Muốn con biết chữ, nhiều phụ huynh vùng Đất Mũi ‘đi học cùng con’

GD&TĐ - Một điểm trường ở Cà Mau có gần 80% học sinh đi học bằng phương tiện thủy, vì nhiều lý do, phụ huynh buộc phải “đi học cùng con”.

Địa điểm phương tiện thủy tập trung đưa đón học sinh.
Địa điểm phương tiện thủy tập trung đưa đón học sinh.

Năm học này, Trường tiểu học 2 xã Đất Mũi (ấp Cái Hoãng, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) có 350 học sinh (1 điểm chính, 1 điểm lẻ), thế nhưng có khoảng 75% - 80% học sinh đi học bằng phương tiện thủy, chủ yếu bằng đò.

Hy sinh để con biết chữ, thay đổi cuộc đời

Nguyễn Trọng Nguyễn, học lớp 3 của trường cho biết, từ nhà em đến trường phải mất 30 phút đi đò. Để kịp giờ học, em phải dậy từ lúc 5h sáng để chuẩn bị.

“Nhiều hôm dậy trễ hoặc đò gặp sự cố giữa đường em bị trễ giờ học, có hôm lên tới trường chưa kịp ăn sáng phải vào lớp đói bụng lắm”.

Học cùng lớp, cũng đi học bằng đò như Trọng Nguyễn, Sơn Thị Tuyến cho biết: từ nhà em đi đò tới trường hơn 40 phút. Những hôm đi gặp trời mưa, sóng lớn em rất sợ đò chìm. Em luôn mơ ước mình được đi học bằng xe đạp như một số bạn.

hoc-sinh-4-4151.jpg
Học sinh Trường tiểu học 2 xã Đất Mũi tập trung xuống đò sau khi tan học.
do-7-8258.jpg
Việc lên xuống đò của học sinh gặp nhiều khó khăn.

Trước cổng Trường tiểu học 2 xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) có vài quán kinh doanh dịch vụ ăn, uống, có mắc võng cho khách nằm nghỉ ngơi. Những quán này, từ sáng đến chiều lúc nào cũng đông khách. Khách của quán chủ yếu là phụ huynh học sinh đưa, đón con đến trường.

Bà Chem Mỹ Hiên, ấp Cái Xép (xã Đất Mũi, Ngọc Hiển) có 1 đứa cháu nội học lớp 3 tại trường, hàng ngày đi học bằng phương tiện đò.

“Ở đây học sinh đi học khó khăn lắm chú ạ, phải thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị đến trường. Địa hình sông sâu, nước chảy siết, cho cháu đi đò một mình cũng rất bất an, nhất là trong mùa mưa bão, nên phải bỏ công ăn việc làm ở nhà đi theo đến trường để chăm sóc cháu”, bà Hiên nói.

di-do-7-3164.jpg
Một quán nước trước cổng trường có đông phụ huynh đưa con, cháu đi học từ sáng và ngồi đợi đến chiều để đón về.
di-do-3-3581.jpg
Chị Nguyễn Thị Vẹn mang theo đứa con nhỏ đợi 3 đứa con lớn tan học để đón về.

Trên tay đang bồng cháu bé hơn 1 tuổi, chị Nguyễn Thị Vẹn, ấp Cái Mòi, xã Đất Mũi cho biết, chị có 3 người con đang theo học tại Trường tiểu học 2 xã Đất Mũi. Từ nhà chị đến trường đi võ máy hơn 30 phút. Nếu cho các con đi đò thì tốn kém lắm, mỗi đứa khoảng 50 đến 60 ngàn đồng/ngày, vì thế chị tự chở các con đi để tiết kiệm chi phí.

“Do các con học 2 buổi nên sáng đưa, rồi ngồi đợi tới chiều con tan học rước về luôn, chứ mỗi buổi mỗi đứa, rước tốn kém thời gian, chi phí lắm chú ạ.

Lúc trước tôi còn mò cua, bắt ốc, làm thuê, làm mướn kiếm thêm thu nhập, giờ đi với con cả ngày công ăn việc làm xem như bỏ hết, nhưng phải chịu. Mình đã nghèo, không biết chữ nên chỉ muốn con học biết chữ, sau này nuôi thân”. Chị Vẹn nghẹn ngào nói.

Cũng đang ngồi đợi rước cháu tan học, bà Mã Bé Em (ấp Cái Mòi, xã Đất Mũi) cho biết, bà có 4 đứa cháu đang học tại Trường tiểu học 2 xã Đất Mũi, cha mẹ chúng đi làm ăn xa, gởi cho ông bà chăm sóc.

Hàng ngày, từ mờ sáng các cháu đi học thì bà cũng khăn gói đi theo, khi nào cháu học về thì bà mới được về.

“Nhà tôi ở xa trường, nếu chạy vô, chạy ra ngày 4 lần cực nhọc, tốn kém lắm, chẳng thà tôi ở đây đợi các cháu luôn, sẵn tiện tôi quản lý, chăm sóc chúng khi ra chơi, tránh bị thương tích, bọn trẻ hiếu động lắm.

Mỗi ngày chi phí tiền xăng, tiền ăn 4 bà cháu cũng khoảng 300 ngàn đồng. Ngày nào cũng tầm 16h -17h mấy bà cháu mới về tới nhà. Tốn kém, cực khổ nhưng mình cũng quyết tâm để cho các cháu học, không để chúng dốt được”, bà Bé Em vui vẻ nói.

di-do-4-3339.jpg
Một phụ huynh mang theo thức ăn đợi cháu ra chơi để cùng ăn.
di-do-5-8159.jpg
Một phụ huynh vừa chăm con nhỏ, vừa đợi 2 đứa con lớn tan học.

Mong Nhà nước quan tâm, đầu tư hơn về hạ tầng giao thông
Thầy Lê Đức Thành, Hiệu trưởng Trường tiểu học 2 xã Đất Mũi cho biết, do hạ tầng giao thông đường bộ khu vực này chưa phủ khắp, nên phần lớn học sinh vẫn đi học bằng phương tiện thủy, chủ yếu bằng đò.

“Đi học bằng phương tiện thủy lúc nước ròng thì khó khăn lên, xuống, dễ té ngã. Còn vào những con nước lớn, chảy siết, những ngày mưa to, gió lớn thì rất nguy hiểm, bởi nhiều em không biết bơi.

Ngoài ra, phụ huynh cũng tốn thời gian, chi phí tiền đò, tiền xăng, tiền ăn trong thời gian chờ đợi đưa, đón con. Nhiều gia đình đông con sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cho con đến trường ”, thầy Thành phân tích.

Cũng theo thầy Thành, ngay từ đầu năm học, nhà Trường đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động những người chạy đò cố gắng đến những địa điểm xa, ít dân cư để đưa đón học sinh.

Đồng thời vận động phụ huynh có vỏ máy hỗ trợ phụ huynh không có vỏ máy trên cùng tuyến đường, cho học sinh hóa giang nhằm đảm bảo các em đều có phương tiện đến trường.

Ngoài ra, nhà trường cũng tranh thủ vận động các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn về quần áo tập sách, đồ dùng học tập trong năm học mới.

di-do-1-9511.jpg
Phụ huynh đưa con đến trường bằng phương tiện thủy.
do-8-5835.jpg
Việc đi học bằng phương tiện thủy của học sinh tìm ẩn nguy cơ tai nạn thương tích cao.

“Nhà trường và phụ huynh ở đây đều hy vọng Nhà nước sẽ sớm đầu tư, mở rộng hạ tầng giao thông đường bộ khu vực này để giảm số học sinh đi đò.

Trong thời gian học sinh còn đi học bằng đò, trường cũng hy vọng có tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ một phần chi phí tiền đò cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho các em được đến trường, không bỏ học giữa chừng” vị Hiệu trưởng nhà trường nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.