Huy động nguồn lực hỗ trợ thiết bị cho học sinh khó khăn
Nhằm chia sẻ với HS có hoàn cảnh khó khăn trong việc học trực tuyến, Phòng GD&ĐT Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đã tham mưu UBND huyện phát hành thư kêu gọi, thư ngỏ vận động các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện,... hỗ trợ, chia sẻ, ủng hộ các trang thiết bị như máy vi tính, laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh (mới và cũ).
Trưởng phòng GD&ĐT Thống Nhất – Đồng Nai Nguyễn Tâm Long cho biết đến nay, Phòng GD&ĐT đã tiếp nhận từ Sở GD&ĐT Đồng Nai 170 điện thoại SamSung và 170 Sim Data 4G.
Ngày 12/10 phòng đã tổ chức phân bổ cho HS các trường THCS 137 điện thoại và 137 Sim; THPT và TT.GDNN-GDTX 33 điện thoại và 33 sim; đã phối hợp với Trung tâm viễn thông Vietel Thống Nhất tổ chức cài đặt sim, kích hoạt hòa mạng để cho học sinh kịp thời sử dụng học trực tuyến.
Các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bà cũng đã hỗ trợ và Phòng GD&ĐT đã tiếp nhận được gần 479 triệu đồng và 2 điện thoại. Hiện phòng đang phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức thẩm định xét chọn đối tượng HS để tiến hành hỗ trợ trong thời gian tới. Dự kiến sẽ trao 230 máy điện thoại SamSung và Sim Data 4G; vận động VNPT Thống Nhất trao tặng 250 sim 4G và hỗ trợ cài đặt cho HS.
Ngoài ra, các trường trên địa bàn huyện vận động trực tiếp phụ huynh và các nhà hảo tâm được hơn 26 triệu đồng, 5 máy vi tính, 3 Laptop, 36 điện thoại thông minh
Đảm bảo an toàn khi đón học sinh đi học trở lại
Ông Nguyễn Tâm Long- Trưởng phòng GD&ĐT Thống Nhất, Đồng Nai cho biết hiện còn 5 trường huyện đang trưng dụng làm khu cách ly y tế. Trong thời gian tới BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 của huyện sẽ tổ chức phun khử khuẩn bàn giao cho nhà trường để phục vụ cho các hoạt động giáo dục.
Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc khẩn trương tập trung các nguồn lực, nhanh chóng tham mưu các xã, thị trấn phun xịt khử khuẩn, sau đó huy động viên chức, người lao động tham gia vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp học, vệ sinh thiết bị dạy học, phòng lớp học, đồ dùng đồ chơi, tổ chức trang trí cảnh quan trong và ngoài lớp học phù hợp với từng cấp học…
Phòng GD&ĐT Thống Nhất đã chỉ đạo, yêu cầu các cơ sở giáo dục thường xuyên triển khai đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học theo bộ tiêu chí đã ban hành; thực hiện việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cập nhật thường xuyên trên hệ thống bản đồ An toàn phòng, chống dịch, ứng dụng (App) Antoancovid theo hướng dẫn của Sở;
Quán triệt đến tất cả viên chức, người lao động trong các cơ sở GD mầm non thực hiện cài đặt ứng dụng (Bluzone, VNEID); chỉ đạo 100% trường học triển khai thực hiện quét mã QR Code quản lý người ra/vào đơn vị trường học; đồng thời tiếp tục thông tin tuyên truyền đến viên chức, người lao động và phụ huynh HS trong thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Chỉ đạo các trường mua sắm các trang thiết bị, vật tư y tế thường xuyên tại đơn vị như máy đo thân nhiệt, xà phòng, nước sát khuẩn,… đảm bảo các yêu cầu trong phòng, chống dịch và xử lý tình huống khi cần;
Chủ động tất cả các phương án, kịch bản ứng phó khi có trường hợp nghi ngờ dịch bệnh, đánh giá cụ thể các điều kiện trong phòng, chống dịch Covid-19 trước khi cho học sinh đi học trở lại cũng như sẵn sàng các phương án đón học sinh tới trường.
Đến nay số cán bộ giáo viên huyện đã tiêm 2 mũi là 1068 người. Phòng đang thống kê lập danh sách hơn 13.438 HS từ 12 đến dưới 18 tuổi để gửi Trung tâm y tế và Sở GD&ĐT để tiến hành tiêm chủng trong thời gian tới.
Trưởng phòng GD&ĐT Thống Nhất cho biết, trong thời gian tới, khi học sinh có thể đi học trở lại, các trường sẽ có kế hoạch tổ chức ôn tập, củng cố hệ thống lại kiến thức, các nội dung cốt lõi cho HS, đồng thời tổ chức ôn tập, hướng dẫn lại kiến thức cho các em lâu nay đang thực hiện bằng hình thức giao bài (chưa được học trực tuyến); tổ chức dạy bù đối với những môn học còn chậm chương trình; tổ chức dạy phụ đạo đối với học sinh yếu, chậm tiến bộ.
Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục giám sát chặt chẽ các vấn đề liên quan đến công tác phòng dịch, nếu phát sinh yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19 trong trường học hoặc liên quan đến nhà trường, lập tức cho HS nghỉ học và quay lại học trực tuyến.
Theo Sở GD&ĐT Đồng Nai, từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” và thư kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ thiết bị, kinh phí. Tính đến ngày 15/10, đã có 7.841 thiết bị máy tính, laptop, điện thoại mới và cũ được trao tận tay HS có hoàn cảnh khó khăn, phục vụ việc học trực tuyến.
Đến ngày 15/10, toàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn 7.051 HS chưa có thiết bị để học trực tuyến. Do đó, ngành GD&ĐT tỉnh Đồng Nai mong muốn tiếp tục nhận được chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ thiết bị cho các em HS học tập, vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để duy trì ý thức học tập, cung cấp kiến thức cho HS theo chương trình năm học 2021 - 2022 và thực hiện mục tiêu “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành GD&ĐT tỉnh Đồng Nai nỗ lực tổ chức dạy học trực tuyến và qua sóng truyền hình.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"