Miền Trung bắt đầu vào mùa mưa. Qua nỗ lực vận động toàn dân hưởng ứng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều công trình trường học cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, do các câu lạc bộ, đội, nhóm thiện nguyện
Chạy đua với thời tiết
Công trình điểm trường thôn 2, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Vinh (Nam Trà My, Quảng Nam) vừa được bàn giao và đưa vào sử dụng trước khi mùa mưa đến. Công trình gồm một phòng học, một phòng ở công vụ dành cho giáo viên. Ngoài phòng học được xây dựng khang trang, kiên cố, sân chơi cũng được mở rộng, lắp đặt thêm các thiết bị. Hệ thống nước sạch được xây dựng, đấu nối đến từng hộ gia đình, giúp học sinh và bà con trong thôn có thêm không gian vui chơi, học tập và nguồn nước đảm bảo sức khỏe. Đây là công trình được xây dựng từ nguồn vận động của nhóm thiện nguyện Nhớ về Tam Kỳ.
Hơn một tháng nay, tranh thủ sau giờ dạy, thầy Nguyễn Văn Nhân - điểm trường Ông Bình, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) đều tham gia hỗ trợ đội thợ đang xây dựng công trình phòng học ngay sát bên cạnh. Ngôi trường mới dần lên hình lên dáng từng ngày. Đội thợ xây tranh thủ những ngày nắng ráo để hoàn thiện công trình trước khi rừng núi Nam Trà My vào mùa mưa lũ. Thầy Nhân cho biết, chiều nào cũng có mưa nên đội thợ hầu như chỉ làm được nửa ngày. Thế nên, thợ vừa phải xây vừa che chắn để bảo vệ những đoạn tường mới không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Đây là công trình kiên cố hóa trường học do Câu lạc bộ (CLB) Bạn thương nhau - Đà Nẵng hỗ trợ xây dựng từ nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm.
Thầy Nguyễn Văn Nhân chia sẻ: “Nhìn ngôi trường đang thành hình mỗi ngày, tôi hình dung khi điểm trường xây dựng xong, khang trang, đẹp đẽ, ấm áp về mùa mưa, không lo nắng dọi về mùa Hè. Thầy trò điểm trường chỉ dạy tạm ở dãy phòng học được lắp ghép bằng gỗ thêm vài tháng nữa. Có trường mới, tiện nghi hơn, các em sẽ thích đến trường. Học sinh chuyên cần thì giáo viên sẽ tập trung hơn cho công tác dạy – học”.
Cũng chạy đua với thời tiết, chỉ sau 1 tuần thi công, cây cầu treo dân sinh bắc qua nóc Ông Yên (xã Trà Don, Nam Trà My, Quảng Nam) kịp thời khánh thành và đưa vào sử dụng vào những ngày cuối tháng 9/2023. Cùng với cây cầu treo này, CLB Chuyến xe vạn tình 0 đồng (Đà Nẵng) đã kêu gọi kinh phí để lắp đặt bồn nước, đường ống kéo nước từ suối về trường, lắp đặt hệ thống điện tua bin nước với khoảng 30 triệu đồng để thầy cô và học sinh có nước sạch sử dụng. Trước đó, ngay trong ngày khai giảng năm học mới, thầy và trò điểm trường Ông Cường đã đặt những bước chân đầu tiên trên cây cầu treo vừa mới khánh thành.
Thầy Nguyễn Trần Vỹ - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính (Trà Don, Nam Trà My, Quảng Nam) kể: “Vào mùa cạn, học sinh có thể lội qua suối để đến trường. Thế nhưng, chỉ cần một cơn mưa lớn, nước suối dâng lên, các em phải quay trở lại trường, đợi nước rút mới có thể về làng được. Những cây cầu treo dân sinh, vì vậy, là món quà mơ ước của bà con và học sinh ở những thôn nóc hẻo lánh giữa núi rừng Ngọc Linh hùng vĩ.
2 phòng học mới của điểm trường Ông Dũ được bàn giao và đưa vào sử dụng trong dịp khai giảng năm học 2023 - 2024. |
Áo ấm đến trường
Vui ngày hội Trung thu, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS liên xã Đắc Pring – Đắc Pre (Nam Giang, Quảng Nam) đồng thời được tặng áo ấm, chăn để chuẩn bị cho mùa Đông sắp tới. Trong lễ bàn giao công trình xây dựng và cải tạo phòng học, khu sinh hoạt cộng đồng ở nóc Măng Tó (Trà Cang, Nam Trà My, Quảng Nam), trẻ còn được tặng thêm đồ dùng học tập, áo ấm. Nhìn các em xúng xính thử chiếc áo ấm mới, thầy cô giáo cũng yên tâm hơn cho sức khỏe của học sinh trong những ngày giá rét sắp tới.
Thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) cho hay: “Hằng năm, cứ chuẩn bị vào mùa mưa, nhà trường rà soát lại áo ấm, ủng đi mưa, áo mưa của học sinh để có kế hoạch vận động các nhà hảo tâm ủng hộ. Các đội, nhóm thiện nguyện hay tặng quà cho học sinh ở các điểm trường lẻ nhiều hơn. Hằng ngày, các em đội mưa từ nhà đến trường nên ủng đi mưa, áo mưa rất cần thiết. Thời tiết ở các điểm trường lẻ cũng lạnh hơn. Vì vậy, với học sinh điểm trường chính, có số lượng từ trên 300 em trở lên, nhà trường phân theo độ tuổi, lớp để có thể chia nhỏ gói hỗ trợ nhằm thuận tiện cho các đội, nhóm thiện nguyện vận động kinh phí”.
Điểm trường Ông Dũ, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam) trước khi được xây dựng mới. |
Em Hồ Thị Bảo Phượng – học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập kể: “Em được cô giáo dặn phải giữ gìn áo ấm sạch sẽ, trời mưa phải biết mặc áo mưa để không bị ướt người, dễ bị ho, sốt. Áo mưa cũng phải giữ để không bị rách. Mỗi lần đi mưa về thì phơi lên cho khô rồi gấp gọn cho vào cặp sách để sử dụng khi giữa đường gặp cơn mưa”.
Thầy Lê Huy Phương chia sẻ: “Nhà trường, thầy cô hướng dẫn học sinh biết giữ sạch áo ấm vừa để rèn tính cẩn thận, biết giữ gìn đồ dùng cá nhân nhưng cũng là cách giáo dục các em học cách tiết kiệm, trân trọng những món quà được tặng nhằm sử dụng lâu dài”.
Công trình 2 phòng học và 1 phòng công vụ đang được khẩn trương xây dựng tại điểm trường Ông Bình, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My). |
Món quà ý nghĩa
Một số giáo viên đứng lớp ở các điểm trường lẻ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập đã kết nối với các nhà hảo tâm để hỗ trợ thêm 1 - 2 bữa ăn trưa tại trường.
Vì là điểm trường thôn nên hầu hết không tổ chức bán trú, dù các em học 2 buổi/ngày. Buổi trưa, các em về nhà rồi chiều trở lại trường. Thể trạng học sinh vùng cao thường nhỏ hơn các bạn cùng trang lứa ở đồng bằng. Thế nên, mỗi tuần, cô giáo lo cho các em 2 bữa ăn trưa góp phần cải thiện thể trạng.
Bữa ăn của học sinh ở gia đình chủ yếu là rau, măng rừng và muối ớt, nhiều khi thêm chút cá khô gọi là có chất tanh. Thịt, cá, tôm thì họa hoằn lắm mới có. Đây cũng là cách để giúp học sinh vùng cao tăng sức đề kháng, hạn chế được bệnh tật khi mùa Đông đến.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi mùa mưa lũ sắp đến, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam) đã vận động nguồn hỗ trợ để 8 học sinh nhà ở nóc Ông Cường ở lại bán trú tại điểm trường nóc Ông Dũ.
Điểm trường nóc ông Dũ vừa xây mới 2 phòng học do quỹ BNI Việt Nam và Quỹ Tấm Lòng Việt tài trợ. 8 học sinh lớp 1 - 2 được bố trí ăn ở tại 1 phòng học mới, có đầy đủ đồ dùng sinh hoạt cá nhân. CLB Bạn thương nhau hỗ trợ kinh phí để tổ chức bữa ăn bán trú cho những em này trong suốt ngày học trong tuần.
Ông Nguyễn Minh Anh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho biết: Khi có các nhóm thiện nguyện liên hệ để tặng quà, nhà trường sẽ ưu tiên cho những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh mồ côi. Tuy nhiên, vẫn có những nhóm thiện nguyện hỗ trợ cho 100% học sinh. Những trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn bao giờ cũng được ưu tiên”.
Tuy nhiên, theo ông Minh Anh, phòng GD&ĐT vẫn có sự điều tiết để học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều nhận được sự hỗ trợ. Quà tặng cho trò cũng rất thiết thực, thường là áo ấm, chăn, nhu yếu phẩm. Đây cũng là đề xuất từ trường học, căn cứ vào tình hình thực tế của học sinh.
Từ đề xuất của Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, giáp Tết năm 2022, Chương trình Cho em hơi ấm mùa Đông tặng cho 100% học sinh của 8 trường mầm non, 7 trường tiểu học trên địa bàn huyện Sơn Tây áo ấm.
Ngoài áo ấm, trong túi quà của các em đem về cho gia đình còn có thùng mì tôm, chục ký gạo, mì chính, dầu ăn, đường và chăn ấm. Với bậc THCS và THPT, nhóm chọn những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để trao tặng.
Ông Minh Anh cho biết: “Với chăn, áo ấm, các em có thể sử dụng trong khoảng 2 mùa Đông liên tiếp nên các trường rất mong đội nhóm thiện nguyện hỗ trợ những phần quà như thế này”.
Mỗi học sinh của Trường Mầm non A Tiêng (Tây Giang, Quảng Nam) đều được tặng một áo ấm đã qua sử dụng. Đây là món quà được gửi từ những bạn nhỏ cùng tuổi của Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Mỗi chiếc áo được giặt ủi sạch sẽ, phân loại và đóng gói theo từng độ tuổi, cân nặng.
Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Lan cho biết: “Qua nhiều lần kết nối tặng quà cho học sinh ở các trường học ở vùng sâu, vùng xa, chúng tôi thấy áo ấm và dép, ủng là những đồ dùng thiết yếu nhất. Ở độ tuổi còn nhỏ, các cháu thường không có ý thức giữ vệ sinh nên áo ấm được tặng càng nhiều càng tốt. Vì vậy, mỗi năm một lần, nhà trường kêu gọi phụ huynh học sinh ủng hộ áo ấm đã qua sử dụng nhưng vẫn còn tốt để làm quà tặng cho trẻ vùng khó”.