Mùa lễ hội 2017 lại đến, Bộ VH-TT&DL cũng như các địa phương đã đẩy mạnh công tác kiểm tra quản lý hoạt động tại các lễ hội.
Những vấn nạn tồn tại
Nhưng năm gần đây tại các lễ hội, những hành vi phản cảm như xả rác tràn lan, xin tiền du khách trá hình, hay tranh cướp lộc thậm chí dẫn đến ẩu đả khiến cho các hoạt động nghi lễ cầu may cũng mất nhiều ý nghĩa. Đầu năm 2016, tại Lễ hội “xin ấn đền Trần” người ta đã giẫm đạp lên nhau để cầu được phước lành, khiến cho xã hội bất bình về vấn nạn này.
Cũng ngay tại Lễ hội Đền Hùng ở Phú Thọ trong lễ cướp phết đầu năm ngoái, thanh niên trai tráng trong làng đã cùng nhau đi cướp phết tạo mà ra những cuộc ẩu đả tranh chấp không đáng có. Với quan niệm, ai cướp được phết thì năm đó không chỉ riêng họ mà cả làng, gia đình, thôn xóm đều gặp may mắn. Chính vì vậy mà đã diễn ra những vụ xô xát cãi vã thậm chí gây đổ máu…
Bên cạnh những cảnh tượng đáng buồn này, tại các lễ hội ta vẫn bắt gặp những hành vi rất đáng phê phán. Một trong số đó là hiện tượng các liền anh, liền chị xin tiền hát khi mời trầu tại Hội Lim. Lâu nay Hội Lim (Bắc Ninh) được các du khách thập phương nô nức tìm đến vào những ngày đầu năm. Ngoài nghi thức tế lễ truyền thống, tại phần hội, du khách sẽ được tham gia vào các trò chơi dân gian như: Đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội đầy hào hứng. Tuy nhiên chính trong phần hát hội này, lợi dụng sự quản lý chưa chặt chẽ của Ban tổ chức mà nhiều tốp hát quan họ đã ngả nón, thậm chí ngả cả cơi trầu để nhận tiền của người đến xem hát.
Tăng cường chế tài quản lý
Thực hiện Công điện số 2239/CĐ-TTg ngày 13/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội đầu xuân 2017, Bộ VH-TT&DL đã đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Sở VH-TT&DL, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt và tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa. Trong đó vấn đề chú trọng là xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình, nhà trường, xã hội thông qua các hoạt động văn hóa, lễ hội.
Tại Hà Nội, UBND TP cũng vừa ban hành công văn yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành TP; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017. Theo đó, tổ chức tuyên truyền, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của T.Ư và UBND TP; Phân công cán bộ trực tiếp theo dõi diễn biến trong hoạt động tổ chức lễ hội trên địa bàn, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm quy định về tổ chức lễ hội, đặc biệt các lễ hội lớn: Gò Đống Đa, Chùa Hương, Đền Hai Bà Trưng, Đền Sóc, Đền Cổ Loa, Đền Và, Chùa Trầm, Chùa Trăm Gian, Chùa Thầy, Thăng Long Tứ trấn, Phủ Tây Hồ...
Các quận, huyện, thị xã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, chỉ đạo quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn đúng quy định, kiểm soát chặt chẽ tổ chức phần lễ và phần hội, sắp xếp, bố trí các địa điểm đón tiếp, khu vực vệ sinh; xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, ép giá, đeo bám khách du lịch.
Tại tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Sở VH-TT&DL, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo BQL di tích, Ban tổ chức lễ hội tích cực tăng cường các công tác tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Đặc biệt phải kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, bao gồm các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch…