Mùa Covid-19: Hãy đầu tư vào "kênh sinh lời" nhất

GD&TĐ - Khi đại dịch bùng phát, không ít phụ huynh rơi vào "thế khó" khi đứng trước bài toán kinh tế trong việc nuôi con. Trong khi đó, hoàn cảnh khó khăn cũng là một trong những yếu tố khiến trẻ mang tâm lý tự ti.

Không phải trẻ nào cũng có hoàn cảnh sống tốt thời Covid-19.
Không phải trẻ nào cũng có hoàn cảnh sống tốt thời Covid-19.

Trẻ nhà nghèo "thu mình" trong dè bỉu

Hình ảnh, hay những câu chuyện về trẻ nghèo ham học có lẽ cũng không còn xa lạ. Tấm gương nghèo vượt khó thường xuyên được chia sẻ, lan toả những thông điệp về sự thành công đến từ nỗ lực. 

Song, không ít trẻ lớn lên trong gia đình nghèo khó dần thu mình. Các em ngày càng biến thành người tự ti bởi sự xa lánh, phân biệt. Hầu hết ý kiến thường cho rằng, trẻ em kết bạn với nhau rất nhanh, chúng vô tư và không để ý đến khoảng cách giàu - nghèo. Thực tế, trẻ chính là nhóm nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất. Khi nhìn thấy những món đồ đẹp, lộng lẫy hơn của bạn, trẻ sẽ không thể tránh khỏi cảm giác tự ti, buồn bã.

Đặc biệt, Covid-19 được coi là "tội đồ", khiến nhiều trẻ ngày càng tự ti do hoàn cảnh khó khăn. Đại dịch khiến nhiều phụ huynh mất việc. Trong khi đó, trẻ phải học trực tuyến. Các chi phí như điện, nước, tiền học,... "đè nặng" lên đôi vai của các phụ huynh và trẻ.

"Nhà đứa A/ đứa B nghèo lắm, không hợp chơi với mình đâu"; "Đừng chơi với cái A, nó nghèo như vậy rồi sẽ có lúc vay tiền mình"... và vô vàn những câu nói mang định kiến khác. Chúng vô tình cứa vào vết thương lòng của trẻ. Dần dà, đứa trẻ như vậy sẽ tự nhốt mình trong những bức tường chúng dựng lên.

Trên thế giới hiện nay, đặc biệt là tại Anh và Mỹ, một trong những vấn đề đáng báo động ở trường là tỷ lệ trẻ em nghèo bỏ học ngày càng cao. Các em sa đà vào tệ nạn, trở thành kẻ phạm tội do bị ảnh hưởng bởi tâm lý tự ti, mặc cảm khi học chung với bạn cùng lứa giàu có.

Chia sẻ trên blog cá nhân, TS Giáo dục Nguyễn Phương Chi - hiện làm việc tại Mỹ, xuất phát điểm thấp dễ đi kèm với hoàn cảnh sống tiêu cực, những mối quan hệ xấu và khả năng mắc sai lầm cao khi còn trẻ.

"Bởi vậy, hãy thực sự dành thời gian để chọn lựa bạn bè, đừng ngại cắt bỏ những mối quan hệ “ung nhọt” khiến mình thụt lùi trong cuộc sống và nên gắn kết với những người mang lại ảnh hưởng tốt, nguồn năng lượng tích cực cho cuộc sống của mình", nữ chuyên gia cho biết.

Bất cứ ai cũng không nhất thiết phải chơi với người ở giai tầng xã hội cao hơn để vươn lên. Thay vào đó, nên gắn với những người có tâm, có tầm, có tài để dẫn dắt ta vượt qua những giai đoạn khó khăn, soi sáng khi bản thân mất phương hướng.

"Đầu tư" đúng hướng từ cha mẹ

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, đa số trong các gia đình Việt, những thứ được ưu tiên đầu tiên khi tiết kiệm tiền là để đổi xe máy khác, mua ô tô, sắm sửa những đồ tiện nghi hoặc đắt tiền trong nhà. Sau đó là tiết kiệm càng nhiều tiền càng tốt để đầu tư vào những thứ khác nhằm phòng thân. Đồng thời, nhiều cha mẹ "dành dụm" tiền để cho con sau này. Tuy nhiên, nữ chuyên gia này nhấn mạnh, hãy cân nhắc đầu tư vào vật chất một cách vừa đủ.

Đại dịch khiến nhiều phụ huynh và học sinh rơi vào "thế khó".

Đại dịch khiến nhiều phụ huynh và học sinh rơi vào "thế khó".

"Tại sao các cha mẹ không nghĩ rằng, khoản đầu tư tốt nhất là vào con? Đó là trí tuệ, tinh thần và thể chất giúp con phát triển toàn diện. Đó mới là kênh sinh lời tuyệt vời và trọn vẹn nhất! Cha mẹ không nên quan niệm để lại tiền và tài sản cho con được sung sướng. Hãy cho con sự học, kiến thức chuyên môn, kiến thức cuộc sống, kỹ năng tư duy nhận thức, nhân cách tích cực, tinh thần tích cực, tính bản lĩnh và sự dẻo dai, bền bỉ trong cuộc sống", bà Phạm Hiền cho biết.

Nữ chuyên gia này nhận định, nếu ưu tiên bỏ ra cho con 1 đồng, trẻ sẽ tự kiếm được gấp 10, 100, 1.000 lần giá trị cha mẹ bỏ ra. Vì vậy, phụ huynh không nên nghĩ rằng, nếu nghèo thì lấy gì để đầu tư. Bởi, nghèo cũng có thể có ít nhất 1 hào để đầu tư cho con theo kiểu 1 hào.

"Tiền bạc là điều không thể thiếu cho cuộc sống, nhưng không phải là tất cả. Có thể, gia đình khác có ô tô để đi, nhưng gia đình mình chỉ có xe máy. Hãy tạm bằng lòng và đầu tư nhiều hơn cho con học, dành nhiều thời gian cho trẻ. Đó chính là “kênh sinh lời tuyệt vời và trọn vẹn nhất”. Sự phát triển toàn diện của con chính là điều mà tất cả các cha mẹ mong muốn. Vậy, đừng quá chú trọng vào vật chất. Bởi, con cần ở cha mẹ sự quan tâm và yêu thương", bà Phạm Hiền nhấn mạnh.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ