(GD&TĐ) - “Chúng tôi đi học trong hoàn cảnh, điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng từ thầy đến trò đều nỗ lực vượt khó và tự học, tự tìm kiếm, tích lũy kiến thức cho mình…” - TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ. Từ những thành quả và kinh nghiệm có được trong sự nghiệp giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng tự học là một trong những phương pháp tốt nhất giúp mỗi người có thể chủ động tiếp cận và tiếp thu kiến thức.
Học từ thầy giá trị của tự học
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Hà Nội. Nhà có tới 4 anh chị em nên bố mẹ phải bươn trải đủ nghề để nuôi chúng tôi ăn học và đều thi đỗ vào đại học. Bản thân anh em tôi, bên cạnh những buổi đi học đều phải làm thêm nhiều công việc như bóc lạc, sơn khuy giày, nhặt lông ngựa... để phụ giúp cha mẹ. Số tiền làm thêm ít ỏi, song mùa nào công việc ấy, chúng tôi tham gia lao động miệt mài chỉ mong có thêm một khoản để mua sách bút, quần áo.
Thời chúng tôi đi học cả đất nước vẫn đang chìm trong cuộc chiến tranh chống giặc giữ nước nên hầu hết cuộc sống của người dân còn khó khăn thiếu thốn vô cùng. Cũng vì vậy, những điều kiện như sách bút, đồ dùng học tập để học sinh học tập, nghiên cứu vô cùng khan hiếm. Bốn chị em tôi đã dùng chung một bộ sách giáo khoa phổ thông. Anh lớp trên dạy em lớp dưới, sách của anh học xong lại giữ lại cho em lớp sau và cứ thế nên sách được giữ gìn vô cùng cẩn thận, sạch sẽ.
TS Nguyễn Tùng Lâm |
Ngày ấy, tùy vào điều kiện kinh tế từng gia đình mà học sinh được trang bị sách vở đủ hay thiếu. Nhà tôi nghèo, nên sách để đọc và nghiên cứu không có. Chỉ vì muốn được đọc sách thoải mái nên ước mơ cháy bỏng của tôi thời đi học ấy là gia đình mình mở được hiệu sách, tôi được ngồi đọc giữa những kệ sách với đầy đủ các thể loại sách khác nhau... Để đáp ứng nhu cầu đọc sách thời ấy, học sinh chúng tôi phải tranh thủ từng giây phút sau giờ học để lên thư viện nhà trường. Sự thiếu thốn, khó khăn thời ấy đã hình thành nên cho chúng tôi thói quen mày mò tự tìm sách đọc, tự tìm hiểu nghiên cứu. Và cho tới tận bây giờ, thói quen tự học đã trở thành một quán tính giúp tôi luôn có nhu cầu đọc sách, tự nghiên cứu thêm qua sách vở...
Thế hệ chúng tôi ngày ấy, điều kiện mọi mặt đều khó khăn song luôn học tập với ý thức tự học cao, và động lực thôi thúc học cho thật giỏi duy nhất ấy là khi ra trường sẽ kiếm được một công việc ổn định, được đóng góp nhiều nhất công sức, trí tuệ của mình cho đất nước, xã hội.
Thầy và trò đều phát huy tự học
Chúng tôi đi học trong hoàn cảnh, điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ bề, vì vậy học sinh chủ yếu được tự học, tự tìm kiếm kiến thức. Tôi vẫn nhớ, khi học đến cấp trung học phổ thông, mặc dù học tiếng Trung song chúng tôi vẫn phải tự đọc và học tiếng Nga để có thể đọc sách tiếng Nga, tìm hiểu thêm cách giải các bài toán lượng giác, hình học...
Tự học không chỉ là phương pháp học chủ yếu của từng cá nhân mà chúng tôi còn tự học theo nhóm. Từng nhóm bạn cùng thảo luận và học với nhau ngay tại lớp, tại nhà. Bạn nào giỏi môn gì thì thông tin với nhau cách giải môn đó, ai chưa tìm ra lời giải thì người khác giỏi hơn, nhanh hơn sẽ bầy cho cách học, cách giải. Hoặc trong cùng một nhóm, chúng tôi sẽ thi đua xem ai tìm ra cách giải hay và đúng nhanh nhất... Tự học theo nhóm giúp chúng tôi cảm thấy có sự khích lệ và cùng ganh đua nhau học tốt hơn.
Nhu cầu tự học và khả năng tự học của học sinh thời ấy rất cao. Chúng tôi hoàn toàn không biết đến chuyện học thêm. Học sinh chỉ biết tự học với nhau, khó đâu, mắc đâu thì hỏi thầy. Các thầy giảng giải cũng rất vô tư và nhiệt tình với học trò. Sẵn sàng dạy cho học sinh khi cần, thầy và trò cùng say sưa dạy, học và tìm ra những lời giải hay cho một bài toán, bài văn.
Tự học là phương pháp hiệu quả nhất để nắm chắc kiến thức. Ảnh minh họa/internet |
Ngay cả trước những kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp hay thi đại học thì học sinh cũng phải hoàn toàn tự học mà không hề biết đến luyện thi hay học thêm là gì. (Có chăng chỉ những gia đình hiếm hoi có điều kiện thì mời gia sư về kèm cặp cho con em mình tại nhà).
Tôi ngẫm thấy tự học vẫn là phương pháp tốt nhất, hiệu quả nhất giúp học sinh chủ động, nắm chắc kiến thức đồng thời có thể tự bù đắp những gì mình còn thiếu. Và nếu để ý, cũng sẽ thấy cho đến tận ngày nay giá trị của phương pháp tự học vẫn phát huy tác dụng vô cùng tốt. Minh chứng điển hình, thủ khoa các trường đại học hàng năm phần lớn đều là con em nông dân và kinh nghiệm học tập đều là tự học. Trong khi đó, nhiều học sinh theo hết lớp ôn luyện này đến cấp tốc khác mà kết quả học tập không cao. Vì sao? Vì các em đang nhồi nhét thay vì phải tiếp nhận kiến thức một cách chủ động.
Mặt khác, từ những người thầy giáo khi xưa tôi nhận thấy, đâu phải ai cũng có bằng cấp này nọ song họ đều tự nghiên cứu và truyền đạt cho học sinh chúng tôi biết bao kiến thức cũng như tinh thần, sự đam mê học tập với phương pháp tự học. Những người thầy không chỉ tận tụy, gắn bó gần gũi với học trò để nhận ra trong học trò của mình những khả năng nhất định mà còn biết đặt niềm tin vào học trò, luôn khích lệ năng lực học tập của từng học trò.
Học được ở những người thầy của mình về giá trị của tự học nên không chỉ tác động vào tôi trong quá trình đi học mà ngay cả khi đã là một người thầy, tôi cũng phát huy tính tự học cho học sinh của mình. Ví như trong việc chữa bài, tôi chỉ chữa đoạn đầu một cách chi tiết từng câu từng chữ, từng dấu chấm phẩy để học sinh hiểu và rút ra được cách làm bài. Nhưng ở những phần sau tôi luôn yêu cầu học sinh tự chữa cho mình, hoặc các em có thể cùng thảo luận để cùng chữa bài cho nhau. Với những bài văn các em làm chưa đạt, tôi chỉ ra cho các em thấy còn thiếu gì và yêu cầu về làm lại, học lại. Điểm số không quan trọng bằng việc các em tiếp nhận, lĩnh hội được kiến thức ra sao.
Hiện nay, việc giáo dục phát huy tính tự học trong trường học chưa cao. Ngay như tại Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng – nơi tôi làm Hiệu trưởng, tôi đã soạn nhiều tài liệu và hướng dẫn giáo viên cách thức dạy học sinh tự học. Tuy nhiên, bên cạnh một số giáo viên lĩnh hội được thì vẫn còn những giáo viên bị chi phối bởi thói quen lên lớp giảng cho đủ, cho hết kiến thức mà không biết học sinh có tiếp nhận được không, tiếp nhận đến đâu. Vẫn còn nhiều giáo viên không biết cách đặt vấn đề mình dạy cho học sinh để làm sao cho hấp dẫn, cuốn hút học sinh vào bài học.
Bản thân tri thức có sức hấp dẫn riêng, song để học sinh đam mê học tập thì người thầy phải giúp học sinh nắm chắc kiến thức, phải hứng thú và chủ động tìm tòi kiến thức. Người thầy có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy và giúp học sinh khát khao, đam mê học tập.
Ngành nghề nào cũng đòi hỏi người tài. Song có hai ngành tác động trực tiếp đến con người đó là bác sĩ và nhà giáo, vì vậy không thể thiếu những người vừa có phẩm chất đạo đức vừa có tài năng thực thụ. Nếu không đổ công sức, sự đầu tư sẽ không thể có người thầy giỏi. Người thầy giỏi không những phải có kiến thức, hiểu biết, khả năng diễn đạt mà còn phải biết tác động vào từng con người để khơi dậy tiềm năng riêng của mỗi người và giúp tiềm năng ấy phát triển. |
Sông La (ghi)