* Những danh nhân từng giúp Hoàng đế Quang Trung lập nhiều chiến công hiển hách.
Theo chân các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Minh triết Việt về huyện Thanh Trì (Hà Nội), quê hương của danh nhân Ngô Thì Nhậm; và gần đây, về vùng Tổng Xốm thuộc Quận Hà Đông, nơi thờ tự La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, tôi đã ngộ ra nhiều điều còn chưa biết về những con người từng hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp chống quân xâm lược.
Nhân kỷ niệm chiến thắng Đống Đa lịch sử (ngày 5 tháng Giêng, năm Kỷ Dậu 1789), bài viết ghi lại đôi điều để cùng suy ngẫm.
DANH NHÂN NGÔ THÌ NHẬM, NGƯỜI ĐI NƯỚC CỜ TAM ĐIỆP
Xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc gắn bó với triều Lê Trung Hưng, Ngô Thì Nhậm được biết đến với nhiều công trình văn học và những công tích trong thời vua Lê Cảnh Hưng; song ít người được biết ông đã nhiều năm giúp vua Quang Trung làm nên chiến thắng lẫy lừng chống quân xâm lược và xây dựng đất nước.
Trong bộ sách Ngô Thì Nhậm phát hành vào lễ tưởng niệm 210 năm ngày mất của ông, Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Trì ghi nhận, Ngô Thì Nhậm đã đem hết tâm huyết, tài năng đóng góp cho sự nghiệp cứu nước và dựng nước dưới ngọn cờ đào Tây Sơn (huyện Thanh Trì, Hà Nội 2013).
Truyện danh nhân Ngô Thì Nhậm ghi lại: Vào thời Tây Sơn, khi Nguyễn Hữu Chỉnh tác oai, tác quái ở Bắc Hà, con rể Hoàng đế Nguyễn Nhạc là Vũ Văn Nhậm được cử làm Thống tướng để đi chinh phạt. Khi làm chủ Thăng Long với nhiều tham vọng, chỉ nửa năm sau, Vũ Văn Nhậm đã trở thành kẻ lộng quyền chẳng khác gì Nguyễn Hữu Chỉnh. Biết được tin này, tháng tư năm Mậu Thân (1788) Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ 2 để ổn định tình hình.
Sau nhiều năm tháng ẩn dật, tháng 5 năm đó, Ngô Thì Nhậm có cơ may hạnh ngộ, được chúa Tây Sơn tin dùng và từ đó, thi nhân họ Ngô đã trở thành người đi nước cờ Tam Điệp, phò Tây Sơn trong cuộc chiến chống quân xâm lược Mãn Thanh.
Theo nhiều sử liệu, ngày 28 tháng 10 năm Mậu Thân, đại quân nhà Thanh với 30 vạn binh mã do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy bắt đầu xâm chiếm nước ta.
Trước thế giặc hung hãn, lui quân về nơi hiểm yếu mai phục, bảo toàn lực lượng do Ngô Thì Nhậm đề xuất đã thuyết phục được tướng lĩnh trấn giữ Bắc Hà. Vào tiết trọng Đông, ngày 20 tháng 1 năm Mậu Thân (17 tháng 12 năm 1788), quân Tây Sơn đội ngũ chỉnh tề đã lui về trấn giữ Tam Điệp để trống kinh thành Thăng Long.
Tưởng quân Tây Sơn mất vía chạy dài, vào được Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị khoát tay áo chiến, thả cả đạo quân ào ào mạnh tiến tan rã thành đám quan binh nhàn tản, chuẩn bị đón một cái Tết linh đình.
Sau ngày quan quân lui về Tam Điệp, ngày 24 tháng 1, Đô đốc Nguyễn Vân Tuyết đi ngựa về đến Phú Xuân tâu trình sự việc. Một ngày sau đó, Nguyễn Huệ đăng quang lên ngôi Hoàng đế, rồi đưa 5 vạn quân lên đường ra Bắc.
Trên đường hành quân thần tốc, qua Thanh Hóa, Nghệ An nhà vua tuyển thêm nhiều binh mã hợp thành đạo quân 10 vạn kịp đến Tam Điệp vào ngày 20 tháng Chạp. Đêm 30 mừng Tết Kỷ Dậu, Hoàng đế Quang Trung ra lệnh xuất quân, Người cho triển khai hành tiến đội hình theo kiểu “bàn tay xòe” với 5 cánh quân; hướng chủ đạo như “ngón tay giữa” thẳng tiến từ Tam Điệp về Thăng Long do chính Hoàng đế chỉ huy, có Tư mã Ngô Văn Sở lĩnh ấn tiên phong.
Hữu dực do Đô đốc Nguyễn Vân Tuyết và Đô đốc Nguyễn Vân Lộc chỉ huy như “ngón tay út” và “ngón đeo nhẫn” phải vòng qua mạn Hải Dương và Bắc Giang để đánh vào sườn bên trái và chặn đường rút chạy về nước của đại binh nhà Thanh.
Vai trò “ngón tay trỏ” và “ngón cái” là các cánh quân tả dực do Đô đốc Bảo và Đô đốc Nguyễn Vân Long chỉ huy, phối hợp với trung quân ở mạn phía Tây. Riêng quân của Đô đốc Long phải qua đường thượng đạo cũ để đánh đòn thọc sâu vào sườn mé sau bên phải đại quân nhà Thanh (huyện Thanh Trì, 2013)
LA SƠN NGUYỄN THIẾP VÀ DÒNG HỌ TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG QUÂN XÂM LƯỢC MÃN THANH
Là con người từng một thời vang động Bắc Hà, khẳng định Nguyễn Thiếp là người tài đức và có nghị lực phi thường, Nguyễn Huệ đã nhiều lần mời ông ra giúp nước.
La Sơn Phu tử và cả gia đình đã tham gia chuẩn bị và trực tiếp chỉ huy chiến đấu chống quân xâm lược; bốn người con của ông đều là những Đại đô đốc tiên phong diệt giặc.
Trong cuốn Chuyện vặt trong nhà, Nguyễn Thiếp có kể lại rằng, cuối thời nhà Lê, đất nước vô chủ; phía Bắc vua chúa đè nén, quan lại lo hại lẫn nhau; phương Nam hai dòng họ Nguyễn trong cảnh nồi da nấu thịt; Nguyễn Huệ đã nhiều lần có thư mời La Sơn giúp nước và lần ra Bắc thứ 2, Bắc Bình Vương đã đến nhà trực tiếp gặp Phu tử. Nhận ra con người tài trí, lại cảm mến đức độ và khả năng quyết đoán; La Sơn Nguyễn Thiếp đã vào Phú Xuân để cùng định liệu, bàn cách chống quân xâm lược.
Nguyễn Huệ đã giao cho Phu tử chức Đại đô đốc Quảng oai hầu và bốn người con của người (Nguyễn Vân Long, Nguyễn Vân Hổ, Nguyễn Vân Lộc, Nguyễn Vân Tuyết) chức Đô đốc để lo việc tuyển quân và chuyển quân ra Bắc.
Chỉ một thời gian ngắn, hai vạn quân Tây Sơn và tuyển ở vùng nghệ Tĩnh đã được chuyển ra vùng rừng núi chùa Hương giả làm dân làm nương rẫy, thợ rừng… để luyện tập trong rừng sâu (Nguyễn Thiếp, Phan Trọng Cung, 2003).
Cùng với lực lượng quân Tây Sơn ở chùa Hương, Nguyễn Thiếp cùng con em trong nhà đã sử dụng con bài “phù Lê” để tập hợp lực lượng, hòa giải hiềm khích của các phe đảng và trở thành trung tâm lãnh đạo.
Từ lực lượng có sẵn trong tay, Nguyễn Thiếp đã phái La Sơn Nguyễn Khải về Hải Dương tập hợp tàn quân của Đinh Tích Nhưỡng và quân họ Trịnh để đón Lê Chiêu Thống và quân Thanh vào thành thăng Long, còn La Sơn Nguyễn Chuyên tập hợp kiêu binh và các băng đảng vào phục vụ tướng giặc trong thành để làm nội ứng khi xảy ra chiến sự.
Dưới sự chỉ huy của Phu tử, Đô đốc Hổ và Đô đốc Long đem quân giả làm thường dân bí mật vào ở trong các đình chùa và nhà dân quanh thành Thăng Long đợi đại quân Tây Sơn hẹn ngày tiến đánh.
Đêm 30 Tết Kỷ Dậu, trong lúc dân làng chuẩn bị vui chơi mừng Xuân, nghĩa quân mặc giả thường dân đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Ở trong thành, đội quân do La Sơn Nguyễn Khải và Nguyễn Chuyên chỉ huy đón Tết cùng quân Thanh vui vẻ như lúc thái bình. Trong khi đó, đội tượng binh của Đô đốc Long giả làm thường dân chở lương thảo và quân thủy bộ dưới dạng dân thường đã được đưa vào kinh thành Thăng Long.
Tối mồng 3 Tết, vua Quang Trung ra lệnh đánh Ngọc Hồi, khi bốn phía quân tiến vào Thăng Long, quân của La Sơn Nguyễn Khải, Nguyễn Chuyên làm nội ứng nghe hiệu lệnh đều nhất tề quay giáo đánh giết giặc từ bên trong, khiến Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự vẫn, các tướng khác người bị chết kẻ bỏ chạy; quân Thanh như rắn mất đầu, dày xéo lên nhau mà chạy trốn. T
ất cả dân Nam đều trở thành dũng sĩ; cầm vồ, cuốc, thuổng xông ra giết giặc, Chỉ trong buổi sáng vùng đầm lầy Vĩnh Hồ và Tô Lịch máu chảy thành sông; trên con sông Hồng nước cạn, cầu gãy xác quân thù đã làm tắc nghẽn dòng chảy. Sau một ngày Thăng Long còn trong khói lửa, đồn giặc ở mọi nơi không đánh mà tan.
Kết thúc trận Đống Đa lịch sử ngày 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu; đúng hẹn sáng ngày mồng 7 tháng Giêng, Nguyễn Thiếp đón vua Quang Trung vào thành khai hạ, khao thưởng quân sĩ. Riêng gia đình La Sơn Phu tử có 9 liệt hầu, nếu kể cả con cháu ở nơi khác toàn gia có 15 biệt hầu và cả dòng họ lên tới 20.
***
Cho đến nay, mặc dù sử sách còn chưa viết nhiều về những con người trực tiếp làm nên chiến thắng Đống Đa lịch sử, nhưng trong lòng dân và ở các đình, chùa, đền miếu hình ảnh ngũ hổ với La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp và Ngô Thì Nhậm vẫn trường tồn.
Những gì còn lưu giữ được trong các gia đình dòng họ về lớp người xưa có thể giúp cho hậu thế soi rọi rõ hơn về lịch sử hào hùng của cha ông để lại. Hy vọng bài viết là một nén tâm hương để tưởng nhớ đến những con người kiệt xuất đang an nghỉ ở cõi vĩnh hằng.