Moscow cân nhắc cấm xuất khẩu nguồn tài nguyên quan trọng sang phương Tây

GD&TĐ - Nga có thể chặn dòng chảy các nguồn tài nguyên quan trọng về mặt chiến lược đến các quốc gia mà họ cho là không thân thiện.

(Ảnh: Sputnik)
(Ảnh: Sputnik)

Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak đưa ra thông tin trên khi chính phủ cân nhắc các biện pháp đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Lệnh cấm có thể gồm "một danh sách lớn các sản phẩm có nhu cầu cao trên thị trường toàn cầu", ông Novak nói với các phóng viên bên lề Tuần lễ Năng lượng Nga hôm 26/9.

Mặc dù bộ trưởng không nêu rõ các sản phẩm cụ thể, nhưng danh sách này được cho là gồm các kim loại chuyển tiếp, đặc biệt là urani, niken và titan.

Theo Phó Thủ tướng, chính phủ Nga đang phân tích tính khả thi của các hạn chế để đảm bảo các ngành công nghiệp trong nước sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc hạn chế nguồn cung và sẽ tiếp tục phát triển.

"Có một phân tích cụ thể về tình hình trên thị trường thế giới và các cơ hội của Nga. Các đề xuất có liên quan sẽ được chuẩn bị trong tương lai gần" - ông Novak tuyên bố.

Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên nêu khả năng trên vào đầu tháng này.

Ông Putin yêu cầu chính phủ xem xét lợi và hại của việc hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng chiến lược quan trọng để ứng phó với lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ông lưu ý rằng mặc dù Nga hiện đang "hạn chế nguồn cung một số mặt hàng", nhưng nước này vẫn xuất khẩu nhiều sản phẩm ra thị trường thế giới, cho phép cả bạn bè và đối phương tích trữ chúng.

Tổng thống cho rằng có lẽ Nga nên cân nhắc một số hạn chế nhất định, đồng thời gợi ý rằng biện pháp này có thể liên quan đến xuất khẩu urani, titan và niken.

Thị phần urani làm giàu của Nga ước tính chiếm khoảng 40%. Nhiên liệu này rất quan trọng đối với sản xuất điện hạt nhân dân sự và vũ khí hạt nhân quân sự.

Mặc dù Mỹ đã chính thức cấm nhập khẩu urani của Nga đầu năm nay, nhưng họ đã đưa ra một lệnh miễn trừ cho phép mua hàng này do lo ngại về nguồn cung cho đến năm 2028.

Theo cổng thông tin Công nghệ khai thác có trụ sở tại Anh, Nga là 1 trong 10 nhà sản xuất niken lớn nhất, một thành phần quan trọng trong sản xuất năng lượng sạch.

Nga cũng là nhà sản xuất titan lớn thứ 3 thế giới, 1 thành phần quan trọng đối với ngành hàng không vũ trụ. Bất chấp một số cuộc tranh luận, phương Tây đến nay còn do dự trừng phạt titan của Nga, vì cả EU và Mỹ vẫn tiếp tục phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung của quốc gia này.

Theo một báo cáo trước đó của tờ Washington Post, cả các công ty Mỹ và châu Âu đã mua hàng trăm triệu USD titan kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine năm 2022.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.