Sau Tết, mận trắng ở những dãy nhà dọc đường lên Lục Dạ (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) vẫn trắng nhức nhối trong giá lạnh. Ở vùng đất này, nông dân là hộ nghèo được hưởng chính sách của Nhà nước, sau một thời gian tự thấy mình khấm khá hơn nên xin ra khỏi nghèo không phải hiếm.
Nhưng câu chuyện về lão nông Lang Văn Tần (thôn Liên Sơn, xã Lục Dạ) ở tuổi thất thập cổ lai hy, sống độc thân trong căn nhà bốn bề lộng gió ba mét vuông, lại xung phong ra khỏi hộ nghèo để làm gương cho lớp trẻ đã "gây sốc" cho nhiều người...
Ham chi hộ nghèo cho nhụt chí
Anh Lê Hoàng Hà - Bí thư Chi bộ thôn Liên Sơn dẫn chúng tôi đến nhà ông Tần, người được mệnh danh là nghèo nhất Lục Dạ. Đi hết đoạn đường bêtông, vào đến ngõ, tôi cúi xuống, ghé vào tai ông Tần đang ngồi xổm chẻ mấy ống tre khô bên con đường nhão nhoẹt bùn non, nói rõ to - "Tết nhứt có gì mới không ông?". Ông Tần từ từ ngước lên: "Mới nhất là có cái đơn xin rút khỏi hộ nghèo. Còn lại không có chi", ông cười khoe cả hàm lợi.
Năm nay ông Tần 82 tuổi, ông là người đồng bào dân tộc Thái. Hơn 45 năm định cư ở mảnh đất này, ông Tần có đến 7 người con. Nhưng đứa mất, đứa lấy chồng, đứa đi làm ăn xa nên ông chưa khi nào nhờ vả được con cái. Vì vậy, đến lúc tuổi già, khi cánh tay chẳng còn cầm được cán cuốc bổ xuống đất kiếm miếng ăn, ông được Nhà nước xét vào hộ nghèo năm 2004.
Lúc mới nghèo, ông vẫn còn đất vườn để trồng rau ráng, được bữa hôm bữa mai. Nhưng đau ốm liên miên, tiền thuốc thang vượt cả khoản trợ cấp hàng tháng của Nhà nước, nên miếng đất vườn cuối cùng của ông cũng lần lượt đội nón ra đi. Bây giờ, ông Tần chỉ còn vài mét vuông đất là nền của ngôi nhà đang ở. "Cũng không trồng trọt chi được. Nên bán đi mua gạo ăn. Khi chết thì cái nền nhà này cũng đủ để làm nơi thờ tự". Ông Tần nói lạc quan như vậy, rồi với chiếc gậy tre đứng lên, loay hoay tìm chìa khóa nhét trên ống tre để mở cửa.
Ông Lang Văn Tần, người tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo ở trong căn nhà xiêu vẹo, sắp sập. Ảnh: Hưng Thơ |
Căn nhà của ông chỉ có hai chiếc giường ọt ẹt, ba cái đòn bằng gỗ để ngồi, năm cái ly uống nước mỗi cái mỗi loại và dăm thứ lặt vặt khác. Phía trên chiếc bàn bằng gỗ có trải tấm khăn sạm màu, có hai bao gạo và két mì tôm. "Ông có chôn vàng bạc hay gửi ngân hàng không, mà lại can đảm viết đơn xin rút khỏi hộ nghèo", tôi nhìn một lượt trong ngôi nhà, ướm hỏi. Ông Tần buồn rầu, kể rằng mới đây đi dự buổi rà soát hộ nghèo năm 2016 ở thôn.
Đến lúc bình xét hộ nghèo, hộ được hộ không, nên người thì thắc mắc, người thì so sánh cái này cái kia. Nhiều người còn khỏe mạnh, nhưng cứ tranh nhau hộ nghèo cho bằng được, thậm chí bức xúc chửi bới lẫn nhau. Nghĩ mình được Nhà nước quan tâm nhiều năm, nên ông Tần nhờ người viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. "Cứ tranh nhau hộ nghèo, sẽ làm nhụt chí và không còn ý chí để vươn lên. Nên tôi tự nguyện rút khỏi hộ nghèo để làm gương cho con cháu, và giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước" - ông Tần thuật lại.
Hỏi ông Tần nếu không còn được Nhà nước trợ cấp, thì làm gì để sống. Ông không nói, gí gí chiếc gậy tre xuống nền đất nhỏ nhoi còn lại để dành "sau này". Thấy vậy, anh Lê Hoàng Hà tiếp lời, từ lâu gia đình anh đã xem ông Tần như người thân. Ngày trước, lúc anh Hà đang nghèo rớt mùng tơi, ông Tần đã cho miếng đất và giúp dựng nhà, nên anh tự thấy mình có nghĩa vụ phải chăm sóc ông Tần.
"Có Nhà nước quan tâm, thì bố Tần đỡ hơn phần nào. Nhưng nếu bố muốn ra khỏi hộ nghèo, thì gia đình tôi sẽ có trách nhiệm chu cấp. Bố Tần ở một mình, nhưng không đơn độc đâu" - nói rồi, anh Hà sắp xếp lại mấy bao gạo và mì tôm hôm rồi Hội Từ thiện tặng ông Tần để ăn Tết vẫn chưa dùng hết.
Không muốn làm gánh nặng cho Nhà nước
Ngày cuối tuần, Ủy ban Nhân dân xã Lục Dạ vắng hoe, chỉ mỗi căn phòng gần cánh cổng mở cửa. Anh La Thanh Vĩnh - cán bộ dân tộc, tôn giáo, thi đua khen thưởng kiêm chính sách người có công xã Lục Dạ rất nhiệt tình khi chúng tôi đề cập đến chuyện người dân viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo ở xã. "Năm 2015, Lục Dạ có 4 trường hợp; năm 2016 thì có 8 trường hợp làm đơn xin rút khỏi hộ nghèo. Các hộ này tự nguyện, chứ chúng tôi không đi vận động hay bắt ép gì".
Trăm nghe không bằng một thấy, chúng tôi đến mục sở thị bản Xằng. Xằng tiếng dân tộc Thái gọi là Xăng, nghĩa là biệt lập, vào đã khó, ra càng khó hơn. "Ở đây đường sá khó khăn, đời sống chủ yếu là tự cung tự cấp. Ở bản Xằng rất ít đất sản xuất, bình quân mỗi khẩu 300 mét vuông đất ruộng. Xằng có 168 hộ, trong đó có đến 79 hộ nghèo. Năm nay đã có 5 hộ tự nguyện viết đơn rút khỏi hộ nghèo" - trưởng thôn Lô Văn Phúc khoe.
Ông Lang Văn Tần (thôn Liên Sơn, xã Lục Dạ) trong ngôi nhà nghèo rớt mùng tơi ở thôn Liên Sơn. Ảnh: Hưng Thơ |
Đầu năm 2016, ông Vi Văn Diện (60 tuổi) được bình xét vào hộ nghèo. Ông Diện có 4 người con đã lập gia đình, nhưng không có đất ra riêng, nên chen chúc trong một căn nhà sàn không có vách. Cả gia đình chỉ có ít đất ruộng một năm hai vụ lúa, ông Diện lại bị thương tật ở tay nên không làm thuê làm mướn được. Ông Diện tâm sự: "Được hộ nghèo cũng vui, vì ai cũng hiểu và cảm thông với gia đình mình. Nhưng nghĩ lại, tôi là Đảng viên, vẫn còn khỏe mạnh thế này mà nhận trợ cấp của Nhà nước thì ngại lắm. Khi bàn bạc với gia đình, ai cũng đồng ý nên tôi viết đơn xin rút khỏi hộ nghèo".
Lá đơn vừa gửi đi, thì ông Diện ra chợ sắm vài tay lưới. Trời rét, nhưng ông vẫn đều đặn đi thả lưới mỗi ngày để kiếm thức ăn cho gia đình. Ngày nhiều thì vài ký, ít thì vài lạng. Có thức ăn sẵn rồi, nên ông Diện không phải tốn tiền mua. Các con của ông Diện cũng nhận ra việc lúi húi ở mấy mảnh ruộng khó mà đủ ăn, nên có người vào Nam kiếm việc, người thì vay mướn mua thêm trâu và dê để chăn nuôi.
Cạnh nhà ông Diện, gia đình ông Lô Văn Hướng (58 tuổi) thuộc diện hộ nghèo mấy năm nay. Ông Hướng có 2 sào đất, nhưng chia cho tám người con, mỗi người mỗi mảnh nhỏ xíu, nên chẳng ăn nhằm gì. Năm trước, ông Hướng nhận mấy hecta đất rừng nghèo để trồng sắn. Sắn bán được, ông Hướng phấn khởi viết ngay đơn xin rút khỏi hộ nghèo. "Có hộ nghèo thì được bảo hiểm, xin thuốc không mất tiền, con đi học được miễn giảm. Tết còn có quà, gạo. Nhưng năm này gia đình tôi khá hơn rồi, muốn nhường các chế độ lại cho người khác". Đó là một ngày cuối năm và Tết cổ truyền thì đã cận kề...
Rất nhiều người dân tự nguyện viết đơn xin rút khỏi hộ nghèo. Ảnh: Hưng Thơ |
Nhận được lá đơn xin rút khỏi hộ nghèo của bà con trong bản, trưởng thôn Lô Văn Phúc và các cấp chính quyền đi đến tận từng nhà để rà soát lại. Nhìn thấy rẫy sẵn đang thu hoạch của nhà ông Hướng, và hai con trâu mới mua của nhà ông Diện, ai cũng vui mừng vì những hộ này không chỉ nói thoát nghèo "suông". Ở xã Lục Dạ, duy nhất chỉ có trường hợp ông Lang Văn Tần xin rút hộ nghèo nhưng không được rút.
"Chúng tôi đi chấm điểm, ông Tần không có điểm nào thì không thể không được hộ nghèo. Tinh thần của ông Tần rất đáng khen ngợi, nên chúng tôi quyết định sẽ tổ chức khen thưởng. Dịp này, chính quyền xã cũng tạo điều kiện, giúp đỡ ông Tần các suất quà để đón Tết được đầm ấm hơn" - anh La Thanh Vĩnh nói.
Suốt đường xuống núi để trở lại thành phố, hai chúng tôi - những phóng viên Báo Lao Động có chuyến công tác vùng cao đầu tiên của năm con khỉ, không ai nói với ai câu nào. Có lẽ câu chuyện về lão nông 82 tuổi nghèo xác xơ trong "căn nhà" bốn bề lộng gió ở Lục Dạ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo vào một ngày năm hết tết đến đúng là tử tế thật. Nhưng có gì đó cay đắng và vô cùng đáng thương!