Một đêm giữa tâm dịch cùng các chiến sĩ áo trắng

GD&TĐ - Đêm trong Khoa Điều trị bệnh nhân nguy kịch, Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quân y 175, tiếng “bíp bíp” phát ra từ những chiếc máy monitor theo dõi chỉ số sức khỏe bệnh nhân đều đều vang vọng.

Kíp trực đêm ở Khoa Điều trị bệnh nhân nguy kịch, giao ca.
Kíp trực đêm ở Khoa Điều trị bệnh nhân nguy kịch, giao ca.

Những bước chân vội vã. Những y lệnh ngắn gọn, dứt khoát. Cả những dòng mồ hôi chảy miệt mài trên mặt...

Vừa đi vào hoạt động từ ngày 19/7, Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 đã thu dung và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân, trong đó có những người đang cận kề ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Một đêm trắng ở Khoa Điều trị bệnh nhân nguy kịch, chúng tôi có cơ hội được ở bên họ, những người hùng thầm lặng để chứng kiến cuộc chiến giành lại sự sống cho người bệnh.

Chiến đấu với “tử thần”

Không rời mắt khỏi chiếc màn hình lớn đang giám sát toàn bộ các phòng bệnh, Thượng úy, bác sĩ Lương Vũ Dũng nói: “Chúng tôi phải theo dõi chặt chẽ các bệnh nhân 24/24 giờ vì diễn biến của những ca Covid-19 nặng rất nhanh. Lơi một giây là hậu quả khôn lường!”.

Chiếc màn hình được chia thành hơn một chục màn hình nhỏ, trên đó hiện rõ từng bệnh nhân. Thời điểm đó, Khoa Điều trị bệnh nhân nguy kịch đang có 27 bệnh nhân Covid-19 rất nặng - những người mà sự sống mong manh như “chỉ mành treo chuông”.

Bệnh nhân nặng, đồng nghĩa với tải lượng virus SARS-CoV-2 cao, nguy cơ lây nhiễm đối với đội ngũ thầy thuốc cũng rất cao. Vì thế, khi biết chúng tôi xin vào tận phòng bệnh, các y, bác sĩ ở khu hành chính đều tỏ vẻ ái ngại.

Đại úy Lê Thị Thùy Nhung, bác sĩ Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, được giao nhiệm vụ đưa chúng tôi vào các phòng điều trị. Dù đã có chút kinh nghiệm sau lần vào bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 (Bệnh viện Quân dân y Miền Đông), chúng tôi vẫn chăm chú hết mức dõi theo từng chỉ dẫn của bác sĩ Nhung...

Đúng 21 giờ, giờ thay ca. Đêm là ca dài nhất, vất vả nhất. 24 giờ mỗi ngày ở Khoa Điều trị bệnh nhân nguy kịch được chia làm 3 ca. Ca sáng từ 7 giờ đến 14 giờ. Ca chiều từ 14 giờ đến 21 giờ. Thời gian còn lại thuộc về ca đêm... Trước giờ vào ca, phòng mặc đồ bảo hộ rộn rã tiếng nói cười.

Các y, bác sĩ, nhân viên y tế ca trực hôm ấy đều là những người trẻ trung, đặc biệt là lực lượng điều dưỡng viên. Chiếc bút dạ viết vội lên áo bảo hộ tên và biệt danh từng người, lại thêm cả những biểu tượng mặt cười. Sự hồn nhiên được họ mang theo cả vào nơi hiểm nguy!

Điều dưỡng viên Trần Thị Huế kể, nhiệm vụ đầu tiên khi vào ca trực là kiểm kê để bàn giao thuốc và vật tư tiêu hao giữa hai kíp. Nhiệm vụ không quá khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng, vì thế kéo dài cả tiếng đồng hồ.

Suốt thời gian của ca trực sau đó, các điều dưỡng viên gần như không có phút nghỉ ngơi. Huế tâm sự: “Môi trường làm việc nhiều áp lực lắm anh ạ! Tuy nhiên, vì bệnh nhân nên chúng em làm hết sức những gì có thể!”.

Công việc chuẩn bị kết thúc, kíp trực chia đôi thành hai cánh, di chuyển tới hai tòa nhà, nơi các bệnh nhân Covid-19 nguy kịch đang chờ những bàn tay chăm sóc. Không gian trở lại yên ắng. Tiếng nói cười trẻ trung nhường lại cho tiếng máy “bíp bíp bíp”.

Theo Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Cảnh Trung, mỗi ca trực gồm 1 bác sĩ hành chính, 2 bác sĩ trong buồng bệnh và 9 điều dưỡng. Ngoài ra, còn có các lực lượng khác như y công làm nhiệm vụ khử khuẩn toàn bộ khu vực điều trị.

Các ca trực ngày có thêm bác sĩ kiểm soát truyền nhiễm. Khu điều trị bệnh nhân nặng, các bác sĩ điều trị đặc biệt phải lưu ý, bệnh nhân rất nguy kịch, cần theo dõi và xử trí hết sức khẩn trương, bởi nếu không được can thiệp kịp thời thì bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Điều dưỡng viên Vũ Thị Yến, Khoa Hồi sức ngoại, được tăng cường vào làm việc tại Khoa Điều trị bệnh nhân nguy kịch từ ngày đầu thành lập. Yến cho biết, ban đầu cũng có chút tâm lý, nhưng dần thành quen.

Công việc thường ngày trước đây của Yến là chăm sóc bệnh nhân nặng, bệnh nhân đặc biệt, tuy nhiên, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nguy kịch lại rất khác.

Phải mặc đồ bảo hộ kín mít nên áp lực công việc nhân lên gấp bội. Việc nói chuyện, trao đổi công việc cũng tốn rất nhiều sức nên phải vô cùng hạn chế. Đội trưởng đội điều dưỡng thường chỉ đạo các điều dưỡng viên bằng... thủ ngữ.

Không chỉ gặp nhiều khó khăn về điều kiện làm việc, khả năng giao tiếp giữa nhân viên y tế và người bệnh cũng rất hạn chế vì hầu hết bệnh nhân thở máy và hôn mê. Vì thế, việc thăm hỏi tình trạng bệnh nhân là gần như không thể. Theo bác sĩ Trương Công Nam, để điều trị thành công, phải phối hợp nhiều khâu, điều dưỡng viên phải sâu sát bệnh nhân, lực lượng phục vụ phải bảo đảm tốt nhất các yêu cầu, bác sĩ phải cố gắng hơn rất nhiều so với bình thường.

Theo dõi phòng điều trị tích cực qua màn hình chính.
Theo dõi phòng điều trị tích cực qua màn hình chính.

Những “người lính” thầm lặng

“Bà la sát” là biệt danh mà các đồng nghiệp đặt cho Đại úy Lê Thị Thùy Nhung, bác sĩ Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Hẳn mọi người sẽ hình dung ra chị là người ghê gớm, cáu bẳn...! Nhưng không, đó là cách gọi yêu mến của các đồng nghiệp, bởi công việc của bác sĩ Nhung là giám sát chặt chẽ từng thao tác, các công đoạn trong quá trình điều trị người bệnh nhằm hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm virus cho mọi người.

Trước lúc chị “ẩn mình” trong lớp áo bảo hộ cấp 4 và kính chắn giọt bắn kín mít, chúng tôi kịp nhận ra gương mặt tròn, phúc hậu của bác sĩ Nhung. Trên gương mặt tươi tắn ấy là đôi mắt biết cười nhưng đã có thêm những quầng thâm vì nhiều đêm thức trắng.

Từ hôm thành lập Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19 đến nay, chị và đồng đội ít khi ngủ đủ giấc. Các kíp trực “3 ca, 4 kíp” đan xen, kéo dài.

Có hôm hết trực đêm, bàn giao ca xong là 8 giờ sáng, về tới nơi ở, chị lại tranh thủ tự rút kinh nghiệm, nghiên cứu lại các quy trình và công việc của mình để thực hiện tốt hơn, vì sự an toàn của các đồng nghiệp và người vào bệnh viện.

Chúng tôi theo Đại úy Lê Thị Thùy Nhung đi qua tấm cửa kính ngăn, tiến vào khu điều trị. Mấy điều dưỡng viên đang phân loại vật tư, qua lớp cửa kính, ngơi tay khẽ chào. Thùy Nhung gật đầu rồi làm động tác chỉ vào tay của họ. Tò mò, chúng tôi hỏi, như vậy là muốn nói điều gì? Bác sĩ Thùy Nhung giải thích: “Tôi ra hiệu cho các điều dưỡng viên kiểm tra lại găng tay.

Bởi đây là bộ phận tiếp xúc với thuốc men, vật tư nên rất dễ bị rách, nguy cơ nhiễm virus”. Một lúc lại thấy “bà la sát” dừng lại, ra hiệu cho bác sĩ điều trị chỉnh lại kính chắn giọt bắn, rồi tiếp tục đi dọc hành lang, qua các buồng bệnh, vừa đi vừa quan sát tỉ mỉ.

Công việc của Đại úy, bác sĩ Lê Thị Thùy Nhung là vậy, rất lặng lẽ và nghiêm túc. Trong khu điều trị, các thầy thuốc cũng hạn chế nói chuyện với nhau mà chủ yếu trao đổi thông tin bằng cách... ra dấu.

Chuẩn bị tiêm thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch.
Chuẩn bị tiêm thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch. 

Qua bác sĩ Nhung, chúng tôi biết có hai lý do phải làm vậy. Một là các buồng bệnh được ngăn cách bằng vách kính nên khó nói chuyện. Hai là cần hạn chế nói để tránh tối đa việc có giọt bắn vào không khí, giảm nguy cơ virus SARS-CoV-2 lan truyền. Đó là chưa kể tới việc cần tiết kiệm sức cho một kíp trực dài.

Bác sĩ Lê Thị Thùy Nhung là người duy nhất được giao nhiệm vụ giám sát về nhiễm khuẩn ở đây. Cũng vì thế mà công việc của “bà la sát” khá nặng, mỗi ngày phải dùng cả chục bộ quần áo bảo hộ. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, bác sĩ Nhung giải thích: “Đó là do đặc thù nhiệm vụ thôi anh.

Ở trung tâm này có 3 khu điều trị. Mỗi khu, tôi dành khoảng một giờ để theo dõi, giám sát và nhắc nhở. Sau đó sẽ phải ra phòng khử khuẩn, thay bộ mới để tiến hành giám sát ở khu tiếp theo”.

Chúng tôi đã tác nghiệp ở nhiều vùng dịch, nhiều lần phải mặc đồ bảo hộ, nên rất hiểu chỉ riêng việc phải liên tục thay ra, mặc vào bộ đồ bảo hộ phòng dịch này cũng đã nhọc nhằn thế nào. Hơn nữa, việc của bác sĩ Nhung chủ yếu là đi lại và quan sát, nên mỗi ngày đoạn đường đi bộ của chị có khi lên đến cả chục cây số.

Giải thích về việc phải di chuyển liên tục và kiểm soát phòng dịch chặt chẽ, Đại úy Lê Thị Thùy Nhung cho biết: Trong lúc mải mê làm việc, các thầy thuốc thường quên để ý phòng dịch.

Đặc biệt, sau hơn 10 giờ làm việc liên tục, lúc kết thúc ca trực, các thầy thuốc đều đã mệt mỏi nên thao tác sát khuẩn, cởi bộ đồ bảo hộ có thể thiếu chính xác, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao. Chính vì thế, người kiểm soát nhiễm khuẩn phải theo dõi sát sao để nhắc nhở, hướng dẫn đồng nghiệp bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Thì ra, càng “bà la sát” thì bác sĩ Thùy Nhung càng được mọi người quý mến.

Từ đầu câu chuyện, bác sĩ Lê Thị Thùy Nhung thường nhắc đến “anh Bình”. Đây có lẽ là người thầm lặng nhất trong một kíp trực tại Khoa Điều trị bệnh nhân nguy kịch. Anh là Trung úy Nguyễn Ngọc Bình, hộ lý Khoa Gây mê hồi sức.

Y công Nguyễn Ngọc Bình lặng lẽ, miệt mài với công việc sát khuẩn trong khu điều trị.
Y công Nguyễn Ngọc Bình lặng lẽ, miệt mài với công việc sát khuẩn trong khu điều trị.

Cùng “đầu quân” về Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19 đảm nhận phần việc của một y công như anh còn có 4 đồng đội khác, thế nhưng thấy anh có sức khỏe khá hơn nên cấp trên giao phụ trách ở khu bệnh nhân nguy kịch, bám theo kíp trực trọn cả ca từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ.

Thông thường ở khu điều trị này, trước khi bước vào ca, các thầy thuốc sẽ dùng bút dạ ghi lên lưng áo và trước ngực bộ đồ bảo hộ tên mình, nhiệm vụ trong kíp trực để tiện phân công, hiệp đồng, triển khai công việc.

Riêng anh Bình, trên ngực áo chỉ viết mỗi tên. Chúng tôi hỏi thì anh giải thích: Trong khu điều trị chỉ mình anh tên Bình, chuyên làm một công việc nên mọi người đều biết, không cần ghi nhiệm vụ.

Trong kíp trực, y công Nguyễn Ngọc Bình phải luôn tay làm việc bởi toàn bộ buồng bệnh và các trang, thiết bị, y cụ do mình anh sát khuẩn. Bên cạnh đó, lượng chất thải y tế nhiều, virus bám trên bề mặt ở Khoa Điều trị bệnh nhân nguy kịch rất lớn.

Hơn nữa, ở đây, có nhiều vật dụng sắc, nhọn, thô ráp, nếu không cẩn thận, quá trình thao tác sẽ bị rách bao tay, nguy cơ nhiễm virus rất cao...

Thông thường, ở các bệnh viện, những việc này do hộ lý nữ đảm nhận bởi đặc thù về giới, họ sẽ tỉ mỉ hơn. Thế nhưng, trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, việc mang mặc đồ bảo hộ kín mít, nóng nực, chật chội, đi lại liên tục giữa các buồng bệnh, các tầng trong nhiều giờ liền, sức của hộ lý nữ sẽ khó đáp ứng.

Đêm dần tan, một ngày hy vọng mới lại tới. Đại dịch Covid-19 rồi sẽ qua. Bởi, đang có rất nhiều con người như bác sĩ Thùy Nhung, y công Nguyễn Ngọc Bình và biết bao y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế đang lặng lẽ mà quyết liệt, dốc toàn tâm, toàn lực ngày đêm “chiến đấu với giặc Covid-19”!

Chỉ chừng một giờ trong bộ quần áo bảo hộ, nhìn sang anh bạn đồng nghiệp, mồ hôi chảy thành dòng trên mặt. Phát hiện ra tủ đựng thuốc được bảo quản lạnh, anh tranh thủ ghé sát vào để hưởng tý hơi mát. Tôi cũng chẳng khá hơn, mồ hôi chảy ròng ròng quanh người, ngứa ngáy, nhớp nháp, mà chẳng thể làm gì vì bộ đồ kín mít và quy định kiểm soát truyền nhiễm rất chặt chẽ. Bình thường tôi là người ưa dịch chuyển, vậy mà mới bước được lên tầng hai đã thở hổn hển. Mọi hoạt động đơn giản nhất trong bộ đồ bảo hộ đều trở nên khó khăn và tốn sức vô cùng. Vậy mà, các y, bác sĩ, điều dưỡng viên ở đây liên tục di chuyển như con thoi giữa các phòng điều trị suốt ca trực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.