai đọc sách cũng thành công nhưng những người thành công chắc chắn đọc sách. Văn hóa đọc sẽ khơi nguồn cho những ý tưởng sáng tạo – yếu tố quan trọng để khởi nghiệp. Chỉ có học, đọc mới cho ta tri thức – một trong những nền tảng vững chắc để khởi nghiệp thành công. - Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ