Năm ngoái Tùng cứ phải ngồi một mình một bàn ở cuối lớp, lý do vì người Tùng thường xuyên bốc mùi lạ.
Thi thoảng tôi vẫn nhắc nhở cậu tắm gội cho sạch sẽ trước khi đến lớp nhưng tình hình vẫn không cải thiện được nhiều. Thật hiếm hôm cậu lên lớp với bộ quần áo sạch sẽ, thơm tho nên không em nào chịu ngồi bên cạnh Tùng là vì thế.
Ban đầu tôi cứ nghĩ học trò này lười tắm gội. Nhưng hôm xếp lại chỗ ngồi, tôi mới nhận ra đã quá vội vàng khi phán xét vấn đề. Mẹ Tùng là công nhân vệ sinh môi trường.
Buổi sáng Tùng đến lớp, một buổi cậu phải đi bán báo dạo và đi thu gom rác để bán đồng nát.
Vì muốn có đầy đủ đồng phục như các bạn, Tùng phải tranh thủ cả lúc sáng sớm nhặt đồ nhựa ở những thùng rác bốc mùi gom lại bán đồng nát để có tiền. Rồi sau đó, nếu sớm thì cậu sẽ tắm gội, vội thì cậu thay đồ qua loa và đến lớp học.
Tôi thấy cay nơi khóe mắt. Tôi vẫn thường cáu mỗi khi Tùng không thuộc bài hay không làm bài tập. Cậu ấp úng: “Dạ, em xin lỗi cô”.
Dưới lớp có tiếng xì xào, một học sinh giơ tay đứng dậy phát biểu ý kiến: “Thưa cô, bạn Tùng thường xuyên phải thức đêm để đan lát thuê ạ”. Khi đó trong lòng tôi chợt cảm giác ân hận ùa về.
Nhà trường quy định thứ hai đầu tuần phải mặc đồng phục, đồng phục mùa hè, đồng phục mùa đông, đồng phục thể dục và cả đồng phục để cho các lớp đi du lịch nữa.
Với hoàn cảnh của Tùng phải mua ngay từ đầu năm từng ấy đồng phục quả là quá sức. Số tiền không phải ít, bằng bao nhiêu buổi sáng em lăn lộn trên phố để gom rác, tôi chẳng thể tính nổi.
Từ trường hợp gia đình khó khăn của Tùng, tôi nhận ra hình như không chỉ trường tôi mà nhiều trường khác đang lạm dụng đồng phục.
Mà lớp tôi chủ nhiệm phần lớn là gia đình có hoàn cảnh chẳng khá giả gì, chủ yếu là dân lao động. Cùng với học phí và những khoản thu khác cũng nặng chẳng kém, đồng phục nhiều khi khiến phụ huynh khốn đốn.
Tôi không nghĩ là nên bỏ đồng phục nhưng hạn chế số bộ đồng phục, tận dụng năm trước cho năm sau là việc nên làm để tránh lãng phí và áp lực cho phụ huynh, học sinh.