Môn võ của “bùa chú”
Đến nay, có rất nhiều điều bí ẩn xung quanh Thất Sơn Thần Quyền vẫn chưa có lời giải.
Một điều đặc biệt là các môn đệ Thất Sơn Thần Quyền thường ít khi tập luyện công khai chốn đông người và cách thức tập luyện, những chiêu thức thường mang đậm màu sắc tâm linh huyền bí, rất khó để lý giải.
Chính vì yếu tố bí mật, không tiết lộ với giới “ngoại đạo” nên người ta đã gán cho Thất Sơn Thần Quyền đủ các loại biệt danh như: Võ bùa, võ ma, thần quyền… và biến nó trở thành một môn phái như dị giáo.
Theo những đệ tử Thất Sơn Thần Quyền, về mặt dương công (tức quyền pháp) thì môn võ này không có hệ thống quyền pháp cụ thể nào, không luyện tập binh khí cũng như thi đấu đối kháng. Người luyện tập không đánh theo khuôn mẫu nào cả.
Nhìn một người theo Thất Sơn luyện tập “múa may quay cuồng”, y như người “tẩu hỏa nhập ma”, nhưng ẩn chứa đằng sau đó là một sức mạnh khủng khiếp, chỉ cần lãnh một đòn, đối phương có thể nguy hiểm tính mạng.
Đặc biệt trước lúc xuất chiêu, các đệ tử Thất Sơn Thần Quyền phải đọc một bài thần chú để “nhập quyền”.
Tuy nhiên, không phải đệ tử nào cũng có cơ duyên được học “thần quyền”. Do đó khi vượt qua được 9 lời thề ban đầu của người học, sư phụ và học trò sẽ nhìn thấy cơ duyên của học trò đó có tiếp tục tiến tới những tầng tiếp theo của võ công Thất Sơn hay không.
Những “lời thề” nghe huyền bí nhưng thực chất là những nguyên tắc về “đạo” như: hiếu thảo với cha mẹ, không phản thầy, phản bạn, không ỷ mạnh hiếp yếu, không làm điều ác…
Khi tiếp xúc với 16 lời thề tiếp theo, môn sinh sẽ được đọc kỹ và nói chuyện với sư phụ để tiếp tục tiến đến những khóa luyện trì cao hơn.
Tới lúc đạt được đến những đỉnh cao hơn có thể thề đến hàng chục điều (cao nhất 55 điều).
Theo một số tài liệu, Thất Sơn Thần Quyền được chia làm 2 hệ chính là "Dương công" và "Âm công". Dương công thì tập trung vào các bài quyền cận chiến, các miếng đánh, chủ yếu rèn luyện tốc độ và nhanh nhẹn.
Còn Âm công thì luyện theo bùa hoặc theo câu niệm (tập trung vào ý chí người luyện võ), có thêm một số chi thì luyện thêm phần chịu đòn, dùng gậy hoặc dao chém vào cơ thể để luyện sự dẻo dai chịu đựng.
Âm công sử dụng sức mạnh tâm linh, ý chí nên khi ra đòn thường không theo chiêu thức nào nhất định cả.
Những khả năng “dị” khó tin
Khi đã “nhập” được quyền, đệ tử Thất Sơn Thần Quyền có thể đạt được những khả năng cực “dị” như bị đánh không biết đau, có thể dùng dao chém vào người, nhai thủy tinh, công phá gạch ngói, nâng vật nặng...
Đệ tử Thất Sơn thần quyền còn có thêm niềm tin rằng nếu ra sức luyện tập, đến một lúc nào đó có thể luyện thành “thần quyền”, sở hữu sức mạnh siêu phàm, giúp 1 đánh 10, thậm chí vài chục người.
Nhưng để đạt tới cảnh giới “vô lượng” như vậy, các đệ tử Thất Sơn sẽ phải trải qua quá trình khổ luyện rất gian khổ và phải có “duyên” mới gặp cơ may luyện thành.
Theo các đệ tử của môn võ này, khi luyện đến mức "nội công thâm hậu" thì sau khi “nhập quyền”, phía trước mặt sẽ xuất hiện một vòng tròn lượn lờ xung quanh. Người học chỉ cần tìm đúng tâm vòng tròn ấy rồi dùng chân, tay đấm đá là được.
Thậm chí các môn đệ Thất Sơn còn có thể truyền “nội công” cho nhau, hoặc có thể "đả thông kinh mạch" bằng việc đấm đá liên tục vào cơ thể…
Theo các môn sinh, khi họ ra đòn đều có câu "thần chú", điều này nhằm hợp sức mạnh của “bảy quả núi chụm lại”. Một khi đã dính phải quyền cước của họ tung ra thì có thể mất mạng.
Clip những pha biểu diễn của Thất Sơn Thần Quyền:
Theo một số đệ tử của Thất Sơn Thần Quyền, việc học pháp và tích đủ hạnh pháp có thể bấm huyệt chữa bệnh, nhất là các bệnh về khớp. Ngoài ra, họ còn có thể chữa đau mắt, đau răng, đau đầu, quai bị hay u nhọt…
Trong những trường hợp cấp cứu như ngất, co giật họ hoàn toàn có thể kiểm soát vấn đề rất nhanh. Bên cạnh đó, trong quyền thuật họ có thể học và sao chép rất nhanh thế võ của môn phái khác sau chỉ một lần nhìn.
Cho tới nay, vẫn chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh những khả năng này của các đệ tử Thất Sơn Thần Quyền.
Một số người gọi đó là những khả năng mang tính tiềm ẩn, có thể khai thác và thực hiện được khi người ta có niềm tin, tinh thần tốt.
Có lẽ chúng ta cũng nên nhìn nhận về Thất Sơn Thần Quyền như vậy thay vì những lý giải mang tính chất mê tín, dị đoan.
Kỳ lạ từ nguồn gốc
Cho tới nay, các nhà nghiên cứu võ thuật vẫn chưa thể hiểu được Thất Sơn Thần Quyền ra đời ở Việt Nam từ bao giờ và như thế nào.
Tất cả chỉ dừng lại ở những truyền thuyết trong dân gian, khiến cho môn võ này càng trở nên kỳ dị và khó giải thích.
Thất Sơn Thần Quyền tương truyền do một vị Sư tổ sáng lập, nhưng không rõ là người Việt Nam hay Tây Tạng, do có nhiều tin đồn khác nhau.
Tuy nhiên theo cố trưởng môn Nguyễn Văn Cảo cho biết, môn phái này có 3 vị Sư tổ, đều là người Việt Nam, cùng học Phật pháp tại vùng núi Thất Sơn sáng lập ra môn phái này.
Trước đó, cả 3 vị Sư tổ này đều theo học một môn phái của đạo Phật do một vị Sư giác ngộ người Thiên Trúc (Ấn Độ) sáng lập.
Nơi ông Cảo và các sư huynh đệ đã luyện tập trước đây là vùng Bảy núi thuộc tỉnh An Giang ngày nay (nên có tên là Thất Sơn).
Môn phái này là một dòng phái của Quán Thế Âm Bồ Tát cho nên, vị Thượng sư này được thờ tượng ở các bàn thờ của môn, ở vị trí cao nhất.
Có nhiều người cho rằng, Thất Sơn Thần Quyền của Việt Nam chẳng qua là môn Quyền thề của các đạo sĩ Trung Quốc.
Nhưng luồng ý kiến khác lại lý giải Quyền thề của Trung Quốc là môn phái lâu đời của các Đạo sĩ trong khi Thất Sơn Thần Quyền mới hình thành và xuất phát từ vùng núi Thất Sơn của tỉnh Long An trên cơ sở hệ phái Tì Ni Đa Lưu Chi kết hợp giữa Thiền tông và Mật tông.
Theo Trưởng môn nhân Nguyễn Văn Cảo, người Trung Quốc không có môn phái Thất Sơn Thần Quyền.
Trong số 3 học trò đầu tiên mà ông Cảo dạy có một người có nguồn gốc Trung Quốc là ông Hợi (học trò đầu tiên), hai ông tiếp theo là ông Cư và ông Mạc (người Phú Thọ).
Về sau Nguyễn Văn Cảo được mọi người tôn vinh là người sáng lập ra Thất Sơn Thần Quyền tại Việt Nam.
Cũng có một giai thoại khác nói về môn võ đầy bí ẩn này. Tương truyền khi xưa người dân sinh sống dưới chân núi Sam (Châu Đốc, An Giang) vẫn còn thấy một đạo sĩ gầy, râu tóc bạc phơ, tu luyện trong rừng sâu trên đỉnh núi.
Không ai biết thân thế, tên tuổi thật của ông. Chỉ thỉnh thoảng gặp và thấy ông không bao giờ rời lưng ngựa.
Ông trông rất ốm yếu nhưng lại cưỡi ngựa không yên cương. Dốc núi gập ghềnh đá, ông phải có sức mạnh phi thường mới có thể cưỡi ngựa lên đỉnh xuống vồ. Vì thế, người dân địa phương gọi đùa là ông Đạo Ngựa.
Một lần dong ngựa xuống núi đổi rau củ lấy gạo, bắt gặp một toán cướp dùng súng uy hiếp người dân, ông xuống ngựa can thiệp, bị toán cướp xông vào vây đánh.
Chỉ bằng một ngón tay, ông đã khiến một tên cướp trợn dọc mắt, ngã lăn bất tỉnh. Tên cướp khác toan nổ súng. Ông rùng mình một cái “bay” đến cạnh tên cướp tước súng rồi vung chân múa tay đánh gục hết những tên còn lại.
Xong, ông ung dung lên ngựa trở về núi. Biết chuyện, nhiều thanh niên thán phục, rủ nhau lên núi tìm ông xin học võ. Không ai tìm được nơi trú ẩn của ông. Về sau nhiều người cho rằng đây chính là nhân vật sáng lập ra Thất Sơn thần quyền.
Nhìn chung tới nay vẫn chưa có một tài liệu thực sự đáng tin cậy nào nói về sự ra đời của Thất Sơn Thần Quyền.
Những truyền nhân thực sự của môn võ đến nay cũng không còn nên những bí ẩn của Thất Sơn Thần Quyền gần như đã rơi vào quên lãng.