Tháng 7/1885, một phòng sửa tóc và trang điểm theo kiểu Paris (salon Parisien) đầu tiên ở Hà Nội đã khai trương ở phố Tràng Tiền. Chủ nhân là người đàn bà Pháp trung tuổi. Salon phục vụ vợ, con gái các quan chức chính quyền và sĩ quan Pháp ở Hà Nội.
Theo thời gian, phụ nữ Hà Nội dần bị ảnh hưởng các kiểu tóc của phụ nữ phương Tây. Con gái nhà lành không bao giờ dám nghĩ đến uốn tóc, song các cô đã gia nhập "làng Tây" bắt đầu phi-dê.
Thập niên 30,40 của thế kỷ 20, nhiều phụ nữ Hà Nội không còn vấn khăn. Người có tuổi thì búi, trẻ hơn thì chải hất ngược và kẹp hai bên mái, kiểu này để lộ toàn bộ khuôn mặt tạo nên vẻ đàng hoàng.
Đây là kiểu tóc đặc trưng cho phụ nữ Hà Nội suốt một thời gian dài. Trước năm 1945, Hà Nội có rất ít các tiệm uốn tóc nữ nhưng từ năm 1946 -1954, các tiệm uốn tóc đã nhiều hơn và chủ tiệm phần lớn vẫn là người Hoa.
Thời kỳ này bắt đầu có thuốc nhuộm tóc màu đen nhưng khách chỉ là người Pháp, còn người Việt vốn dĩ là tóc đen sẵn nên chẳng ai có nhu cầu. Một số người tóc bạc sớm do "xấu máu" cũng không nhuộm sợ mang tiếng là "cưa sừng làm nghé".
Tiệm uốn tóc nữ nổi tiếng nhất Hà Nội thời tạm chiếm là Miwaco ở phố Hàng Trống do một Hoa kiều làm chủ, khách đến đây là các quý bà, quý cô và các "bà đầm", tiệm đông khách từ lúc mở đến lúc đóng cửa.
Mốt tóc được ưa thích nhất là cuốn từng búp rất cầu kỳ, người thợ cuốn tóc vào kẹp sắt nóng đủ làm tóc quăn nhưng không nóng tới mức cháy tóc.
Suốt thời gian dài, từ 1954 đến đầu thập niên 80 thế kỷ 20, ít người bạc tóc muốn nhuộm thành đen vì không có thuốc. Năm 1987, một số chị em nghệ sỹ và "chịu chơi" đã tiên phong thay màu tóc đen nhánh bằng mốt tóc nâu.
Do chưa có thuốc nhuộm màu, các tiệm lấy nước ô xy già (một loại thuốc sát trùng dùng trong y tế) hoà với thuốc nhuộm tóc màu đen rồi chải lên tóc.
Muốn màu nâu, chỉ cần ủ chừng mười lăm phút còn muốn hơi ngả sang màu lông bò thì để lâu hơn.
Thập niên 70, đa phần nữ sinh Hà Nội để tóc dài, ai "bôn" thì để tóc dài, cặp bằng cặp ba lá, tết đuôi sam hay buộc hai bím. Nữ sinh chịu chơi lắm mới dám búi tóc đuôi gà (buộc chổng ngược) nhưng cả trường cấp III hàng nghìn học sinh cũng chỉ có dăm người.
Nói về chạy theo mốt của chị em cũng lắm chuyện. Sau năm 1975, mốt tóc Cẩm Vân rộ lên, tóc trán cắt bằng trước mái rồi tỉa đuổi hai bên mái, hầu như đám trẻ đều theo mốt này.
Tiếp đó xuất hiện mốt Ôxy, mốt này cắt ngắn ngang tai, sau đó uốn từ chân tóc lên đến đỉnh đầu. Hết mốt này lại chuyển sang mốt Chiến hạm nổ tung (bắt chước một nhân vật trong bộ phim cùng tên của Liên Xô), tóc cắt ngắn ngang vai và rẽ ngôi.
Xem phim Khi đàn sếu bay qua (phim Liên Xô), nhiều cô bắt chước kiểu tóc của nhân vật nữ du kích để tóc thề, loà xoà mấy sợi trước trán.
Rồi đến mốt Mai-ca (một nhân vật trong phim Mai-ca, cô bé từ trên trời rơi xuống), tóc tỉa đuổi hình oval. Chưa hết các cô lại chạy theo mốt Mariana (nhân vật trong phim Người giàu cũng khóc của Brazil), cô gái này để tóc ngang lưng và sấy nhẹ.
Năm 1987, chị em đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc về mang theo mốt tóc Xuri (ca sĩ nổi tiếng thập niên 80 của Tiệp Khắc), thế là cả Hà Nội tràn ngập kiểu này.
Không biết ảnh hưởng từ đâu đã xuất hiện mốt như chổi lúa, bà Kim Quý, người đam mê mốt tóc kể có hôm mười một giờ đêm, đã đóng cửa hàng nhưng có cô còn gõ cửa nì nèo làm cho kiểu này để sáng hôm sau chính thức nhận lời yêu.