Nhìn lại, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là thực hiện chính sách phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập tiểu học, phổ cập giáo dục THCS và tiến tới thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau 2020. Tuy nhiên, Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với cấp giáo dục tiểu học, còn học sinh THCS, trẻ em học mầm non 5 tuổi (thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Là cơ quan đề xuất chính sách, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu chính sách học phí từ cấp học mầm non đến phổ thông của 18 nước đại diện 4 châu lục (châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi) và đại diện cho các nước có thu nhập cao, thu nhập trung bình và thu nhập thấp.
Nghiên cứu cho thấy, có 4/18 nước miễn hoàn toàn học phí đối với tất cả các cấp học từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông; 6/18 nước miễn hoàn toàn học phí đối với giáo dục mầm non; 18/18 nước miễn hoàn toàn học phí đối với giáo dục tiểu học; 11/18 nước miễn học phí hoàn toàn đối với giáo dục THCS; 8/18 nước miễn học phí hoàn toàn đối với giáo dục THPT.
Bên cạnh chính sách miễn học phí, một số nước đã và đang thực hiện các chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho HS như cung cấp miễn phí sách giáo khoa, cấp miễn phí vở ghi bài, vở viết, giấy bút, hỗ trợ dụng cụ thể thao, hỗ trợ tiền đi lại cho học sinh...
Trong lớp học phổ cập của trẻ mầm non 5 tuổi |
Việc đề xuất không thu học phí đối với trẻ em 5 tuổi học tại các cơ sở giáo dục mầm non, HS tiểu học, HS THCS công lập và hỗ trợ kinh phí cho HS NCL không chỉ nhằm từng bước thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục, đặc biệt là chính sách phổ cập mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục mầm non; thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tạo điều kiện cho 100% trẻ 5 tuổi được học mầm non trước khi vào lớp 1. Thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển xã hội hóa, khuyến khích các loại hình trường NCL phát triển, đối xử bình đẳng giữa trường công và trường tư khi thực hiện các dịch vụ công thiết yếu do Nhà nước đảm bảo kinh phí.
Dù mức thu học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông hiện nay không cao, nhưng rõ ràng, việc không thu học phí THCS sẽ giảm bớt gánh nặng kinh tế đối với người dân có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, góp phần ổn định an sinh xã hội. Chính sách mới cũng tạo thêm cơ hội cho trẻ em học mầm non 5 tuổi, HS THCS được tiếp cận giáo dục, đặc biệt HS gia đình có thu nhập thấp, tiệm cận chuẩn nghèo. Qua đó khắc phục cơ bản tình trạng HS bỏ học, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Đáp ứng yêu cầu của xã hội và gia đình người học, chính sách mới nhân văn tác động tích cực đến chính sách xã hội hóa và việc phát triển cơ sở giáo dục mầm non NCL. Tạo điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư có đủ năng lực để đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục NCL.