Trong đó có 1.150 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp và thiếu khả năng xả lũ cần phải sửa chữa, nâng cấp. Đáng chú ý, có 334 hồ chứa bị hư hỏng cần quan tâm bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm 2014, trong khi đó, công tác kiểm định an toàn đập chủ yếu được thực hiện ở các hồ chứa lớn.
Đến nay, hầu hết các tuyến đê ở Hải Dương cơ bản bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão năm 2014. Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp tỉnh thì nhiều đoạn đê còn tiềm ẩn mối nguy hiểm thường trực trong mùa lũ như: tuyến đê hữu Thái Bình đoạn từ Km 4+05 đến Km49+715 và tuyến đê hữu Kinh Môn từ Km 4+00 đến Km 4+530.
Theo Sở NN và PTNT tỉnh Thanh Hóa: Hiện có 400 hồ đập cần tu sửa để bảo đảm điều tiết nước sản xuất cũng như an toàn trong mùa bão lũ. Nhưng có 110 hồ đập đã hư hỏng nặng không được phép tích nước hoặc tích nước chỉ một phần.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa là tỉnh có hệ thống đê điều lớn với 1.008 km. Trong đó, đê cấp 3 đến cấp 1 là đê lớn có 315 km, đê dưới cấp 3 có 693 km. Các công trình dưới đê gồm 256 km kè và 991 cống qua đê.
Qua kiểm tra trước mùa mưa bão các tuyến đê, toàn tỉnh có 10 trọng điểm xung yếu, trong đó có ba trọng điểm loại 1, các tuyến đê dưới cấp 3 còn nhiều đoạn nhỏ, thấp (đê hữu sông Cầu Chày, đê sông Hoạt, đê sông Hoàng, đê sông Nhơn...) cần tu sửa nâng cấp.
Theo ngành nông nghiệp Nghệ An, địa phương này có 625 hồ chứa, nhưng phần lớn đã qua sử dụng 30 đến 40 năm. Trong đó có 575 hồ chứa do xã, hợp tác xã quản lý và là các hồ đập nhỏ, không có hồ sơ công trình, không có quy trình kỹ thuật quản lý, việc duy tu sửa chữa không thường xuyên, cho nên công trình bị xuống cấp...
UBND huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết: Trong những ngày qua nước lũ lên nhanh đã làm ngập úng, gây thiệt hại nhiều diện tích hoa màu ở một số địa phương.
Trước đó, nước lũ đã làm sạt lở đê bao lửng tại xã Thường Phước 1, nhấn chìm 85 ha lúa vụ 3 xuống giống khoảng 70 ngày tuổi. Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh thông báo, hiện mực nước ở khu vực đầu nguồn đang tiếp tục lên nhanh theo triều và lũ thượng nguồn có thể gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, tình trạng sạt lở bờ sông, đê điều ở Phú Thọ ngày một nghiêm trọng. Tại khu dân cư 2, 3, 4 xã Yến Mao (huyện Thanh Thủy) hàng chục ha đất bãi của các hộ dân trong xã bị sạt lở xuống dòng sông Đà với chiều dài khoảng 1,5 km; nơi sạt lở nguy hiểm nhất cách mặt đê khoảng 1,5 đến 2 m, không chỉ đe dọa trực tiếp tới thân đê, mất đất canh tác mà còn uy hiếp nhà cửa, tài sản và tính mạng của người dân.
Còn tại xã Trị Quận (huyện Phù Ninh), do ảnh hưởng của mưa lũ, cống Cầu Đen thuộc Km 31 đê hữu sông Lô thuộc địa bàn xã bị sạt lở mạnh, sập bốn ống cống, vị trí sạt đã lấn vào mái đê, đầu cống và dàn van bị gãy sập không bảo đảm an toàn chống lũ.