Không phải là dạy từng chữ trong sách giáo khoa
Thời gian qua, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT trong không dạy ngoài nội dung sách giáo khoa nhận được nhiều ý kiến phản biện của các tầng lớp xã hội.
Không ít ý kiến cho rằng, như vậy sẽ hạn chế sự vận dụng sáng tạo trong dạy học, đặc biệt là các môn khoa học xã hội. Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ, giáo viên trong các nhà trường và cơ sở giáo dục, không nên hiểu một cách máy móc yêu cầu này mà phải đặt trong tổng thể chương trình giáo dục phổ thông.
Theo đó, sách giáo khoa chính là cái khung pháp lý, là chìa khóa để HS mở rộng kiến thức.
Thầy giáo Nam, giáo viên Địa lý, Trường THPT Thanh Chương I, huyện Thanh Chương cho rằng: Sách giáo khoa có vai trò đưa ra những chủ đề, vấn đề với một chuẩn kiến thức kỹ năng.
Còn nhiệm vụ của giáo viên là giảng giải, khơi gợi, kể cả cung cấp những dẫn chứng thực tế để giúp HS hiểu, vận dụng được kiến thức. Môn Địa lý là môn gắn liền với thực tiễn rất nhiều, từ tự nhiên, con người, kinh tế, xã hội…
Tất cả những kiến thức đó đều cần thiết cho nhận thức nền của HS. Nhưng các con số, tỷ lệ trên thực tế chuyển động liên tục, mà sách giáo khoa khó có thể cập nhật kịp.
Bản thân tôi đi dạy phải thường xuyên đọc tài liệu, mạng Internet để nắm thông tin, bổ trợ tham khảo cho các vấn đề trong sách. Chứ không phải liên hệ những kiến thức xa rời, không liên quan đến nội dung bài học, đó mới gọi là ngoài sách giáo khoa.
Thầy Nam cũng chia sẻ thêm, với thời lượng 45 phút/tiết học, thì cũng chỉ đủ thời gian để giáo viên thiết kế bài giảng và dạy kiến thức cơ bản trong sách.
Hơn nữa, lớp học có nhiều đối tượng HS, có em chỉ có nhu cầu học kiến thức cơ bản, có em lại muốn học mở rộng thêm, nhưng giáo viên thì phải lấy mức chuẩn để dạy. Nếu không các em yếu sẽ đuối, những em khá có thể vì đi nhanh kiến thức mà bị hổng.
Cô giáo Đặng Thu Hiền (Trường THPT Quỳnh Lưu, Nghệ An) bổ sung thêm: Trong dạy học hiện nay, sách giáo khoa chính là tài liệu chính thống nhất. Ở đó, mỗi bài học sẽ cung cấp cho HS một lượng kiến thức nhất định.
Nhưng chúng ta không nên hiểu cứng nhắc không được dạy ngoài sách đồng nghĩa với việc chỉ được dạy từng chữ trong sách giáo khoa. Đối với các môn xã hội nói chung, và môn Văn nói riêng, giáo viên vẫn có thể phát triển bài giảng bằng cách liên hệ thực tiễn, miễn sao nó phù hợp và phục vụ giải quyết vấn đề đưa ra trong nội dung kiến thức bài học.
Còn lại, tùy vào năng lực tư duy của HS và với yêu cầu của từng kỳ thi. Ví dụ như thi HS giỏi, hoặc thi THPT quốc gia, mà nhà trường tổ chức dạy bồi dưỡng hoặc ôn thi.
Ở đó, giáo viên sẽ củng cố, bồi dưỡng, phủ sóng nâng cao thêm kiến thức cho HS nhưng đều trên nền kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.
Lấy ví dụ từ đề thi môn Ngữ văn Kỳ thi THPT quốc gia những năm qua có cấu trúc đề mở. Với 2/3 câu hỏi gồm câu đọc hiểu và câu nghị luận xã hội sử dụng ngữ liệu không nằm trong sách giáo khoa.
Nhưng điều đó không có nghĩa là đề thi ngoài chương trình sách giáo khoa. Bởi các kỹ năng, phương pháp tư duy, cách lập luận giải quyết về đề các em đã được học ở trên lớp.
Không dạy ngoài SGK là để giảm tải cho HS
Theo ông Thái Huy Vinh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, sách giáo khoa đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng mà các em HS phổ thông cần phải đạt đến. Cấm không dạy ngoài sách giáo khoa, có nghĩa là giáo viên không dạy vượt ngưỡng chuẩn đó trong chương trình chính khóa.
Và yêu cầu này không cấm giáo viên và HS đọc thêm nhiều tài liệu từ sách, báo, mạng Internet, để làm phong phú thêm bài học. Giáo viên có thể sáng tạo phương pháp dạy học, liên hệ với thực tiễn để làm sao chuyển tải được nội dung bài học cho HS hiểu đầy đủ nhất.
Chủ đích của việc không dạy ngoài sách là nhằm giảm tải cho HS, giúp chương trình học trở nên nhẹ nhàng, không gây áp lực, căng thẳng cho các em phải học những nội dung vượt chuẩn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để đạt được mục đích này, thì nội dung đề thi kiểm tra, đánh giá HS cũng phải phù hợp với chuẩn kiến thức kỹ năng trong chương trình sách giáo khoa.
Thực tế đã xảy ra trường hợp giữa kiến thức học và kiến thức thi cử vênh nhau, dạy học giảm tải, nhưng đề thi, đề kiểm tra lại nâng cao, không đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Tháng 5/2017, nhiều phụ huynh thành phố Vinh hoang mang về đề kiểm tra khảo sát chất lượng cuối năm môn Toán lớp 5. Theo đó, đề thi có 1 câu quá khó, khiến nhiều em không làm được bài và “khóc như mưa” khi ra về. Kết quả sau khi chấm, toàn thành phố không có bài thi nào đạt điểm 10 môn Toán.
Nhận định của Sở GD&ĐT Nghệ An thời điểm đó cho rằng: Đề thi Toán khó, vượt chuẩn kiến thức kỹ năng trong sách giáo khoa lớp 5. Phòng GD&ĐT thành phố Vinh sau đó cũng đã rút kinh nghiệm trong việc ra ma trận đề thi để đánh giá sát đúng năng lực HS.
Bởi thế, việc giảm tải phải gắn liền với đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá và phải được thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới.