Mong cho học trò nghèo Tu Mơ Rông có thêm nhiều “bữa cơm hạnh phúc”

GD&TĐ - Phim tài liệu “Những bữa cơm hạnh phúc” là một trong những tác phẩm đoạt thứ hạng cao Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam", với mong ước giản dị cho học trò nghèo Tu Mơ Rông…

Nhà báo Lê Thị Hương bên em bé Tu - Mơ - Rông. (Ảnh: NVCC)
Nhà báo Lê Thị Hương bên em bé Tu - Mơ - Rông. (Ảnh: NVCC)

Cảm phục tấm lòng các thầy cô

Đại diện nhóm tác giả thực hiện phim, nhà báo Lê Thị Hương chia sẻ: Tôi vốn xuất thân từ một nhà giáo. Khi chuyển công tác về Đài Truyền hình Việt Nam cũng gắn bó ngay với các chương trình giáo dục. 16 năm làm truyền hình, điều đặc biệt là “Những bữa cơm hạnh phúc” chính làchương trình phim tài liệu đầu tiên mà tôi thực hiện trong hành trình làm nghề của mình. Đây cũng là chương trình khiến tôi khóc rất nhiều, trong cả quá dựng và viết lời bình.

Khi được tiếp xúc với các em nhỏ nghèo ở Tu Mơ Rông, thấy các em thiệt thòi rất nhiều thì mới cảm nhận hết được các thầy cô thương yêu các em đến thế nào. Mình là người từ nơi xa đến, chỉ tiếp xúc với các em một thời gian ngắn nhưng rất yêu quý và rất thương các em thì mới lý giải được việc các thầy cô nghĩ ra những cách giữ chân học trò ở trường. Các thầy cô để tâm, yêu thương các em từ tận đáy lòng nên mới nghĩ ra được những cách để giúp đỡ các em dung dị mà thiết thực đến thế.

Học trò Tu Mơ rông.
Học trò Tu Mơ rông.

Học trò ở đây nghèo lắm, nhà cách trường khoảng 5 - 6 cây số nhưng hoàn toàn đi bằng đường bộ. Cứ tưởng tượng, các em mới học lớp 1 lớp 2, trèo hết con dốc này đến con dốc khác mới đến trường học sáng xong buổi trưa về nhà không có cơm ăn, đương nhiên là các em sẽ không muốn đến trường trở lại. Đây là cái lý do mà sĩ số chuyên cần rất thấp.

Nhìn ra được vấn đề này, thầy cô đã nghĩ ra cách góp tiền nấu cơm trưa cho các con ăn ở trường thì đương nhiên buổi chiều các con sẽ ở lại học. Một cách rất đơn giản nhưng phải thật thương các em thì mới có thể nghĩ ra và mới có thể duy trì được. Đáng khâm phục hơn là cuộc sống của các thầy cô cũng còn đang thiếu thốn rất nhiều mà các thầy cô vẫn sẵn lòng làm điều đó cho học trò của mình.

“Thật sự, khi biết được câu chuyện này, chúng tôi đã rất khâm phục, đã rất muốn vào ngay lập tức để xem những thầy cô này là con người như thế nào?, học trò là như thế nào vùng đất Tu Mơ Rông là như thế nào? nó khó khăn đến đâu? Chúng tôi đem cái tâm thế đó để đi vào Tu Mơ Rông để thực hiện chương trình này” – nhà báo Lê Thị Hương chia sẻ.

Nhà báo Lê Thị Hương chia sẻ thêm: Khi đến Tu Mơ Rông, năm sáu ngày trời chúng tôi ở đó trời mưa tầm tã. Chúng tôi vẫn ngày ngày cùng các thầy cô mặc áo mưa đi bằng xe máy từ ngoài trung tâm huyện đi vào đến điểm trường, rồi lại đi vào các thôn bản. Đường xa, trắc trở, mưa ướt xuyên cả vào trong người, lạnh buốt tay, gió rừng, mưa rừng nhưng mà vẫn cảm thấy ấm trong lòng. Vì chúng tôi nghĩ, câu chuyện của mình đang làm có thể sẽ có một cái tầm ảnh hưởng nào đó, sẽ đem lại một cái điều gì đó, lan tỏa trong xã hội và đem lại những điều tốt đẹp cho những em nhỏ người nghèo đang ở vùng Tu Mơ Rông này.

Bên bếp ăn của thầy A Phiên...
Bên bếp ăn của thầy A Phiên...

Tôi mong trở lại Tu Mơ Rông với giọt nước mắt hạnh phúc

Phim tài liệu “Những bữa cơm hạnh phúc” củanhóm tác giả: Lê Thị Hương, Nguyễn Phương, Hồ Nữ Thị, Nguyễn Đình Hoàn - Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam.

Về lý do chọn Tu Mơ Rông để làm phim tài liệu, nhà báo Lê Thị Hương kể: Qua tìm hiểu thông tin để làm phóng sự cho chương trình Truyền hình trực tiếp “Thay lời tri ân” năm 2020 với chủ đề Hạnh phúc, chúng tôi biết được câu chuyện Các thầy cô góp tiền nấu cơm nuôi học trò... Các thầy cô thực sự cảm thấy hạnh phúc khi giúp được học sinh của mình... còn các em hạnh phúc khi đc chăm sóc. Bởi vậy, chúng tôi bắt đầu xây dựng kịch bản để làm phim tài liệu này để trở lại với thầy trò Tu Mơ Rông...

Nhà báo Lê Thị Hương chia sẻ: Khi làm chương trình hoặc viết được một tác phẩm, bản thân tác giả không bao giờ nghĩ mình phải đạt được giải này kia mà chỉ mong thông điệp mà mình muốn gửi đến khán giả được thể hiện một cách rõ nhất để họ hiểu được câu chuyện mình đang muốn kể. Điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất khi làm phim này là cảm phục thầy cô và thương các em học sinh thật nhiều.

Dù khốn khó nhưng những đứa trẻ ở đây cũng rất hồn nhiên. Khi các thầy chăm sóc, được ăn bữa trưa nó hạnh phúc lắm. Ở trường vừa được ăn ngon vừa được ăn no. Nhìn những nụ cười của bọn trẻ cứ sáng lấp lánh lên, không thể nào quên được và đây cũng là lý do các thầy các cô càng gắn bó hơn với trường để được chăm sóc những em nhỏ này. Đây chính là lời tâm sự của những giáo viên có tuổi đời mới 19, 20 yêu trẻ mà tin rằng những nụ cười của các em nhỏ sẽ mãi trong tim giúp họ sẽ gắn bó với mái trường này mãi.

Sau Chương trình Thay lời tri ân năm 2020, nhiều ban ngành đã đi vào tận Tu Mơ Rông để tặng quà cho cô Hồ Thị Thuỳ Vân và thầy A Phiên là hai nhân vật chính trong phim cùng các thầy cô giáo và các em học sinh ở trong đó. Chúng tôi đã theo chân và trở lại Tu Mơ Rông và quay được cái kết hạnh phúc của bộ phim này.

Điều chúng tôi muốn lan toả trong phim này là mong có thêm nhiều sự chung tay, giúp sức cùng các thầy cô nấu được thật nhiều những bữa cơm hạnh phúc này để cho các con trẻ có cơ hội đến trường. Lớn hơn nữa, chúng tôi mong các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước cân nhắc cho các con chế độ ăn bán trú, để việc đến trường của các con dễ dàng hơn…

Đoàn phim trên cung đường đến với học trò nghèo Tu Mơ Rông.
Đoàn phim trên cung đường đến với học trò nghèo Tu Mơ Rông.

Tham gia và dành Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" là một vinh dự lớn cho những phóng viên theo dõi mảng giáo dục. Chúng tôi rất hạnh phúc bởi giải thưởng đồng nghĩa rằng sẽ có rất nhiều người biết đến câu chuyện này và một lần nữa nó lại được lan tỏa và khi nó đã được lan toả thì chắc chắn sẽ có một cái kết quả nào đấy đem lại cho các em nhỏ, nghèo người sẽ, đang ở Tu Mơ Rông. Chúng tôi mong, nhận được thật nhiều sự giúp đỡ, sự chia sẻ gửi đến cho các thầy cô và các học trò nghèo ở vùng đất TTu Mơ Rông. Mong Giải sẽ tiếp tục là nơi giao lưu, ghi nhận đóng góp của truyền thông cho sự phát triển chung của ngành giáo dục.

Cô Hồ Thị Thuỳ Vân - Trường Tiểu học Đăk Hà, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) nói: Không phải thấy nợ, thấy khó khăn mà không làm. Nợ vẫn phải làm, vẫn phải vay, vẫn phải chịu để làm sao nấu được cơm cho học trò để các em được đến trường đầy đủ. Với các em, những bữa cơm mà các thầy cô nấu cho các em, các em ăn vô cùng ngon và cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Chính những điều đó thúc đẩy các thầy cô phải nghĩ cách làm thế nào để có thể duy trì những bữa cơm hạnh phúc này cho các em.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ