Con mực thuộc họ mực khổng lồ (Architeuthis) vô tình sa lưới khi ngư dân Pete Flannery đánh cá ở vùng bãi ngầm Porcupine ngoài khơi cách Dingle, Ireland, khoảng 193 km, Earth Touch News hôm qua đưa tin.
Tiến sĩ Kevin Flannery, nhà sinh vật học hải dương kiêm giám đốc thủy cung Oceanworld suy đoán con mực sống dưới biển sâu di chuyển lên gần bờ để kiếm mồi.
Rất khó kết luận chính xác nguyên nhân thúc đẩy loài vật này xuất hiện ở vùng nước nông, nhưng giả thuyết của tiến sĩ Kevin khá hợp lý.
Mực khổng lồ chủ yếu ăn cá và những loài mực khác. Ở điểm nông nhất, bãi ngầm Porcupine vẫn cách mặt nước 200 m nên con vật hoàn toàn có thể săn mồi gần nơi thả lưới.
Những cá thể bị thương hoặc mắc bệnh thường di chuyển dọc theo cột nước, nhưng con mực lọt lưới của Pete không có bất kỳ thương tích nào trên mình.
Năm 1897, các nhà khoa học báo cáo về con mực khổng lồ dài 17,37 m và một số mẫu vật khác dài khoảng 15 m. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu tỏ ra hoài nghi về những con số trên bởi các ước tính chủ yếu dựa trên xác mực không hoàn chỉnh.
Một nghiên cứu vào năm ngoài chỉ ra kích thước trung bình của mực khổng lồ trưởng thành là gần 12 m, tương đương chiều dài của mẫu vật lớn nhất và được bảo quản tốt nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, với chiều dài 5,8 m, con mực ở Dingle rõ ràng chưa đến tuổi trưởng thành. "Chúng tôi biết đó là một con mực đực nhỏ tuổi và nó sẽ còn phát triển lớn hơn nếu còn sống", tiến sĩ Kevin cho biết.
Oceanworld đang tạm thời bảo quản mẫu vật, nhưng nó sẽ sớm được chuyển tới Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, nơi các nhà khoa học trên khắp thế giới có thể tiếp cận xác con mực trong thời gian tới.