Thành quả từ sự nỗ lực
Tiếp xúc với chúng tôi, thầy Văn Kỳ Thanh - Hiệu trưởng - cho biết: “Mặc dù đời sống của hầu hết phụ huynh còn khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp là chính nhưng rất quan tâm đến việc học tập của con em.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, nhiệt tình, chú trọng phát triển kỹ năng học bằng cách áp dụng thực hành và chính sự nỗ lực của HS nên chất lượng GD ngày càng ổn định và không ngừng nâng cao”.
Cũng theo thầy Thanh, nhiệm vụ chủ yếu của nhà trường là thực hiện công tác giảng dạy, GD cho HS bậc tiểu học theo đúng nội dung chương trình của Bộ GD&ĐT quy định; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể huy động 100% số trẻ trên địa bàn ra lớp, làm tốt công tác phổ cập GD và chống mù chữ; quản lý cán bộ giáo viên và tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học theo chỉ đạo cấp trên.
Cùng với đó là không ngừng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của HS, ứng dụng công nghệ thông tin, linh hoạt áp dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp nhằm tạo hứng thú cho HS trong quá trình tiếp nhận kiến thức.
Song song với đó, giáo viên còn chú trọng việc thực hiện thăm lớp, dự giờ học tập lẫn nhau để nâng cao công tác chuyên môn, nhất là trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI; trong đó có việc chú trọng và nghiêm túc trong việc áp dụng Thông tư 30/2014/TT- BGDĐT quy định đánh giá HS tiểu học của Bộ GD&ĐT.
“Chính sự nỗ lực của thầy trò, sự phân hóa đối tượng trong dạy học, sự quan tâm đồng bộ của các cấp, các ngành nên nhiều năm qua chất lượng giảng dạy đạt kết quả cao, là đơn vị dẫn đầu về tỉ lệ HS giỏi trên địa bàn huyện và được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đầu tiên của huyện từ năm 2001” - Thầy Thanh cho hay.
Sôi nổi hoạt động văn hóa dân gian
Bên cạnh đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, nhà trường còn luôn hướng dẫn HS trong công tác tự học, tự rèn luyện đạo đức, GD kỹ năng sống cho học sinh ở trường cũng như ở gia đình, xã hội.
Thầy Thanh chia sẻ, một trọng những yêu cầu đặt ra là Tổng phụ trách Đội thường xuyên tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm phát huy sự tham gia tích cực của HS.
Đặc biệt, nhà trường tổ chức sưu tầm các làn điệu dân ca ở địa phương trong cán bộ giáo viên, HS nhằm góp phần trong việc GD thẩm mỹ, phát triển hài hòa giữa tri thức và đời sống văn hóa của HS.
Trao đổi về các vấn đề liên quan đến hoạt động văn hóa dân gian, thầy Bùi Đức - Phó Hiệu trưởng, Trưởng ban hoạt động ngoài giờ lên lớp của nhà trường - cho biết, nhà trường chủ động phối hợp với ngành Văn hóa thông tin các cấp mở rộng mạng lưới thư viện trường học, sử dụng có hiệu quả thư viện và bảo tàng ở địa phương.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức cho các em đi tham quan một số di tích gần gũi ở địa phương như: Tượng đài chiến thắng Cấm Dơi (thị trấn Đông Phú, Quế Sơn), khu di tích lịch sử Đình làng Diên Lộc (xã Quế Minh, huyện Quế Sơn) nhằm GD truyền thống yêu nước và giá trị lịch sử cho các em. Từ đó giúp các em khắc sâu kiến thức, tạo hứng thú trong học tập, nhất là khi học môn Lịch sử.
Mặt khác, nhà trường còn chú trọng tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương, khu vực, đất nước dưới các hình thức: Đố vui dưới cờ, xem phim, tiểu phẩm giữa các nhóm, câu lạc bộ với nhau.
Qua đó, hình thành ở các em tinh thần tập thể, sự gắn bó, hợp tác và phát triển trí nhớ, trí tưởng tượng, hình thành ngôn ngữ, bước đầu yêu nền văn hóa dân tộc.