Mười năm bặt tin sau hải trình sóng gió

Mười năm bặt tin sau hải trình sóng gió

(GD&TĐ) - Nhân kỷ niệm 50 ngày mở con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, chúng tôi đã vô cùng xúc động trước những câu chuyện mà các cựu chiến binh kể lại về một thời hào hùng, đáng nhớ...

Mười năm bặt tin sau hải trình sóng gió

Giờ đây, cựu thủy thủ tàu không số Đỗ Xuân Tâm đã bước sang tuổi 70, nhưng ông vẫn không sao quên được những năm tháng cùng đồng đội “rạch biển Đông chở vũ khí vào Nam” trên những con tàu không số. Tại nhà khách của Bộ tư lệnh Hải quân, chúng tôi đã được nghe ông kể lại những tình huống “trớ trêu” mà anh em Tàu 187 gặp phải trong hải trình  đầy sóng gió cách đây 46 năm – đó cũng là chuyến đi 10 năm ông xa người vợ trẻ sau vỏn vẹn 3 ngày “trăng mật”... 

Cuối tháng 2-1965, Đỗ Xuân Tâm được đơn vị cho nghỉ 7 ngày phép để về nhà cưới vợ. Một đám cưới đạm bạc chỉ có bánh kẹo, thuốc lá, không có cỗ bàn. Nghỉ phép được 3 ngày thì lại có lệnh về ngay đơn vị để nhận nhiệm vụ: sang cảng Hậu Thủy (Trung Quốc) chuẩn bị cho chuyến đi thứ ba. Thời điểm đó, sau sự kiện Vũng Rô, việc vận chuyển hàng vào Nam trên những con tàu không số đã rất khó khăn, nhiều chuyến đi đã bị địch phát hiện, nhiều đồng đội của ông đã chịu tổn thất, hy sinh.

Với vai trò thợ máy 1 trên tàu 187, ngày 11-6-1966 ông và đồng đội xuất phát từ Cống Đông-Quảng Ninh làm nhiệm vụ chở vũ khí vào Nam. Chuyến đi lần ấy, Tàu 187 có 18 thủy thủ trong đó cấp trên tăng cường thêm Cố vấn chính trị viên Hồ Đức Thắng và cố vấn thuyền trưởng Dương Tấn Kịch, đây là hai cố vấn có thâm niên trong nghề, riêng Hồ Đức Thắng là người Trà Vinh và đã từng có 11 chuyến đi suôn sẻ vào các bến, còn Dương Tấn Kịch là một thuyền trưởng kỳ cựu, một người rất giỏi thiên văn của Đoàn 125 trong thời điểm ấy. 

Huỷ tàu vì... ngọn hải đăng

16 giờ ngày 19-6-1966, sau 6 ngày đi vòng sang vùng biển quốc tế và “bắt” được Côn Đảo, vì phải đợi trời tối nên 187 không thể tăng tốc vào hướng Côn Đảo ngay, Thuyền trưởng Phan Xã quyết định thả trôi tàu. Vừa thả trôi được vài phút thì phát hiện một máy bay Mỹ đang đi tuần tiễu dọc hải phận Nam Việt Nam. Máy bay vòng trở lại hai vòng tại cabin để chụp ảnh.

Anh em trên tàu vẫn thản nhiên làm các công việc của một tàu đánh cá, ai vào việc nấy: người thì phơi cá, người vá lưới, nấu ăn... “Tôi đang ở trong bếp, khi máy bay sà thấp, nhìn rõ viên phi công, tôi đã cầm chiếc đùi gà giơ lên để trêu đùa, tên này đã thò đầu ra và nhoẻn miệng cười”, ông Tâm nhớ lại. Khi thấy máy bay địch tuần tiễu, tàu 187 liền điện báo xin ý kiến cấp trên. 19 giờ, Tàu nhận được điện: “Thóc đổ bồ”, mã cơ yếu được dịch ra là: “Bến êm, cứ vào”. Tàu nổ máy xuất phát khi tất cả ánh sáng trên tàu đều đã được lệnh tắt.

Khoảng 3 giờ sáng hôm sau, anh em trên tàu dần nhận dạng được ven bờ, các thủy thủ rất mừng bởi ít phút nữa, chỉ chờ ám hiệu nhận nhau giữa tàu và đất liền là coi như chuyến đi thành công. Cố vấn Thuyền trưởng Dương Tấn Kịch đo thiên văn để xác định vị trí cập bến Vàm Ba Động. Anh báo với thuyền trưởng Phan Xã là tàu cách bến Vàm Ba Động 1,2 hải lý, nghĩa là tàu đang đi rất chuẩn xác, chỉ ít phút nữa là tàu sẽ vào bến.

Đúng lúc đó, Cố vấn chính trị viên Hồ Đức Thắng, người từng đi vào bến Vàm Ba Động 11 lần, bảo rằng: “Anh Kịch ơi, anh nhầm rồi, tôi xin lấy tính mạng của mình mà đảm bảo rằng đây không phải là Vàm Ba Động”. Giữa hai cố vấn kỳ cựu, một người dựa vào kiến thức thiên văn, một người dựa vào kinh nghiệm, cả hai đều cho rằng nhận định của mình là chính xác. Khi đó, chi ủy chi bộ tàu 187 tổ chức hội ý chớp nhoáng, ông Tâm là chi ủy viên nên cũng có mặt trong cuộc họp. Cuối cùng, chi ủy thống nhất sau cuộc họp là xin ý kiến trên. Cấp trên điện chỉ đạo: “Bắt ngư dân để hỏi”.

Việc làm đó với ông Tâm và đồng đội không khó, bởi thuyền đánh cá của ngư dân rất nhiều. “Tàu chúng tôi bắt được một chiếc ghe, trên ghe có một ông già khoảng ngoài 60 tuổi và một cậu bé hơn 10 tuổi. Những thủy thủ giọng miền Nam bước tới, cất tiếng: “Đây là ở đâu, có phải Vàm Ba Động không?”. Do hoảng hốt nên ông già chưa kịp nói câu nào, còn cậu bé thì sợ quá, chỉ biết khóc... Trong khi đang khai thác dân, bỗng nhiên hai máy bay địch nhao tới thả một loạt pháo sáng, bốn xung quanh, tàu chúng tôi bị 5-7 chiếc tàu địch bắn xối xả mà không cần phát tín hiệu thăm dò”, ông Tâm kể.

Ông Đỗ Xuân Tâm.
Ông Đỗ Xuân Tâm.

Lúc đó, Tàu 187 phát điện báo cáo cấp trên là tàu đã bị lộ và nhận lệnh hủy tàu. Vừa mới nhận lệnh hủy thì tàu bị mắc cạn, khi ấy là 5 giờ sáng ngày 20-6-1967. Ông Tâm và đồng đội thấy rất rõ tàu mình đã cách Vàm Ba Động khoảng chừng 1 hải lý, các thủy thủ trên tàu vẫn tích cực chiến đấu tới nửa giờ đồng hồ để anh em rời tàu và hỗ trợ cho thuyền trưởng Phan Xã, máy trưởng Vũ Sơn An khẩn trương lắp kíp bộc phá để chuẩn bị hủy tàu. Trong khi lắp kíp, Thuyền trưởng Phan Xã ra lệnh cho anh em thủy thủ khẩn trương rời tàu.

Lúc đó ông Tâm chỉ diện trên người một chiếc quần cộc, trước khi rời tàu, ông còn tiện tay cầm thêm can xăng 20 lít đổ vào hầm hàng... Rời tàu, địch tiếp tục bắn chặn với những làn đạn dày đặc. Vào bờ, các thủy thủ quay ra nhìn thì thấy tàu vẫn đứng sừng sững, không nổ, cũng không thấy Thuyền trưởng và máy trưởng đâu... Đồng chí Tư Mau (tức Phan Văn Nhờ, khi đó đang là Đoàn phó Đoàn 962 của Quân khu 9) liền điều hai khẩu ĐKZ tới bắn vào tàu, hai khẩu bắn tới cả chục viên mà con tàu chỉ cháy chứ không nổ.

Vào đến bờ, mỗi người thất lạc một nơi. Có người gặp được cơ sở của ta, người thì thất lạc vào rừng mắm, rừng sú vẹt… Sáng 20-6-1966, bầu trời Vàm sông Ba Động đen kịt từng bầy trực thăng, từng tốp máy bay phản lực nhào lộn bắn phá các khu rừng quanh Vàm sông Ba Động, địch còn cho các tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên đổ bộ chiếm giữ cửa sông Ba Động.

Ba ngày sau, thủy thủ Tàu 187 được người dân địa phương và bộ đội đơn vị 962 tìm kiếm, gom về căn cứ. Tất cả 18 anh em thì chỉ tập hợp được 16 người, Chính trị viên Lê Công Thương hy sinh ngay trên bãi cát cửa Vàm Ba Động, thuỷ thủ Trần Quang Phiêu - Hàng hải số 1 - bị trúng đạn gãy chân trên bãi cát và bị địch bắt. Riêng báo vụ Phan Thành Duyên bị lạc vào rừng mắm, sau 4 ngày đêm không nước, không cơm đã nhặt lá dừa khô, tìm một gò cao để kê lên, chờ chết. Rất may là anh em đơn vị 962 đã tìm thấy và kịp thời cứu sống…

Sáu tháng sau, khi tới Cà Mau, ông Tâm và đồng đội mới biết nguyên nhân dẫn đến những nhận định không thống nhất giữa một người rất giỏi về thiên văn như Dương Tấn Kịch và một thuỷ thủ kỳ cựu, dày dạn kinh nghiệm về địa văn là Hồ Đắc Thắng. Cuối cùng, nguyên nhân được xác định là do.. ngọn đèn biển. Trước đó ít ngày, ngọn hải đăng Ô Cấp (Vũng Tàu) đã được chính quyền Sài Gòn nâng cao thêm 5m, trong khi lực lượng quân báo của ta chưa kịp thông báo cho các tàu. Vì thế, theo kinh nghiệm của 11 chuyến đi và cập bến an toàn trước đó, chưa khi nào Hồ Đắc Thắng nhìn thấy đèn Ô Cấp, vậy mà lần này ngọn hải đăng ấy lại hiện ra mồn một trước mắt người lính biển dạn dày sóng gió, và anh đã nhận định đây chưa phải là Vàm Ba Động…

Giữa tháng 8-2011, khi hay tin Bộ đội biên phòng Trà Vinh phát hiện một chiếc tàu vỏ sắt dài khoảng 20m chở nhiều vũ khí đang nằm sâu dưới biển hơn chục mét, cách phao số 0 khoảng 7 hải lý về phía đông nam biển Trà Vinh, cựu binh tàu không số Đỗ Xuân Tâm nhận định rất có thể đấy là con tàu 187 thuộc Đoàn tàu không số mà ông và đồng đội đã từng cố gắng phá hủy trong chuyến đi trung tuần tháng 6-1966.

“Ngày hôm sau, phía chính quyền Sài Gòn có cho máy bay rêu rao là đã đưa con tàu do “Bắc Việt giả dạng” về trưng bày ở Cần Thơ, nhưng sau đó qua xác minh địch chẳng đưa được chiếc tàu nào của ta về đó cả. Theo tôi, do bị bắn cháy và thủng nhiều chỗ nên địch không thực hiện được âm mưu lai dắt về Cần Thơ, có thể tàu và vũ khí đã bị chìm cách bến Vàm Ba Động gần chục hải lý”, ông Tâm khẳng định.

Sau chuyến đi cuối cùng ấy, ông Tâm và đồng đội nhận lệnh của Đoàn 125 hành quân bộ sang Cam-pu-chia để từ đó ra Bắc, nhưng khi vừa đặt chân tới biên giới thì tình hình chính trị Cam-pu-chia có biến động, cả đoàn lại quay về rừng đước Cà Mau chờ thời cơ. Nào ngờ, ông và nhiều đồng đội khác đã phải chờ đợi tới cả chục năm trên vùng đất Mũi... 

Ông Đỗ Xuân Tâm và vợ lúc trẻ. (ảnh do nhân vật cung cấp)
Ông Đỗ Xuân Tâm và vợ lúc trẻ. (ảnh do nhân vật cung cấp)

Phút trùng phùng sau nghìn trùng sóng gió 

Quãng thời gian 10 năm biền biệt xa người vợ trẻ, cũng là 10 năm hai vợ chồng ông Tâm không được phép viết cho nhau một dòng thư nhắn gửi. Ngồi nhớ lại những năm tháng ấy, cựu chiến binh Đỗ Xuân Tâm cười vui mà nước mắt lăn dài trên má. “Cũng như nhiều chuyến đi trước, khi bước chân lên tàu, tôi và các đồng đội đều phải để lại mọi thứ liên quan: từ tên tuổi, quê hương cho đến cả người thân cũng phải giấu… Vì thế, vợ tôi chỉ có thể đến Đoàn 125 để hỏi tin tức chồng và lần nào cũng chỉ nhận được thông báo ngắn gọn: chồng đang đi công tác xa”, ông Tâm nhớ lại.

Là những người làm nhiệm vụ đặc biệt trên những “con tàu không số” nên trong thời gian hoạt động trong vùng rừng đước Cà Mau, ông hoàn toàn bặt tin gia đình. Kể từ ngày chia tay người vợ mới cưới (3-3-1965) để nhận nhiệm vụ trên tàu 187 cho tới ngày đất nước thống nhất, 10 năm ròng ông không biết tin tức gia đình, làng xóm và chỉ được nghe những thông tin về sự tàn phá của không quân, hải quân Mỹ khi đánh phá, hủy diệt miền Bắc và quê hương Hải Phòng của ông qua thông tin từ Đài Tiếng nói Việt Nam.

“Sống cùng đồng đội với ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn, trong tôi luôn có niềm tin về một tình yêu thủy chung với người vợ trẻ nơi quê nhà”, ông Tâm chân thành bộc bạch. Như lời ông kể, đôi lúc trong ông cũng có những nghĩ suy vẩn vơ: “Hay là Xuân đã đi lấy chồng?”, rồi ông lại tự dằn lòng: Nếu có chuyện đó thì cũng là lẽ thường, tất cả do chiến tranh gây ra. Là những chiến sĩ của đoàn tàu không số, trước khi nhận nhiệm vụ, ông và đồng đội vẫn luôn xác định là mình sẽ hy sinh trước mỗi chuyến vượt biển vào Nam, bởi vậy dẫu có thêm một lần hy sinh hạnh phúc riêng tư thì cũng đâu có phải là một mất mát gì quá lớn so với những đồng đội đã nằm xuống giữa nghìn trùng...

Sau ngày đất nước thống nhất, Đỗ Xuân Tâm và đồng đội nhận nhiệm vụ về tiếp quản cảng quân sự Ninh Kiều và cảng Bình Thủy-Cần Thơ. Ngày 3-5-1975, đơn vị ông được đón đồng chí Tố Hữu, khi đó đang là Bí thư Trung ương Đảng, tới thăm. Sau 30 phút gặp gỡ và giao nhiệm vụ, đồng chí Tố Hữu có nhắn anh em đơn vị: đồng chí nào quê ở miền Bắc nếu cần viết thư về cho gia đình hoặc đơn vị thì sẽ chuyển giúp. “Tôi mừng quá, chỉ kịp viết ít chữ gửi cho các đồng chí lãnh đạo Đoàn 125, nhờ các đồng chí trong đơn vị thông báo giúp xem mọi người trong gia đình tôi những ai còn, ai mất, mức tàn phá của kẻ thù đối với quê hương mình ra sao sau hơn 10 năm xa cách”, ông Tâm kể.

Một ngày trung tuần tháng 6-1975, vào đầu giờ chiều, Đỗ Xuân Tâm và anh em đơn vị đang học nghị quyết tại hội trường thì được thông báo có đoàn khách của Bộ tư lệnh Hải quân và Đoàn 125 vào thăm. Đồng chí trực ban đơn vị tới gặp riêng Đỗ Xuân Tâm, bảo: “Anh Tâm ơi, lãnh đạo đơn vị còn đưa cả chị Xuân vào thăm anh đấy!”. Dĩ nhiên Đỗ Xuân Tâm không dễ dàng tin ngay được, ông cho rằng đồng chí trực ban “nói xạo”, bởi tuy Bắc Nam đã sum họp nhưng người vợ trẻ ấy không dễ gì có thể đặt chân tới được vùng đất “gạo trắng nước trong” này. Nhưng rồi, khi hai chiếc xe con chở đoàn khách tiến vào sân đơn vị, thật bất ngờ, một cô gái tay cầm chiếc nón lá miền Bắc bước ra khỏi xe. “Đúng vợ mình thật rồi!”, Đỗ Xuân Tâm nghĩ thầm và cảm thấy như mình đang bay bổng. Hồi hộp và vui sướng, Đỗ Xuân Tâm chạy tới cảm ơn lãnh đạo Bộ tư lệnh, cảm ơn chỉ huy Đoàn 125 đã tạo điều kiện để hai vợ chồng được gặp lại nhau sau 10 năm xa cách.

“Vợ chồng tôi nhìn nhau thật lâu. Mà cũng rất lạ, hai chúng tôi không hề có những giọt nước mắt nghẹn ngào, không có những lời trách than, hờn tủi, thay vào đó là những nụ cười hạnh phúc”, ông Tâm kể lại. Sau này, khi hỏi vợ tại sao trong phút giây trùng phùng sau hàng nghìn ngày xa cách ấy mà em không hề rơi nước mắt, ông Tâm nhận được câu trả lời từ người vợ thủy chung: “Từng ấy năm em đã khóc thầm vì mòn mỏi đợi chờ, hy vọng nên bao nhiêu nước mắt đã lặn hết vào tim em rồi”. Khi ấy, ông Tâm chợt nhận ra người vợ yêu quý của mình vẫn trẻ trung, xinh xắn như xưa, chỉ có điều cô Bí thư Thị Đoàn đã gày hơn trước rất nhiều.

Vào Nam thăm chồng trên những con tàu mà cách đó nhiều năm ông Tâm và đồng đội đã phải bí mật ra khơi trong những hải trình đầy sóng gió, Nguyễn Thị Xuân đã ở lại đất Tây Đô hơn 1 tháng rồi sau đó theo tàu của Đoàn 125 trở ra Bắc. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Tâm chuyển ngành về công tác tại Công ty Du lịch Đồ Sơn. Năm 1996, ông về nghỉ hưu và mở một nhà hàng ăn tại phường Ngọc Hải, Đồ Sơn, Hải Phòng.

Giờ đây, chỉ có một điều vẫn làm ông day dứt, ấy là trong những năm tháng xa gia đình, xa người vợ trẻ, cũng là khoảng thời gian mà nhiều người từng nghi ngờ, đồn thổi ông “theo địch” chứ không phải “đi B”. Vợ ông là người phải hứng chịu những điều tiếng không hay ấy. Chưa kể, các chế độ, tiêu chuẩn dành cho những cán bộ đi B vì yếu tố bí mật mà ông cũng như nhiều đồng đội khác vẫn chưa được hưởng. “Những thủy thủ tàu không số lại phải thêm một lần hy sinh cả vì cả những điều bị coi là nhỏ nhặt ấy, dẫu biết rằng để vượt qua những “điều tiếng” không hay này cũng chẳng phải dễ dàng gì” - ông Tâm đã bộc bạch với chúng tôi như vậy. Chúng tôi cũng động viên, chia sẻ với ông rằng những thiệt thòi ấy thật nhỏ bé so với những lúc ông và đồng đội từng nỗ lực vượt nghìn trùng sóng dữ, những lúc phải mình trần, chân đất chịu đói, khát nơi rừng đước Cà Mau rồi may mắn sống sót, trở về...

*Sáng 21/10, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức gặp mặt 26 cựu chiến binh, gia đình liệt sỹ đoàn tàu không số sinh sống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Những CCB tàu Không số quây quần bên nhau ôn lại kỷ niệm hào hùng
Những CCB tàu Không số quây quần bên nhau ôn lại kỷ niệm hào hùng

Tại buổi gặp mặt, các cựu chiến binh cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một thời hào hùng trên những chiếc tàu không số.

Ông Hồ Thanh Nhuận, năm nay đã 87 tuổi, quê ở xã Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng tham gia đoàn tàu không số từ năm 1961 nhớ lại: “Khi anh em say sóng, say gió thì thuyền phó chăm sóc anh em. Đồng chí Đích bây giờ cứ nhắc hoài, trên đường đi em say sóng anh cứ đem cháo tới đầu giường đút cho em ăn, động viên em giữ sức khỏe, nếu gặp địch thì đứng dậy chiến đấu”.

Tham gia vào đoàn tàu không số, ai cũng sẵn sàng ký giấy báo tử, hy sinh trên đường làm nhiệm vụ. Thế nhưng, những lần thoát khỏi sự đeo bám của địch vẫn là những kỷ niệm hùng tráng nhất. Máy bay trên đầu, tàu khu trục đeo bám đằng sau, biển động, sóng dữ là những thách thức tinh thần, lòng quả cảm của các chiến sỹ trên tàu không số.

Cựu chiến binh tàu không số Lê Thái Sơn cho biết: “Tôi đi một chuyến làm thuyền phó. Chuyến này không thành. Chúng tôi đi sang Hải Nam-Trung Quốc, vào gần bờ nhưng bị địch theo dõi nên quay trở ra. Trên đường đi thì bị tàu khu trục, máy bay của Mỹ theo dõi. Ra đến Hoàng Sa chúng tôi neo lại ở đó gần 6 ngày, tàu của Mỹ cũng neo lại đó. Sau đó, chúng tôi nhận lệnh của trên quay về”.

Vũ Minh-Thành Long

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.