Mùa xuân và những bệnh thường gặp

Mùa xuân và những bệnh thường gặp

Bệnh đường hô hấp

Do thời tiết nóng lạnh đan xen tạo ra sự bất lợi cho cơ thể trong thời điểm giao mùa, gây ra các bệnh cảm cúm, cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi... Xuân về, muôn hoa khoe sắc là lúc phấn hoa được tung vào trong đất trời, lang thang theo gió trở nên bất lợi cho những người nhạy cảm, gây ra các bệnh hen phế quản, viêm xoang dị ứng, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mùa xuân... Vì vậy, những người có cơ địa dị ứng chỉ còn cách... ở nhà mà không dám du xuân giữa chốn chợ hoa tưng bừng. Khi trời lạnh, hãy giữ ấm cơ thể. Đừng vì áo đẹp muốn khoe trong những ngày Tết mà thiếu ấm khiến cho cơ thể bị nhiễm lạnh.

Bệnh lý đường hô hấp và khu vực lân cận tai - mũi - họng trong những ngày xuân mới còn có sự góp mặt của các dị vật như hột dưa, hột bí, kẹo, bánh… xâm nhập vào cơ thể do vô tình gây ra sự cố. Nguy hiểm nhất là dị vật đường thở có thể khiến cho trẻ có thể tử vong ngay sau đó khoảng 5 phút nếu không được cấp cứu kịp thời.

Gặp tình huống này, bình tĩnh đặt trẻ nằm sấp, ngực gối ngang đùi, đầu dốc thấp, dùng tay vỗ mạnh sau lưng để đẩy ngay dị vật ra. Nếu trẻ lớn hoặc người lớn bị thì quàng tay ôm từ phía sau, một bàn tay nắm chặt để ngay dưới xương ức nhằm gia tăng sự tác động, ôm xốc người lên để tạo áp lực ủn dị vật. Nếu bản thân gặp rủi ro tự cứu bằng cách áp mạnh ngực xuống mặt ghế, mặt bàn hoặc cạnh giường đầu thấp để dị vật bật ra.

Viêm mũi dị ứng

Bệnh này do cơ địa của người bệnh không thích hợp với môi trường có nhiều hương thơm và phấn hoa. Các biểu hiện thường gặp của người bị viêm mũi dị ứng là cảm giác ngứa mũi, hắt hơi liên tục, chảy nước mũi... Cách phòng bệnh không gì khác hơn là tránh tiếp xúc quá gần gũi với các loại hoa, đặc biệt là không ngửi, không đưa hoa vào cắm trong phòng ngủ. Có thể dùng các loại thuốc nhỏ mũi thông thường như nước muối sinh lý (NatriClorid 9‰) để nhỏ và vệ sinh cho sạch mũi bằng tăm bông vô khuẩn. Các trường hợp dị ứng nặng cần thăm khám bác sĩ để được chỉ định dùng các loại thuốc khác, phối hợp giữa thuốc uống và thuốc nhỏ mũi an toàn và hiệu quả.

Viêm kết mạc mùa xuân

Kết mạc còn gọi là lòng trắng của con mắt. Bệnh viêm kết mạc mùa xuân xảy ra do hiện tượng dị ứng ở vùng kết mạc. Thường là ở những người có cơ địa dị ứng. Kinh điển của bệnh là do phấn hoa gây ra. Nhưng dần dà, ô nhiễm môi trường cũng lại là thủ phạm. Bụi bẩn trong môi trường kích ứng kết mạc mắt gây ra hiện tượng viêm tương tự như phấn hoa.

Viêm kết mạc mùa xuân gặp ở tuổi trẻ nhiều hơn người lớn, độ tuổi mắc bệnh nhiều nhất dao động trong khoảng từ 5 - 20 tuổi. Đặc điểm của bệnh là đỏ, ngứa, chảy nước mắt, có ghèn ở cả hai mắt, sợ ánh sáng và nhiều khi có cảm giác bỏng rát ở mắt. Người bệnh ngứa mắt nên thường đưa tay dụi mắt, nhưng càng dụi bao nhiêu thì càng ngứa bấy nhiêu. Điều này làm cho mắt tụ máu và sưng to, bệnh kéo dài hơn.

Khi được thăm khám, lộn mi mắt lên sẽ thấy rõ những nốt đỏ (đó là các nhú gai có mạch máu tăng sinh ở đỉnh) nằm cạnh nhau. Gần lòng đen có thể thấy những nốt viền màu trắng đục giống như màu sữa bò.

Vì bệnh mang yếu tố dị ứng nên thuốc nhỏ thường có chất chống dị ứng. Chất chống dị ứng có nhiều loại khác nhau, nhưng phổ biến trên thị trường có các loại thuốc nhỏ thuộc nhóm Corticoide (Dexamethasone, Prednisolone...). Nếu lạm dụng nhỏ mãi các loại thuốc này sẽ gây ra các tác dụng phụ còn tệ hơn là không nhỏ loại thuốc nào hết. Các bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ quyết định nhỏ loại thuốc nào, trong thời gian bao lâu là tốt nhất. Điều cần nhớ là bệnh có khả năng tái phát sau đợt điều trị. Do đó không nên “bệnh cũ dùng thuốc cũ” mà dễ mang vạ vào thân!

Người gặp bệnh này cũng cần lưu ý, có thể đắp gạc lạnh hoặc chườm nước đá cho bớt ngứa, hạn chế dụi mắt. Nhỏ nước mắt nhân tạo hay các loại thuốc rửa mắt để làm trôi phấn hoa hoặc bụi. Sự thay đổi môi trường sống cũng có những tác động tích cực đến bệnh này, vì người bệnh rời xa môi trường “ô nhiễm”.

Bệnh thủy đậu

Nhìn chung đây là bệnh lành tính, thường gặp ở trẻ em hơn là người lớn và có tính miễn dịch bền vững. Nghĩa là mỗi người chỉ có thể mắc bệnh một lần duy nhất trong đời mà thôi. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp, do một loài virus gây ra. Ngoài ra, bệnh còn lây qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết từ các mụn nước của người bệnh. Đặc điểm nổi bật của bệnh là sự nổi các mụn nước rải rác trên da toàn thân, ngứa ngáy khó chịu. Sau đó nước khô dần rồi đóng vảy, không để sẹo. Bệnh thường khỏi sau 2 tuần điều trị.

Người bệnh tuyệt đối không được làm thủng các nốt bỏng nước, sẽ gây nhiễm trùng và để lại sẹo. Cách phòng bệnh tốt nhất là chủng ngừa và tránh tiếp xúc với người bệnh.

Bệnh ngoài da

Do độ ẩm không khí cao trong mùa xuân làm môi trường thuận lợi cho các loài vi khuẩn gây bệnh phát triển. Da người cũng thường xuyên ẩm ướt, chất bã nhờn do các tuyến tiết ra dễ làm tắc các lỗ chân lông. Điều đó gây ra mụn trứng cá, mụn bọc, mụn mủ và các bệnh viêm da, lang ben, lác do vi khuẩn hoặc do nấm mốc.

Ăn uống nhiều đồ cay nóng, mất ngủ… cũng tạo điều kiện thuận lợi cho mụn trứng cá xuất hiện nhiều trên mặt. Phòng bệnh không gì khác hơn là tìm cách hạn chế tối đa các yếu tố nói trên nhằm triệt đường phát triển của các bệnh.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ