Mong manh giải pháp hòa bình cho Syria

Mong manh giải pháp hòa bình cho Syria

(GD&TĐ) - Kết thúc 3 ngày đàm phán tại Geneva, Moskva và Washington đã đạt được thỏa thuận có thể được coi là bước ngoặt của cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm ở Syria. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đánh giá cuộc đàm phán là “tuyệt vời”. Tại Geneva, Nga và Mỹ đã thỏa thuận phá hủy vũ khí hóa học của Syria “càng nhanh càng tốt”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry yêu cầu phải hoàn tất việc này vào giữa năm 2014 và phải bắt tay vào việc phá hủy các thiết bị sản xuất vũ khí hóa học vào tháng 11 năm nay. Kế hoạch là vậy nhưng thực hiện mới là điều còn lắm gian nan.

“Geneva - 1,5” kết thúc như mong đợi

Cuộc họp chuẩn bị cho đàm phán “Geneva-2” vừa kết thúc tại Geneva được các nhà phân tích gọi vui là “Geneva-1,5” đã thành công tốt đẹp. Không thành công sao được khi các bên đang ở hai đầu chiến tuyến, khi đạn đã lên nòng bỗng ngồi lại với nhau bàn về giải pháp hòa bình cho Syria.

Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh rằng hành vi sử dụng vũ khí hóa học ở Syria sẽ được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xem xét. Trên cơ sở kế hoạch đã thỏa thuận của Nga và Mỹ, Hội đồng này sẽ đưa ra nghị quyết. Còn Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định, nếu Syria không tuân thủ nghị quyết này rất có thể sẽ phải sử dụng đến vũ lực. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, với tư cách sở hữu quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc Nga sẽ ủng hộ nghị quyết này. Tuy nhiên, ông Lavrov khẳng định các giải pháp đạt được cần phải hợp pháp hóa.

Thông cáo của “Geneva-1,5” gồm 4 điểm chính:

Thứ nhất, Nga và Mỹ cam kết hợp tác nhằm tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria một cách an toàn nhất. Để làm được điều này, trong 1 tuần, Chính phủ Syria phải cung cấp một danh sách đầy đủ các loại vũ khí này - John Kerry tuyên bố.

Thứ hai, các thanh tra vũ khí hóa học được phép làm việc tại Syria, đảm bảo vũ khí hóa học sẽ được tiêu hủy hoặc đưa ra khỏi Syria vào giữa năm 2014.

Thứ ba, “chúng tôi quyết định không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột ở Syria mà thay vào đó là giải pháp chính trị. Cần phải có đội ngũ các nhà đàm phán. Chúng tôi cam kết điều này”- John Kerry nói.

Thứ tư, trách nhiệm chính trong việc bảo vệ an ninh cho việc giải giáp vũ khí hóa học là chính quyền Syria. Tuy nhiên, họ không đơn độc, phe đối lập cũng phải chịu trách nhiệm về việc đảm bảo an ninh cho các nhân viên quốc tế - Sergei Lavrov khẳng định.

Trên cơ sở kế hoạch Nga -Mỹ về vấn đề vũ khí hóa học ở Syria sẽ soạn thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc theo điều 7 của hiến chương của tổ chức này, trong đó có việc sử dụng vũ lực trong trường hợp Syria không tuân thủ.

Theo Itar-TASS, thông cáo cuối cùng của cuộc họp khẳng định vũ khí hóa học phải đưa ra khỏi Syria để tiêu hủy. Ông Lavrov hy vọng Syria sẽ bắt đầu thực hiện cam kết giải trừ vũ khí hóa học trong vòng 30 ngày, có nghĩa là họ phải thực hiện trước khi cam kết có hiệu lực. Với mỗi thỏa thuận, ông Lavrov hứa sẽ được thông qua bằng một “tài liệu pháp lý mang tính ràng buộc”. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama hoan nghênh những tiến bộ đạt được giữa Mỹ và Nga, ông khẳng định: “Đây là bước đi quan trọng và cụ thể để đặt vũ khí hóa học của Syria dưới tầm quyển soát của cộng đồng quốc tế tiến tới tiêu huỷ chúng”.

x
John Kerry và Sergei Lavrov tại Geneva

Những khó khăn đang còn ở phía trước

Theo các nhà phân tích, việc kiểm soát và tiêu huỷ vũ khí hóa học ở Syria không phải là chuyện một sớm một chiều. Đã thế, Syria đang trải qua cuộc nội chiến khốc liệt, việc thu thập, tiêu huỷ vũ khí hoá học sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả Mỹ, khi tiêu huỷ vũ khí hoá học họ cũng phải mất 2 năm trời và như vậy, hạn chót cho Syria vào giữa năm 2014 là quá gấp gáp. Ấy là chưa kể trong quá trình thực thi kế hoạch của Nga - Mỹ, những trở ngại phát sinh đều có thể đến từ các bên liên quan. Bằng chứng là khi kế hoạch này còn chưa có hiệu lực, những đe doạ đổ vỡ của nó đã rập rình.

Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Pháp Francois Holland, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Anh William Hague vào hôm thứ hai (16/9) đã đưa ra tuyên bố chung rằng Mỹ, Anh, Pháp yêu cầu phải có một nghị quyết mạnh mẽ của Liên Hợp Quốc, định ra những hạn chót rõ rệt, có tính ràng buộc pháp lý để Syria từ bỏ vũ khí hoá học của họ.

Ngay lập tức Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, tuyên bố của các nước phương Tây về sự cần thiết phải có một nghị quyết cứng rắn với Syria là “thực tế bị bóp méo”. Còn đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin hy vọng rằng nghị quyết về Syria sẽ bao gồm những thoả thuận của Nga và Mỹ ở Geneva vừa qua chứ không bổ sung thêm những điểm trong tuyên bố của Anh, Pháp, Mỹ. Như vậy, dự thảo nghị quyết về Syria của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang tiềm ẩn  mâu thuẫn từ trong trứng nước.

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thì thoả thuận Nga - Mỹ về tiêu huỷ vũ khí hóa học ở Syria không nhắc đến điều 7 trong hiến chương của Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, Sergei Lavrov cáo buộc những người đòi hỏi phải thông qua bản nghị quyết vào cuối tuần này là “không hiểu bản chất sự việc”. Bất đồng giữa Nga và phương Tây còn thể hiện trong việc đánh giá kết quả điều tra của các chuyên gia Liên Hợp Quốc về việc sử dụng vũ khí hoá học ở Syria ngày 21/8. Báo cáo của các chuyên gia không có kết luận cụ thể rằng ai (chính phủ hay phe đối lập) sử dụng vũ khí hoá học, nhưng phương Tây một mực quy trách nhiệm cho chính phủ Bashar Assad.

Nhìn chung, chặng đường giải giáp vũ khí hoá học ở Syria là rất chông gai, nó đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc từ các bên liên quan, đặc biệt là chính quyền Bashar Assad.

Anh Phương  (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ