Mưa bão gây thiệt hại về người và tài sản tại các tỉnh khu vực Đông Bắc

GD&TĐ - Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (YAGI), nhiều địa phương khu vực Đông Bắc có mưa lớn kéo dài, gây thiệt hại về người và tài sản.

Mưa bão gây thiệt hại về người và tài sản tại các tỉnh khu vực Đông Bắc

Thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản

Theo thông tin sơ bộ của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Nguyên Bình, vào khoảng 4h sáng 9/9 tại xóm Lũng Nọi, xã Vũ Nông (Nguyên Bình), sạt lở đất khiến cháu bé T.C.C (sinh năm 2020) bị thương nặng, tử vong trên đường đi cấp cứu; 3 người khác bị thương do sạt lở đất gồm: cháu V.T.L (năm sinh 2017), thường trú tại xã Hưng Thịnh (Bảo Lạc) và 2 người chưa xác định danh tính, cùng trú tại xóm Lũng súng xã Yên Lạc (Nguyên Bình).

Sạt lở nghiêm trọng đã khiến cho 20 người mất tích (chưa xác định danh tính), trong đó: 11 người tại xóm Lũng Súng, xã Yên lạc, 9 người tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành (Nguyên Bình).

125308_123_11470909.jpg
Nhiều tuyến đường tại tỉnh Cao Bằng bị chia cắt

Tại tỉnh Bắc Kạn, mưa bão đã làm ít nhất 160 nhà bị tốc mái ở các huyện Bạch Thông, Ngân Sơn, Chợ Mới, Ba Bể, Na Rì, thành phố Bắc Kạn, Chợ Đồn 6 nhà.

Về nông nghiệp, toàn tỉnh có hơn 152ha lúa, ngô bị ngập úng, gãy, đổ tập trung ở các huyện Ba Bể, Bạch Thông, Pác Nặm, Na Rì, Chợ Đồn và Chợ Mới.

Về giao thông, sạt lở gây tắc đường cục bộ trên Quốc lộ 3B (đoạn qua địa phận huyện Na Rì) và Quốc lộ 279. Tuyến tỉnh lộ 256 cây cối đổ ngổn ngang gây tắc đường 4 vị trí, nhiều tuyến đường nông thôn bị hư hỏng nghiêm trọng.

z5812737581990_4bdac556aa9c2e8da7b60e97743d2e67.jpg
Lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm

Tại tỉnh Thái Nguyên, do ảnh hưởng của mưa lớn do hoàn lưu bão số 3, hồi 13h00 ngày 09/9/2024 tại trạm thủy văn Gia Bẩy mực nước lũ đạt mức 2.850cm, cao hơn 150cm so với mức báo động cấp III, vượt đỉnh so với cơn lũ lịch sử năm 1959 36cm.

Mưa lớn kèm theo nước từ thượng nguồn đổ về gây ngập úng cục bộ, chia cắt một số khu vực trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, Thành phố Phổ Yên…. buộc hơn 2.200 hộ dân phải di dời khẩn cấp, trên 200 ngôi nhà bị tốc mái, nhiều công trình bị hư hại nặng nề

Mưa lớn cũng làm cho trên 3.500ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng, nhiều chuồng trại chăn nuôi của người dân bị hư hỏng, gây thiệt hại cho người dân.

Tại tỉnh Lạng Sơn, mưa lớn gây sạt lở nhà dân, khiến 1 người tử vong. Nạn nhân là ông L.V.L (SN 1975, thôn Làng Bu 1, xã Lâm Sơn, huyện Chi Lăng.)

Mưa bão cũng khiến cho 1.256 hộ gia đình bị thiệt hại, trong đó 950 hộ bị tốc mái; 90 nhà bị cây đổ vào nhà và do sạt lở đất; 223 nhà bị ngập nước; 216 nhà bị hư hỏng công trình phụ (đổ tường, tốc mái, cây đổ vào…). Ngoài ra còn có thiệt hại các công trình khác như: Trụ sở Công an xã; nhà văn hóa thôn; Trường học và điểm bưu điện xã...

Về nông nghiệp, toàn tỉnh Lạng Sơn có trên 2.200ha bị ảnh hưởng, trong đó có hơn 700ha lúa; 674ha màu; 847 ha cây công nghiệp, trên 1.000 cây hồng bị gãy đổ…..

Đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên đã chỉ đạo các địa phương huy động các lực lượng Quân đội, Công an, dân quân và nhân dân, với phương châm “4 tại chỗ”, hỗ trợ hộ gia đình có người chết và hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại khắc phục hậu quả; di dời người và tài sản các hộ bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở đến nơi ở an toàn.

Ngay trong đêm 08/9/2024, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã đi kiểm tra thực tế một số địa điểm xung yếu trên tuyến đê Sông Cầu khu vực thành phố Thái Nguyên và tuyến đê Chã, thành phố Phổ Yên.

BÍ THU.jpg
Ông Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên yêu cầu đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân

Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu: “UBND các huyện, thành phố triển khai các biện pháp phòng chống lũ theo đúng chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, kịp thời triển khai các nhiệm vụ theo quy định với nguyên tắc "tính mạng con người là trên hết".

Do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão số 3, nên từ chiều và đêm nay 9/9, trên địa bàn các tỉnh tiếp tục có mưa to đến rất to và dông, có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Ông Trần Hồng Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng cho biết: “Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo Ban chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh và thành phố Cao Bằng thường xuyên theo dõi sát sao tình hình mực nước trên sông, có biện pháp huy động các lực lượng chức năng đưa người dân đến nơi an toàn. Kiên quyết di dời người và tài sản có nguy cơ bị thiệt hại, với phương châm bảo đảm tính mạng cho người dân”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ