Theo Văn phòng Thường trực BCH Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh, đến 16 giờ chiều 5/9, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3 trường hợp tử vong do mưa lũ, có 29 xã ngập lụt, nhiều công trình hạ tầng bị hư hại. Trong đó, huyện Hương Khê có 18 xã (7 xã bị ngập sâu: Hương Đô, Lộc Yên, Hương Thủy, Hương Giang, Phương Điền, Phương Mỹ, Gia Phố); huyện Hương Sơn 6 xã (Sơn Thủy, Sơn Mai, Sơn Phúc, Sơn Tiến, Sơn Phú, Sơn Bình; huyện Vũ Quang có 4 xã với 1.953 hộ bị cô lập (Đức Hương; Đức Liên, Đức Giang, Đức Bồng); huyện Can Lộc 1, xã Song Lộc.
Toàn tỉnh có 2.855,5 ha lúa bị ngập úng (Hương Sơn: 152 ha; Vũ Quang: 9 ha; Can Lộc: 684 ha; Cẩm Xuyên: 878,5 ha; Hương Khê: 900ha, Thạch Hà: 97 ha, TX Hồng Lĩnh: 119 ha); 269,5 ha hoa màu bị ngập úng (Hương Sơn: 21ha; Vũ Quang: 15,5 ha; Hương Khê: 175ha, Thạch Hà: 72 ha).
Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho hay, toàn huyện Hương Khê có 1.900 ha trồng bưởi đặc sản Phúc Trạch đang trong giai đoạn thu hoạch. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, người dân mới thu hoạch được 30% diện tích. “Hiện còn 1.200 ha bưởi, trị giá 300 tỷ đồng chưa thu hoạch được. Một số xã trồng bưởi Phúc Trạch đang bị nước lũ cô lập như Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Phú Phong, Hương Giang, Hương Thủy... Người dân rất lo lắng vì vườn trồng loại cây có múi này cũng bị ngập sâu, quả bưởi sẽ bị úng thối”, ông Vinh nói. Nhiều nông dân hái bưởi cất vào nhà, chờ nước lũ rút để bán lỗ.
Đặc biệt, đã có 3 người bị tử vong do bị nước lũ cuốn trôi. Đến chiều 5/9, do mưa lớn kéo dài, khiến hàng nghìn hộ dân ở nhiều xã của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) chìm trong biển nước. Người dân nơi đây phải rất vất vả mới có thể di chuyển đồ đạc, vật nuôi lên cao tránh nước lũ. Toàn huyện đã có 2.733 nhà dân bị ngập, trong đó có 491 nhà bị ngập nặng. Ngoài ra, có 6 trường học, 3 trạm y tế, 39 hội quán thôn cũng bị ngập nặng trong nước. Các con đường dẫn vào các thôn thuộc xã Hà Linh, Phương Mỹ (vùng rốn lũ Hương Khê) đã bị cô lập, phương tiện đi lại duy nhất lúc này là thuyền. Nước lũ vẫn tiếp tục dâng cao.
Tại xã Phương Mỹ, được xem là “rốn lũ” Hương Khê đã hoàn toàn bị cô lập, mực nước lên tới hơn 2m. Phương án di dời đã được chính quyền triển khai liên tục và bảo đảm an toàn cho người dân. Có mặt tại hộ gia đình anh Trần Hữu Vinh (xóm Ấp Tiến, xã Phương Mỹ) căn nhà 3 gian chìm sâu trong nước lũ. Chị Lan, vợ anh Vinh chia sẻ: “Chỉ cần mưa lớn là nhà ngập. Quen cảnh sống chung với lũ nên phương án di dời tài sản luôn được gia đình chuẩn bị trước đó vài hôm trước khi mưa đến. Khổ nhất khi nước ngập là con cái, chúng còn nhỏ cứ suốt ngày lội bì bõm trong nước bạc. Rồi học hành cũng gián đoạn. Nhà ngập nước thì chỉ lo mỗi phòng thân, những việc khác xem như bỏ không”.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng và Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cùng đoàn đã đến động viên, trao quà cho các hộ dân bị ngập sâu tại xã Phương Mỹ.
Theo chỉ đạo, bà con cần chủ động với diễn biến tình hình mưa lũ, kê cao tài sản, sơ tán đến nơi an toàn, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. Chủ động chuẩn bị đủ lương thực, nước uống trong những ngày bão lũ.
Đặc biệt, lực lượng chức năng phải thường xuyên ứng cứu, giúp đỡ bà con về mọi mặt, nhất là tiến hành sơ tán dân trong tình huống cấp thiết. Sẵn sàng phương án hỗ trợ nhân dân vệ sinh tiêu độc khử trùng, thau rửa và bảo đảm lương thực, nước uống để nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, tăng cường các lực lượng vệ sinh trường học, đảm bảo điều kiện cho các em học sinh đến trường sau lũ.