Món quà giá trị nhất

GD&TĐ - Cứ mỗi dịp cuối thu – đầu đông, khi trái bòng trái bưởi đã nặng tay, khi chùm ổi lúc lỉu trên cành đã đậm hương trong làn gió se cũng là lúc người ta hướng về Ngày nhà giáo Việt Nam, ngày thể hiện tấm lòng tri ân đối với những thầy cô làm sự nghiệp trồng người.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tháng 11 chạm ngõ, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ về những kỷ niệm trường lớp của tuổi học trò, nhất là những món quà dành tặng thầy cô trong dịp 20/11.

Nhớ hồi học cấp 1, lớp chúng tôi chẳng đứa nào có xe đạp, đứa nào cũng men theo đường làng ngõ xóm ra đường cái rồi cứ thế rảo bước đến trường trong làn bụi vẩn vơ. Chúng tôi háo hức đợi đến ngày 20/11 chẳng phải để được nghỉ học hay được ai đó tặng quà mà đơn giản chỉ là được túm tụm kéo nhau đến nhà cô giáo chủ nhiệm. Cả lớp chỉ có mỗi bó hoa tặng cô, vậy mà đứa nào đứa nấy chờ đợi nhau mãi cho đông đủ mới cùng dắt díu nhau đi. Bó hoa được chúng tôi nâng niu, giữ gìn như một vật báu trong suốt hành trình đi bộ đến nhà cô vui như trẩy hội.

Cầm bó hoa trên tay, một cảm xúc vừa thành kính, hồi hộp vừa tươi vui, rưng rưng đến khó tả. Sau khi nhận lời chúc và bó hoa tươi thắm, cô nở nụ cười thật tươi, xoa đầu từng đứa, rồi vui vẻ chuyện trò. Chúng tôi ngồi quây quần bên cô như những chú gà con ríu rít bên mẹ. Hơi ấm của tình yêu thương cứ thế lan tỏa.

Lên cấp 2, cấp 3, dịp 20/11 vẫn là những ngày vui như tết! Trong cái điệu mỗi đứa cưỡi trên một chiếc xe đạp, cả lớp lại “rồng rắn” đến từng nhà thầy cô. Chúng tôi đi xuyên qua những ngôi làng, nhà nối nhà thấp thoáng bên những vườn cây sum suê hoa trái, ngang qua những cánh đồng bờ nối bờ ngan ngát lúa non.

Quà tặng các thầy cô, ngoài những bó hoa tươi thắm còn là những món quà bình dị mà ý nghĩa được chúng tôi bọc cẩn thận trong những tờ giấy bóng đủ màu kèm theo những chiếc nơ có tua uốn cong cong tô điểm thêm trông thật xinh xắn. Công việc chọn mua và gói quà thường phân cho tụi con gái làm, còn mấy anh con trai trong lớp lại được giao nhiệm vụ bảo quản và mang quà đi.

Dù đứa nào trông cũng đã phổng phao nhưng vẫn còn trẻ con lắm, vẫn giữ cái vẻ bẽn lẽn, ngại ngùng mỗi khi đứng lên trao quà và chúc thầy cô nhân ngày nhà giáo. Hay có đứa còn chạy ùa ra vườn nhà thầy cô săm soi bấm từng trái ổi, trái hồng…

Có những năm, 20/11 đúng vào những ngày mưa gió, lụt lội, chúng tôi lại tổ chức ngày lễ ngay trên lớp học. Một nhóm những bạn khéo tay hay vẽ sẽ làm báo tường trên mặt bảng đen. Các bạn khác, người thì làm MC, người thì trang trí lớp học bằng những chiếc bóng bay hay những sợi dây kim tuyến, người thì bày biện trái cây, bánh kẹo sẵn sàng lên bàn...

Không khí lớp học chẳng khác một gia đình có đám cưới! Rồi khi thầy cô chủ nhiệm mới chạm bước vào cửa lớp đã được nghe cả lớp hát say sưa một bài hát về chủ đề nhà giáo. Càng ngỡ ngàng hơn là một không gian được trang hoàng ấm cúng, vui tươi. Khóe mắt thầy cô bỗng rơm rớm niềm xúc động khi cả lớp đứng dậy vỗ tay trước lời chúc chân thành và bó hoa tươi thắm lớp trưởng nhẹ nhàng trao gửi.

Dù chẳng phải những món quà to tát gì nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy thầy cô nở nụ cười hạnh phúc đến thế. Tình cảm thầy trò theo tháng năm vẫn như những sợi dây vô hình ngày thêm gắn bó bền chặt.

Lên đại học, ngày lễ 20/11 dành tặng các thầy cô thường được chúng tôi tổ chức bài bản, phong phú hơn. Ngoài những bó hoa, món quà được gói bọc trang trọng, lớp còn tự tổ chức những hoạt động bổ ích như làm sổ lưu niệm, làm clip, diễn kịch, chơi trò chơi hay thi cả nấu ăn… mà khi đó chính thầy cô sẽ là những vị giám khảo cầm cân nảy mực.

Dù mỗi người một quê nhưng ai cũng nhiệt tình tham gia, dệt nên những ngày tháng bên giảng đường không thể nào quên. Những ngày 20/11 cứ dần trôi đi bên những món quà, những kỷ niệm thân thương như thế. Và chúng tôi bây giờ, người đã là công an, bộ đội; người ra kinh doanh, buôn bán; người lại kế tục sự nghiệp trồng người...

Trong số những thầy cô giảng dạy, dìu dắt, tôi ấn tượng và biết ơn nhất đối với cô Len, một giáo viên dạy Văn và chủ nhiệm lớp những năm học cấp 2. Giọng cô truyền cảm. Văn cô ý tứ mạch lạc, rõ ràng. Cô là người luôn biết giơ cao đánh khẽ; biết động viên, khuyến khích kịp thời; biết quan tâm đến hoàn cảnh riêng của từng học trò trong lớp.

Mỗi năm đến ngày nhà giáo, kiểu gì tôi cũng gọi điện hỏi thăm, chúc sức khỏe cô. Tôi tỏ ra băn khoăn khi đã lâu không có dịp cô trò gặp lại, cũng chẳng có món quà gì giá trị tặng cô cả. Cô thì lần nào cũng vậy, vẫn giọng đầm ấm, nhẹ nhàng và câu nói quen thuộc: “Sự trưởng thành của các em là món quà giá trị nhất đối với cô rồi!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ