Theo PLO, tổ chuyên đề đã kiểm soát 42 phương tiện nhưng chỉ phát hiện một tài xế có nồng độ cồn. Đó là anh NTMĐ, 48 tuổi với mức vi phạm nồng độ cồn là 0.109 mg/lít khí thở.
Theo ghi nhận của PV, ngay sau khi thiết bị hiển thị nồng độ cồn, anh Đ. đã đề nghị được coi tem kiểm định của máy đo. Lập tức, CSGT đã mang máy đo nồng độ cồn lại và chỉ vào tem kiểm định được dán trên thân máy cho anh Đ. xem. CSGT cũng cho biết anh Đ. có thể lên trụ sở Đội CSGT Bến Thành để xem phiếu kiểm định và đề nghị anh xuất trình giấy tờ.
Tuy nhiên, anh Đ. không đồng thuận vì cho rằng tem kiểm định không hiện rõ thời hạn kiểm định, dù nhiều lần CSGT đã giải thích rằng thiết bị đo có đầy đủ phiếu kiểm định, anh Đ. có thể xem tại trụ sở.
“Nếu máy không được kiểm định thì sẽ không cho phép đo nồng độ cồn…. Trên mỗi máy có số phiếu kiểm định, mỗi tem đi kèm với một phiếu kiểm định. Cứ đúng số máy này, chúng tôi sẽ cho anh xem phiếu kiểm định tương ứng” – CSGT khẳng định và tiếp tục đề nghị anh Đ. xuất trình giấy tờ để lập biên bản.
Chân dung anh Đ. Ảnh: PLO
Thế nhưng, anh Đ. tiến về xe lấy điện thoại để tra cứu mức độ vi phạm của mình. Thấy quá trình tra cứu diễn ra khá lâu, CSGT đã chủ động giải thích ba mức phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn và với 0.109mg/lít khí thở thì anh Đ. đang vi phạm ở mức I.
Qua hơn 15 phút giải thích, thuyết phục không thành, Trung tá Huỳnh Quốc Nhanh, Phó Đội trưởng Đội CSGT Bến Thành đã liên lạc Công an phường Bến Nghé, quận 1 ra hỗ trợ. Khi công an phường đến đã tiếp tục giải thích nhưng anh Đ. kiên quyết muốn tem kiểm định phải có ngày, tháng rõ ràng.
“Phải lập biên bản máy đo nồng độ cồn không có ngày kiểm định” – anh Đ. liên tục đề nghị với lực lượng chức năng. Phải mất gần 30 phút, anh Đ. mới chịu ký vào biên bản, giao xe cho lực lượng chức năng đưa về trụ sở.
Về việc người dân có quyền được yêu cầu CSGT cho xem tem kiểm định của máy bắn tốc độ, máy đo nồng độ cồn hay không? Trả lời thắc mắc này, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho báo Thanh Niên biết máy đo tốc độ, máy đo nồng độ cồn của lực lượng CSGT sử dụng là do Bộ Công an phối hợp với Viện đo lường Việt Nam thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng để tổ chức kiểm định.
Các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ (cụ thể là máy đo tốc độ, máy đo nồng độ cồn) đã được cơ quan chức năng kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, được cấp giấy chứng nhận theo Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 về Quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 và được lực lượng CSGT sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, người vi phạm sẽ không được đáp ứng yêu cầu kiểm tra tem kiểm định trên máy đo nồng độ cồn, máy đo tốc độ và giấy chứng nhận kiểm định của máy, mà chỉ có các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có yêu cầu kiểm tra thì lực lượng CSGT mới cung cấp và cho kiểm tra thiết bị.
Trong trường hợp người vi phạm có khiếu nại về kết quả xử phạt vi phạm quy định về nồng độ cồn và vi phạm quy định về tốc độ thì người vi phạm làm đơn khiếu nại gửi cơ quan có thẩm quyền để tiến hành xử lý theo đúng quy định.