Một hướng đi hiệu quả nâng cao chất lượng tiếng Anh trong trường Tiểu học

GD&TĐ - Chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở bậc tiểu học tại Hải Phòng có chuyển biến rõ nét. "Bí quyết" là chủ động xã hội hóa bằng các mô hình liên kết, các câu lạc bộ tạo sân chơi bổ ích cho HS.

Một giờ học tiếng Anh tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, quận Lê Chân.
Một giờ học tiếng Anh tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, quận Lê Chân.

Chất lượng nâng cao

Hiện, Hải Phòng có trên 300 giáo viên biên chế tiếng Anh trong khi có đến 230 trường tiểu học công lập, tức trung bình có hơn một giáo viên tiếng Anh/một trường. Các trường chỉ đủ giáo viên dạy một tuần 2 tiết với các lớp 3,4,5 và thiếu giáo viên lớp 1,2. Tình trạng thiếu giáo viên tại Hải Phòng đang được khắc phục bằng cách đẩy mạnh những tiết tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh có yếu tố người nước ngoài.

Vấn đề liên kết với các trung tâm ngoại ngữ, xã hội hóa (XHH) nguồn lực xã hội nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là môn tiếng Anh đang được các nhà trường vận dụng. Không chỉ “lấp” chỗ thiếu giáo viên biên chế cho môn học mà với sự liên kết này đã tạo nên luồng gió mới giúp phong trào dạy học ngoại ngữ phát triển. Các mô hình câu lạc bộ, Festival, các lớp học “mở” khiến học sinh hào hứng, phụ huynh yên tâm.

Chị Phạm Thị Thu Trang (SN 1984) có con học lớp 2, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, quận Lê Chân chia sẻ, thấy con thích thú khi học tiếng Anh chị rất vui. Chị yên tâm cho con học tiếng Anh tại trường, bởi đó là các lớp học “mở”, mỗi giờ học của con đều được cô chủ nhiệm đăng lên zalo cho phụ huynh biết.

Học sinh Trường Tiểu học Cát Bi, quận Hải An trong giờ học
Học sinh Trường Tiểu học Cát Bi, quận Hải An trong giờ học

Anh Nguyễn Bá Việt Phương (SN 1984), một cán bộ thuộc Sở Văn hoá Thể thao Hải Phòng chia sẻ, con anh năm nay mới học lớp 1. Anh quan niệm, cho con tiếp cận ngoại ngữ sớm là tốt. Đặc biệt, tiếng Anh không còn xa lạ trong môi trường hội nhập như hiện nay.

Theo anh Phương, định hướng phát triển ngôn ngữ cho học sinh tại các trường tiểu học hiện nay là rất phù hợp. Một số trường đã mạnh dạn đưa ngôn ngữ thứ 2 là tiếng Nhật vào giảng dạy được phụ huynh ủng hộ. Chẳng hạn như Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân), Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng)….

Không chỉ dạy kiến thức, giáo còn chủ động rèn kỹ năng giúp học sinh được phát triển toàn diện
Không chỉ dạy kiến thức, giáo  còn chủ động rèn kỹ năng giúp học sinh được phát triển toàn diện

Trưởng Phòng GD Thường xuyên - chuyên nghiệp và Đại học, Sở GD&ĐT Hải Phòng- Nguyễn Anh Thuấn cho hay, phong trào dạy và học ngoại ngữ tại Hải Phòng ngày càng phát triển. Chất lượng môn tiếng Anh qua các kỳ thi được khẳng định. Cụ thể, điểm trung bình môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Hải Phòng tăng 2 bậc so với năm trước, đứng thứ 4 toàn quốc.

Giải pháp triệt để là việc bồi dưỡng, bổ sung giáo viên, đã được Sở GD&ĐT tính đến. Sở đã xây dựng Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn đến năm 2030. Lộ trình đào tạo giáo viên tiếng Anh tiểu học bổ sung mới giai đoạn 2025-2030 tổng cộng là 102 người.

Theo đánh giá của ông Thuấn, chất lượng môn tiếng Anh nâng lên một phần do đóng góp của các trung tâm ngoại ngữ và sự liên kết dạy học tiếng Anh trong các nhà trường.

Trên địa bàn có 110 trung tâm Ngoại ngữ, Tin học được cấp phép hoạt động, trong đó có 29 trung tâm được phép liên kết đào tạo. Quy trình duyệt liên kết chặt chẽ, phân cấp quản lý đến quận huyện và hiệu trưởng các nhà trường. Nhà trường và trung tâm cùng thống nhất kế hoạch giảng dạy và chất lượng chương trình.

Hướng đi tích cực

Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố có trên 2.300 học sinh, hiện 100%  học sinh của trường được học tiếng Anh. Phụ huynh nhà trường rất quan tâm đến việc phát triển ngoại ngữ cho con em. Nhà trường duy trì 4 tiết tiếng Anh/tuần với tất cả học sinh, trong đó có cả tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh có yếu tố người nước ngoài. Ngoài ra, với học sinh lớp 3, các em được làm quen với tiếng Nhật. Các hoạt động dạy học ngoại ngữ của nhà trường hướng tới phát triển phẩm chất, năng lự cho học sinh nên được phụ huynh ủng hộ.

Những giờ học tiếng Anh với người bản ngữ của học sinh Nguyễn Văn Tố
Những giờ học tiếng Anh với người bản ngữ của học sinh Nguyễn Văn Tố

Anh Nguyễn Thái Bình, một phụ huynh khối lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố chia sẻ, bản thân anh là người làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài nên nhận thấy tiếng Anh rất quan trọng. Không chỉ cho con học tại trường, anh thành lập một câu lạc bộ để cho con tham gia và có môi trường cho  con nói ngoại ngữ.

Theo anh Bình, việc tổ chức liên kết tiếng Anh trong trường học không chỉ giúp phụ huynh giảm thiểu thời gian đưa đón con, trẻ được học cùng bạn bè trong môi trường ổn định dễ bộc lộ ưu, nhược để thầy cô nắm được, từ đó chất lượng được quản lý chặt chẽ.

Giáo viên tiếng Anh trong nhà trường không ngừng học hỏi, đổi mới phương pháp dạy học
Giáo viên tiếng Anh trong nhà trường không ngừng học hỏi, đổi mới phương pháp dạy học

Theo tìm hiểu, Trường Tiểu học Cát Bi, quận Hải An hiện có 100% học sinh khối 1, khối 2 học chương trình Tiếng Anh Phonics Smart, khối lớp 3,4, 5 theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Giáo viên tiếng Anh trong nhà trường đã không ngừng học hỏi, đổi mới phương pháp dạy học. Không chỉ dạy học, thầy cô còn lồng ghép dạy kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình cho học sinh. Việc kết hợp với các trung tâm ngoại ngữ để học trò học tiếng Anh với người nước ngoài nhằm tăng khả năng giao tiếp, tự tin cho các em được nhà trường quan tâm, chú trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.