Mức lãi suất sẽ giảm dần theo tín hiệu thị trường

Mức lãi suất sẽ giảm dần theo tín hiệu thị trường

(GD&TĐ) -Theo nhận định Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, nếu lạm phát ở Việt Nam năm 2012 ở mức 8-8,5% thì đến cuối năm 2012, hệ thống ngân hàng có khả năng để giảm mặt bằng lãi suất huy động xuống mức khoảng 10%/năm.

Lãi suất ngân hàng có thể giảm nếu lạm phát giảm xuống một con số (ảnh MH)
Lãi suất ngân hàng có thể giảm đến 10% nếu lạm phát giảm xuống một con số (ảnh MH)

Về lộ trình giảm lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, lãi suất ngân hàng là vấn đề rất có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Không chỉ Chính phủ, NHNN mà đông đảo người dân, doanh nghiệp cũng hết sức quan tâm đến vấn đề này.

Theo Thống đốc, hiện nay, đã có những tiền đề và nền tảng nhất định cho việc giảm lãi suất. Cụ thể, từ tháng 8/2011 trở lại đây, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có chiều hướng giảm dần và đều ở mức dưới 1%, tạo nền tảng cho kỳ vọng giảm lạm phát trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, NHNN đang tập trung vào việc xử lý thanh khoản của các TCTD và nếu xử lý tốt vấn đề này sẽ tạo thêm tiền đề vững chắc hơn cho việc giảm lãi suất trong năm 2012. Mục tiêu của Chính phủ năm 2012 là kiềm chế lạm phát ở mức một con số, cụ thể định hướng lạm phát sẽ ở mức 9 – 9,5%.

Ông Bình khẳng định rằng, nếu mục tiêu lạm phát đó đạt được vào cuối năm 2012 thì hệ thống ngân hàng có khả năng để giảm mặt bằng lãi suất huy động xuống mức khoảng 10%/năm.

Với mục tiêu như vậy thì trong năm 2012, mức lãi suất sẽ được giảm dần theo các tín hiệu thị trường như đã nói ở trên, tức là cùng với mức độ giảm lạm phát và vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện.

Đã diễn ra một sự thay đổi đáng ngạc nhiên từ phía Ngân hàng nhà nước. Nếu vào tháng 1/2012, hầu hết những phát ngôn của cơ quan này vẫn còn đặt nặng nguy cơ thiếu hụt thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, thì chỉ hai tháng sau đó, dường như mọi chuyện lại "đảo chiều".

Thanh khoản ngân hàng đã được bảo đảm, trở thành điều kiện đủ để hạ lãi suất - như một tuyên bố của thống đốc NHNN trong cuộc họp báo diễn ra sau phiên họp thường kỳ tháng 2/2012 của Chính phủ. Trước đó, một nhận định đáng chú ý khác thuộc về bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ, khi ông cho rằng đã hội tụ hai điều kiện cần và đủ để giảm lãi suất.

Hệ quả của vấn đề thanh khoản mà đã lộ ra từ năm ngoái, đến nay lại đang hình thành rõ nét hơn nhiều. Từ tháng 10/2011, phần lớn các ngân hàng thuộc nhóm G12, tức nhóm không bị ảnh hưởng bởi chiến dịch tái cấu trúc ngân hàng, trong  khi lại khá dôi dư nguồn vốn cho vay, đã bắt đầu sốt ruột trước tình trạng vốn bị ứ đọng trong ngân hàng mình. BIDV, Vietcombank, Techcombank và một vài ngân hàng thương mại cổ phần khác là những đơn vị tỏ ra sốt sắng nhất đối với phương án giảm lãi suất.

Tuy vậy, từ đó đến nay vốn tại những ngân hàng này vẫn tiếp tục bị ứ đọng mà chưa thể tìm ra phương cách khả dĩ nào nhằm "tiếp cận doanh nghiệp".

Tại cuộc họp báo mới đây, người đứng đầu cơ quan nhà nước không những đề cập đến khả năng thanh khoản được bảo đảm và do đó có thể kéo giảm lãi suất huy động, mà còn "hàm ý" về khả năng mặt bằng lãi suất cho vay có thể hạ về mức 14,5-16% trong thời gian tới.

Hải Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.