Chia sẻ nỗi lo ngại rằng những ảo tưởng về hào quang sẽ dẫn dắt giới trẻ đi đến những ngày tháng vô định, mãi “đuổi hình bắt bóng” theo tiêu chí thành công mà giới truyền thông và xã hội đang tìm kiếm, bỏ quên những giá trị bình thường tử tế hàng ngày, Anbooks và nhà báo Lương Nguyễn An Điền đã thực hiện cuốn sách “Không nổi tiếng cũng đâu có sao!”.
Bìa cuốn sách " Không nổi tiếng cũng đâu có sao!" |
15 bài viết, 15 câu chuyện, từ người lồng tiếng lặng lẽ ở một sân khấu kịch nhất định đi mua rượu về để rót trong một cảnh rót rượu nhứ nhất quyết không chịu rót bằng nước, vì cho rằng “rượu có cái hồn của rượu”, đến một nghệ sĩ tên tuổi ở Việt Nam say sưa đứng ở ga điện ngầm tại Mỹ vỗ tay nhiệt thành tán dương người đồng nghiệp của mình.
Từ một nữ nhà báo Ấn Độ nhất quyết không chịu đầu quân vào một hãng thông tấn ở Mỹ, chỉ vì người phỏng vấn đã hiểu hời hợt về đất nước của cô, và sau đó cô đã nỗ lực học tập ở đại học Columbia, thúc đẩy các chương trình cộng đồng lớn, là một “đại sứ văn hóa” của đất nước mình một cách đáng tự hào - đến một người mẹ Việt Nam dùng tiếng Anh để dỗ con nín khóc, mãi cậu bé không chịu nín, chỉ khi mẹ dùng tiếng Việt dỗ, thì cậu bé mới nín khóc; từ những trạng thái (status) ngàn likes trên mạng xã hội nhưng thiếu kết nối bên ngoài, đến những danh xưng lung linh nhưng thiếu thực lực…
Không nổi tiếng cũng đâu có sao! là một tiếng nói giản dị, hài hước, “đặc sệt” phong cách ý nhị, sâu sắc và “tưng tửng” của Lương Nguyễn An Điền, một nhà báo quốc tế được đánh giá cao đối với giới báo chí trong và ngoài nước.
Với Anbooks, đây là một lần thử nghiệm mới: viết chủ đề hướng nghiệp theo kiểu kể chuyện, và nhìn việc hướng nghiệp rộng ra trong mối tương quan xã hội. Nếu tất cả mọi người đều trở nên to tát, vĩ đại, thì thế giới sẽ không còn chỗ cho sự giản đơn. Nếu ai cũng phải trở nên xuất chúng thì tự nhiên sẽ sinh ra bị kịch về giá trị cho rất nhiều người không có năng lực bẩm sinh để xuất chúng.
Vì vậy, Anbooks đồng hành cùng cuốn sách với một thông điệp được gửi gắm: các em học sinh, sinh viên hãy thật sự tập trung và yêu quý vào việc mình đang làm, dành những năng lượng đẹp nhất cho việc đó, để thấy mình “nở hoa” trong những điều giản dị. Và mong bố mẹ nhìn năng lực của con như con chính là, tránh bớt những áp lực nặng nề không phù hợp cho con.