(GD&TĐ) - Chúng tôi về lại Thành Bình, một làng nhỏ nằm bên dòng sông Hà Thanh, thuộc địa bàn thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước (Bình Định) khi sương mù còn giăng khắp cả xóm làng vào một ngày đầu Đông năm 2011. Bên kia dòng sông , hàng chục ông bố, bà mẹ quần xắn ống thấp, ống cao cõng con vượt qua bên này sông đi học.
"Đời mình nghèo cũng chỉ vì thiếu cái chữ" – bà Phan Thị Thúy Vân một phụ huynh vừa cõng 2 con mình qua sông chép miệng. Chứng kiến cảnh tìm cách để thay đổi vận đời cho con của những người dân nghèo nơi đây sao thấy thật chạnh lòng. Lắng sâu trong mắt các em học sinh và phụ huynh, chúng tôi nhận thấy niềm ước mơ có một cây cầu ở khúc sông này như một sự khát vọng.
|
Em Nguyễn Trần Hoang, học sinh lớp 6A1, trường THCS Phước Thành cởi đồ bơi qua sông ăn trưa sau tiết học buổi sáng... |
Xóm Thành Bình có 72 hộ dân với gần 360 nhân khẩu, trong đó có hơn 30 em học sinh đang theo học từ bậc tiểu học đến THPT. Tuy nhiên, do nằm bên kia dòng sông nên mặc dù chỉ nằm cách trung tâm xã Phước Thành chỉ chừng 3 km theo đường chim bay nhưng xóm nhỏ này trở nên biệt lập với thế giới bên ngoài. Từ khi khai sinh lập địa đến nay, người dân của địa phương muốn đến trung tâm xã đều phải bơi, lội qua sông hoặc đi đường vòng xa hàng chục cây số. Các cháu học sinh từ 3 đến 12 tuổi được người thân cõng, còn các cháu học sinh từ 15 tuổi trở lên cởi quần áo cột lên vai, giơ cặp lên cao rồi dìu dắt nhau băng qua sông đến trường.
Đó là những ngày trời yên bể lặng, còn đến mùa mưa lũ, nước sông dâng cao họ vượt sông bằng nhiều cách và chúng tôi thấy cách nào cũng đầy hiểm nguy. “Vì không có bất kỳ phương tiện nào để qua sông an toàn nên trời mưa là các cháu nghỉ học dài ngày. Do đó, việc duy trì số lượng và tính chuyên cần rất khó đảm bảo. Mặc dù sau những đợt mưa lũ nhà trường phải tăng cường thầy, cô giáo dạy thêm, phụ đạo để học sinh theo kịp chương trình. Các thầy, cô giáo cũng đã nỗ lực hết mình, nhưng do con đường đến trường quá gian nan nên hàng chục năm nay số học sinh ở xóm này học hết THPT chưa đếm hết hai bàn tay” ông Nguyễn Đình Khung, thôn trưởng thôn Cảnh An 1 xã Phước Thành, buồn bã chia sẻ.
|
...và bơi lại mặc áo đi học buổi chiều |
Tiếng trống tan giờ học buổi sáng vừa điểm, các em ở các cấp học ùa ra dọc bờ sông Hà Thanh đợi người nhà tới cõng về, một số khác lại tranh thủ lót dạ bằng gói mì tôm hoặc hộp cơm do cha mẹ vừa gửi qua để bên bờ sông rồi chuẩn bị tiếp tục đi học buổi chiều.
Lòng sông Hà Thanh này rộng khoảng 150 mét và nước chảy rất mạnh. Thế nhưng nhiều học sinh không có phụ huynh đưa đón phải liều mình lội nước. Có những ngày mực nước dâng cao và cha mẹ không thể lội hoặc dùng sõng chở đi được thì học sinh ở xóm Bình Thành phải nghỉ học
Em Nguyễn Trần Hoang, học sinh lớp 6A1, trường THCS Phước Thành và là cư dân của xóm Thành Bình cho biết: Có những lúc, tụi em phải nghỉ học hơn 10 ngày vì nước sông Hà Thanh chảy xiết, không thể bơi qua được. “Em và các bạn đều sợ bơi qua sông, nhưng vì muốn học cái chữ nên phải cố rướn mình qua những đoạn nước sâu, chảy xiết. "Mấy hôm nay nước cạn bớt nhưng tụi em vẫn phải lội qua những chỗ nước sâu. Vào lớp học chân tay ai cũng run cầm cập", Hoang kể.
Việc bơi qua đoạn sông này với học sinh nam chỉ là chuyện nhỏ nhưng với các học sinh nữ là một thử thách về lòng can đảm . Em Nguyễn Thị Mỹ Như học sinh lớp 8A2 trường THCS Phước Thành vẫn nhớ như in ngày tập bơi để đi học. “Ngày đó mấy đứa bạn dẫn em ra bờ sông nói muốn đi học thì phải biết bơi, lội qua bên kia sông. Em thích đi học nhưng nhìn nước chảy mạnh quá nên cứ bước xuống lại nhảy lên bờ. Mấy bạn vừa bơi vừa kéo em qua, uống mấy hớp nước liền. Sau đó em nhờ bạn dạy bơi để được đi học”, Như hồi tưởng.
|
Một phụ huynh chèo đò đưa con đi học và trên bờ là cà mên cơm do một phụ huynh vừa đem qua chờ con mình về ăn để đi học tiếp buổi chiều |
Ông Nguyễn Đình Khung, thôn trưởng thôn Cảnh An 1 xã Phước Thành tâm sự: Tình trạng các em học sinh phải vượt sông Hà Thanh ở cái xóm nhỏ này đến trường, nhất là vào mùa mưa lũ rất nguy hiểm. Nhiều người và trong đó có cả học sinh cố bươn bả qua sông đã bị chết đuối. Chính quyền địa phương đã nghĩ đến chiếc cầu lâu rồi, nhưng không có đủ kinh phí xây cầu.
Thời gian trôi đi, hàng trăm đứa trẻ ở đây lớn lên, hằng ngày vẫn đến trường bằng bước chân trần băng sông. Nhìn cảnh ấy, ai cũng ước mơ làm sao có một cây cầu bắc qua khúc sông này cho các em được đến trường an toàn, người dân được đi lại thuận tiện hơn. Nhưng khát vọng có cây cầu ở nơi vùng "thâm sơn cùng cốc" này vẫn chỉ có thể là một khát vọng mong manh.
Không phải chỉ ở xóm Thành Bình , xã Phước Thành huyện Tuy Phước có tình trạng học sinh đi học gian khổ và nguy hiểm, mà còn rất nhiều nơi khác như vậy. Chúng ta nói đã nhiều, kêu gọi cũng rất nhiều về xây dựng nông thôn mới, về đầu tư cho giáo dục ở vùng nông thôn để nâng cao dân trí, nhưng thực tế làm chưa được nhiều. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, các em sẽ không theo học được lâu dài, cái chữ ít ỏi rồi cũng rơi rụng hết. Nhiều năm qua, học sinh vùng nông thôn bỏ học rất nhiều, nguyên nhân là do nghèo khổ, không đủ cái ăn để đến trường, nhưng cũng có nguyên nhân do đường đến trường quá gian nan.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tỷ suất tử vong do đuối nước ở nước ta là 8/100.000 người/năm. Trẻ em là nhóm có nguy cơ cao tử vong do đuối nước, cao nhất là nhóm trẻ từ 0 đến 4 tuổi với trung bình 22 ca/100.000 trẻ/năm, trong đó, nguy cơ ở trẻ trai cao gấp 1,4 lần trẻ gái. Giờ học bơi của CLB hè tại Trường Tiểu học Việt - Úc Hà Nội.
Tỷ lệ trẻ em đuối nước ở Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ tử vong do đuối nước, chủ yếu là do sự lơ là, chủ quan của người lớn, không giám sát trẻ chặt chẽ; trẻ không biết bơi và chưa được trang bị những kiến thức để nhận biết về mức độ an toàn khi chơi đùa cạnh sông nước, cũng như không biết cách ứng phó khi tai nạn xảy ra. Để đề phòng đuối nước cho trẻ, nhất là đối với những trẻ sinh sống ở ven sông biển, ao hồ, thì cách tốt nhất là dạy trẻ phải biết bơi. Tuy nhiên, trên thực tế, ở hầu hết các trường học đều không dạy môn bơi lội cho trẻ em vì không có điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên giảng dạy. Vì vậy, đa số trẻ biết bơi là do tự học, hoặc gia đình cho con học bơi bên ngoài, nhưng không nhiều. Số trẻ em không biết bơi vẫn chiếm số đông trong xã hội. Vì không biết bơi nên trẻ không thể làm chủ được tình huống khi xuống nước, dẫn đến những tai nạn rất đau lòng. Ngọc Lan |
Xuân Vinh