"Muỗi nhà vua" và nỗi ám ảnh mất mạng vì sốt xuất huyết

Bấy lâu, nhiều người cứ nghĩ, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sống ở nơi ao tù, nước đọng, môi trường ô nhiễm. Thế nhưng, loại “muỗi nhà vua” này lại chuyên sống ở nơi nước sạch, nhất là các nhà cao tầng ở thị thành ...

"Muỗi nhà vua" và nỗi ám ảnh mất mạng vì sốt xuất huyết

Bể nước, lọ hoa… thành mầm bệnh

Sáng 9/9, tôi theo chân anh bạn tên N. là cán bộ y tế phường lên nhà riêng tại tòa nhà chung cư thuộc khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội). Anh đưa tôi đi thăm 8 gia đình cùng tầng.

Đến nhà nào, tôi cũng thấy các bể thủy sinh, chậu cây cảnh, bể chứa nước... Thi thoảng, anh tìm thấy những con loăng quăng (bọ gậy) - ấu trùng của muỗi vằn, hay còn gọi là “muỗi nhà vua” gây sốt xuất huyết. Thậm chí, ở gia đình anh N., anh bạn tôi bảo hạ lọ hoa trên bàn thờ xuống, sau một hồi tìm cũng thấy con bọ gậy nhỏ vừa được sinh ra.

"Muỗi nhà vua" và nỗi ám ảnh mất mạng vì sốt xuất huyết ảnh 1 Phóng to

Bể chứa nước mưa của người dân là môi trường thuận lợi cho “muỗi nhà vua” sinh sôi, phát triển.

“Sở dĩ gọi chúng là “muỗi nhà vua” vì nó có vằn rất “uy nghi”, lại chỉ sống trong môi trường có nguồn nước sạch tại các gia đình khá giả, chứ không phải ở ao tù, cống rãnh”, anh N. giải thích.

Cả buổi sáng 9/9, anh bạn đưa tôi đi nhiều khu chung cư, đến thăm một số đại gia, có nhà biệt thự sang trọng. Nếu để ý kỹ, tại các gia đình này, vẫn có thể tìm thấy những con bọ gậy “nhà vua” -mầm trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều tỉnh thành, trong đó có Hà Nội.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận gần 1.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng khoảng 3 lần so với cùng kỳ năm 2014). 

Dịch đã phân bố ở 29/30 quận, huyện, thị xã (trừ huyện Phúc Thọ). Số mắc cao ghi nhận tại các quận, huyện: Thanh Trì (248 ca), Hoàng Mai (241 ca), Hai Bà Trưng (182 ca), Hà Đông (149 ca). Đáng lưu ý, số mắc liên tục gia tăng trong tháng Bảy và tháng Tám, riêng tháng Tám ghi nhận 633 ca mắc mới (chiếm 49,4% tổng số ca mắc từ đầu năm).

Có mặt tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vỵ, Chủ tịch UBND xã, dẫn PV đi thị sát một vòng quanh các thôn. Tại đội 7, đội 8 (thôn Yên Xá), ông Vỵ chỉ cho PV một số bể chứa nước vẫn còn chưa đảm bảo trong các nhà dân. Tại nhà chị Vũ Thị Yến (SN 1965, đội 7, Yên Xá), bệnh nhân sốt xuất huyết mới nhất của xã, PV vẫn thấy xung quanh còn nhiều dụng cụ chứa nước – môi trường thuận lợi cho muỗi vằn phát triển.

Chị Yến chia sẻ: “Thực tế, môi trường ở khu vực này đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, người dân chúng tôi vẫn có thói quen làm bể chứa nước mưa, che đậy thiếu cẩn thận nên muỗi phát triển nhiều”. Được biết, ngay khi bị sốt cao, chị Yến đã được gia đình đưa đi khám và phát hiện bị sốt xuất huyết. 

Sau đó, chị được đưa đến điều trị tại bệnh viện Xây dựng và nay đã được xuất viện. “May mà phát hiện kịp thời để điều trị nên tôi mới qua khỏi...”, chị Yến tâm sự .

Ông Vỵ cho biết thêm, từ ổ dịch sốt xuất huyết đầu tiên tại đội 8, thôn Yên Xá vào cuối tháng Năm vừa qua, đến nay, xã Tân Triều phát hiện thêm 3 ổ dịch, với hơn 50 bệnh nhân; hiện, không còn bệnh nhân mắc mới. “Mặc dù địa phương đã liên tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nhưng đây vẫn là nơi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết cao vì có lượng người (học sinh, sinh viên, người lao động...) đến tạm trú rất đông.

Những bể nước trong nhà tắm của những nhà trọ tại thôn Yên Xá đa số chỉ được đậy bằng tấm brô-ximăng nên muỗi vẫn chui vào được và sinh sôi...”, ông Vỵ chia sẻ.

Nguy cơ cao, điều trị tốn kém

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng, bộ Y tế bày tỏ sự lo ngại trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết. Theo vị này, tính từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 25.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 48 tỉnh, thành phố trong cả nước và đã có 12 người tử vong do bệnh này.

"Muỗi nhà vua" và nỗi ám ảnh mất mạng vì sốt xuất huyết ảnh 2 Phóng to

Một bệnh nhân sốt xuất huyết đang được điều trị tại bệnh viện.

PGS.TS Phu cho biết thêm, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có tên khoa học là Dengue, hay còn gọi là “muỗi nhà vua” hoặc muỗi vằn, có khả năng sinh sản cao và có tập tính đẻ ở nơi nước trong. Loại muỗi “siêu đẻ” này có vòng đời 1-2 tháng và cứ sau mỗi lần hút máu no khoảng 3 ngày, chúng lại đẻ trứng một lần.

“Như vậy, trung bình một con muỗi cái có thể đẻ trứng khoảng từ 8 -10 lần trong vòng đời của chúng. Tuy nhiên, trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp như vào mùa nóng ẩm, muỗi cái có thể sống kéo dài tới 3 tháng. Đây chính là lý do muỗi sinh sôi phát triển với mật độ rất cao”, PGS.TS Phu nói.

Trao đổi với PV, bác sỹ Vũ Xuân Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp -bệnh viện Bưu Điện cho biết: “Đây là giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Trong thời gian vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng trên 100 bệnh nhân, chủ yếu tập trung ở địa phận quận Hoàng Mai, Thanh Trì... Trong số những người bị sốt cao đến khám thì có tới 30% người bị sốt xuất huyết”.

Theo BS Tuấn thì thông thường điều trị sốt xuất huyết rơi vào một vài ngày, tuy nhiên, tùy mức độ, biến chứng bệnh nhân có thể nằm đến cả nửa tháng...

Tiến sỹ Trần Minh Điền, PGĐ bệnh viện Nhi TW thông tin , từ đầu tuần, bệnh viện tiếp nhận 4 trường hợp bị sốt xuất huyết, các bệnh nhân đều bị nhẹ, chỉ khoảng một vài ngày là ra viện.muỗi

Theo kết quả nghiên cứu của bộ Y tế tại một số bệnh viện thuộc khu vực miền Nam, trung bình mỗi người bệnh sốt xuất huyết Dengue phải nghỉ từ 7-14 ngày để điều trị bệnh, người thân phải nghỉ việc từ 7-9 ngày để chăm sóc người bệnh. Chi phí cho một người bệnh sốt xuất huyết Dengue dao động từ 40,7 USD đến 126,2 USD (nghĩa là từ 900.000 đến 2.700.000 đồng).

“Hãy đổ nước bình hoa, úp chum lọ không dùng đến, dọn sạch sẽ các dụng cụ có nguy cơ đọng nước ở vườn tược, thả cá vào bình chứa nước, bể cảnh... dọn sạch tất cả các tầng, sân thượng, lan can... và xung quanh nhà”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Thống kê mới nhất của cục Y tế dự phòng, bộ Y tế là đến hết tháng 8/2015, cả nước có gần 25.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 12 người đã tử vong do SXH. Bộ Y tế nhận định, dịch SXH đang có những diễn biến phức tạp.

Cần đi khám khi bị sốt cao đột ngột 38-400 C

Theo lãnh đạo cục Y tế dự phòng, trong thời điểm hiện nay, khi người bị sốt cao đột ngột 38-400C, nhất là ở trong vùng có người bị sốt xuất huyết Dengue, cần đến bệnh viện để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không nên tự chữa bệnh tại nhà, nhất là đối với trường hợp trẻ nhỏ nghi nhiễm sốt xuất huyết Dengue.

Theo doisongphapluat.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ