(GD&TĐ) - Tà áo trắng và ánh nắng chói chang của mùa hè đem theo sắc rực rỡ của những cánh phượng thấp thoáng trên vòm cây quanh trường học đã để lại trong lòng tôi cũng như các bạn đã qua tuổi học trò chút rạo rực, nuối tiếc và mong nhớ về một thời đã qua. Giờ đây, những kỷ niệm đó lại ùa về mỗi khi tôi có dịp gặp lại bạn bè dưới mái trường xưa… Đó là lời tâm sự của cô giáo Trần Kim Phượng - GV Trường THPT Bình Lục A (Hà Nam).
Ảnh MH |
1. Cách đây 5 năm, tôi mới có dịp trở lại trường xưa nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường. Tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm xưa và người bạn cũ. Cách đây 20 năm, cũng khoảng thời gian này, số phận nghiệt ngã đã cướp mất Nghĩa - một người bạn thân thiết của tôi.
Tôi và Nghĩa biết nhau từ đầu năm cấp 3 khi cả hai đứa vừa bước vào lớp 10. Nhà tôi và nhà Nghĩa cách nhau cả chục cây số, không cùng đường đi học nên cũng ít chuyện trò. Ngày nhận lớp, hai đứa được phân công ngồi cùng bàn nhưng tôi cũng ít tiếp xúc với Nghĩa vì tôi nghĩ Nghĩa học giỏi, kiêu nên ngại.
Trong lớp, Nghĩa thuộc nhóm học chăm và giỏi đều các môn nên rất hay phát biểu ý kiến. Còn tôi học dốt các môn Toán, Lý, Hóa nên cứ đến các giờ này thì sợ run bắn. Nhưng cũng vì thế mà tôi đã được cô chủ nhiệm xếp cho ngồi cạnh Nghĩa –để tiện giúp đỡ tôi. Được ngồi cạnh bạn học giỏi như Nghĩa lại càng làm cho tôi ức chế hơn và tỏ ra tự ti và xấu hổ. Lúc đó Nghĩa dường như hiểu được tâm trạng của tôi. Bạn đã rất tế nhị, ân cần và tự chủ động bắt chuyện, làm thân để giúp đỡ, chỉ bảo cho tôi những bài tôi chưa hiểu. Những cử chỉ thân thiện và nhiệt tình đó đã khiến tôi rất xúc động và biết ơn bạn.
Nghĩa lúc đó là thần tượng của không ít bạn trong lớp và cả khối lớp 12 lúc đó. Khi được biết về hoàn cảnh của Nghĩa, tôi càng khâm phục bạn hơn. Nghĩa mồ côi cha từ lúc 3 tuổi. Mẹ Nghĩa là cô giáo cấp 1, ở vậy nuôi con nhưng vì thương nhớ bố Nghĩa nhiều và thương Nghĩa thiệt thòi nên bà cũng ốm đau luôn. Lương giáo viên lúc đó ba cọc ba đồng không đủ nuôi con nên hai mẹ con đã nhận thêm mấy sào ruộng khoán để tăng gia sản xuất thêm lấy gạo, rau ăn hàng ngày. Ngoài giờ học trên lớp, Nghĩa là lao động chính trong việc đồng áng vì mẹ ốm đau luôn và còn bị bệnh khớp không thể làm ruộng được. Vậy mà Nghĩa vẫn học rất giỏi.
2. Năm lớp 12, thầy giáo dạy môn tiếng Anh cho lớp tôi là thầy Đồng. Một lần, thầy vừa bước vào lớp thì có ai đó bắn lên phía bục giảng một tờ giấy vo viên trong đó viết dòng chữ: “Cu K L M” tức là thầy Đồng không có lông mày. Thầy bực lắm, suốt cả một tiết học thầy không giảng bài mà chỉ truy ra bằng được xem ai đã làm việc đó. Học trò ở dưới sợ xanh mắt mèo nhưng hết một tiết vẫn chưa tìm ra được bạn nào đã viết dòng chữ đó. Những buổi học sau, chúng tôi cảm nhận không khí trong lớp trở nên nặng nề, gượng gạo vô cùng.
Một vài tuần sau, thầy bị ốm, cả lớp kéo nhau đến nhà thăm thầy. Lúc đó, Nghĩa đã cúi đầu nhận lỗi với thầy. Bạn nói rằng: Bạn rất thích biệt danh đó của thầy. Bạn biết được biệt danh ấy từ các anh chị khóa trước truyền lại và rất thích thú nên đã tìm cách trêu thầy. Hôm đó bạn đã bí mật viết ra giấy dòng chữ đó, đợi lúc thầy đang viết bảng đã bắn vào lưng thầy. Tưởng là thầy sẽ cười xòa và sẽ pha trò về biệt danh mà học trò đã đặt cho mình, nào ngờ thầy nổi giận nên lúc đó bạn rất sợ và không dám nhận. Bạn đã vô cùng áy náy, hối hận về việc mình đã làm.
Trước sự thú tội một cách bất ngờ và trong tình huống đó, thầy cũng vui vẻ tha thứ cho bạn và cả lớp. Sau mấy ngày nghỉ ốm, thầy trở lại lớp. Kể từ đó, tình cảm thầy trò càng thân thiết hơn. Và giờ học tiếng Anh của thầy rất sôi nổi. Nghĩa bao giờ cũng là hạt nhân nổi trội của lớp và được thầy rất yêu mến.
Và cũng từ đó, tôi càng quý mến Nghĩa nhiều hơn. Tôi đã chủ động bắt chuyện và làm thân với Nghĩa, hỏi Nghĩa cách làm bài mỗi khi gặp bài khó. Và tôi đã phát hiện ra Nghĩa rất hòa đồng và quan tâm, giúp đỡ đến các bạn học kém trong lớp. Được Nghĩa giúp đỡ học các môn tự nhiên, tôi đã dần dần hiểu bài hơn, tự tin hơn, thân thiện với các bạn trong lớp hơn.
Tuổi học trò - Một thời khó phai |
3. Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã đến, mọi người ai cũng bận rộn ôn tập cho kì thi tốt nghiệp và xa hơn nữa là kì thi vào đại học thì đột nhiên, vào một buổi sáng đến lớp, tôi thấy lớp học trầm lắng và buồn bã, không ai nói với ai câu gì... Và tôi nhận được tin: Nghĩa gặp tai nạn khi đang trên đường đi học về nhà và đã tử vong trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu tối qua...
Khi đó tôi không tin vào chính mình nữa. Mặc kệ buổi học hôm đó, tôi chỉ kịp báo cáo lớp trưởng cho tôi nghỉ và lao như bay đến nhà Nghĩa xem thực hư thế nào. Nhìn thấy mẹ Nghĩa vật vã trong nhà, lòng tôi nhói lên từng cơn đau, nước mắt cứ tuôn ra không ngớt.
Tôi chạy lại phía mẹ Nghĩa và thốt lên những câu hỏi không có chủ định: Làm sao mà Nghĩa lại có thể chết được chứ? Bạn đã nói với cháu là sẽ thi tốt nghiệp đạt điểm cao nhất và sẽ tập trung ôn thi đại học để giành ngôi thủ khoa Trường đại học Sư phạm Hà Nội kia mà. Sao bạn ấy lại ra đi được...? Tôi chết lặng đi khi nghe tiếng gào khóc gọi tên con thảm thiết của người mẹ. Tôi bước đi như vô định khi tiến lại gần nơi quàn xác bạn. Đúng Nghĩa rồi! Người trong ảnh kia đúng là Nghĩa nhưng người nằm kia... tôi không tin và vẫn hy vọng không phải là bạn. Nhưng... trời ơi, tôi chỉ biết ngậm ngùi đứng bên, không sao ngăn được những dòng nước mắt.
Sự ra đi đột ngột của Nghĩa đã làm cho cả lớp tôi trầm lắng hẳn. Trầm lắng bởi sự xót thương bạn và cũng bởi vì người mà hàng ngày làm cho không khí của lớp vui nhộn, ấm cúng đã không còn nữa.
Giờ đây, mỗi khi lớp chúng tôi có dịp gặp lại nhau, đứa nào cũng vẫn rất vô tư, hồn nhiên và vui hơn vì đã có chút thành đạt trong cuộc sống và công việc. Nhưng đứa nào cũng rưng rưng khi nhắc tới Nghĩa. Miền ký ức tươi đẹp của thời đi học và tình bạn trong sáng vô tư lại ùa về...
Bạch Liên