>>Vì môi trường học tập an toàn và bình đẳng, thân thiện và dân chủ
Hội nghị có sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển; bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng nhiều lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ Giáo dục – Đào tạo.
Hai năm chuyển biến bằng 30 năm
Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được Bộ Giáo dục – Đào tạo phát động từ giữa năm 2008. Qua hai năm triển khai, tại hầu hết các địa phương, phong trào đã được lồng ghép, tích hợp với các nội dung của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Hai không”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” cho các học sinh noi theo. Các trường học ngày càng thân thiện, xanh, sạch, đẹp và an toàn hơn.
Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố (theo báo cáo của các Sở Giáo dục – Đào tạo), trong năm học 2009 – 2010 có 1.475 trường cần cố gắng hơn nữa, 4.982 trường đạt trung bình, 11.712 trường khá, 11.847 trường tốt, 6.262 trường xuất sắc. Bộ Giáo dục – Đào tạo đã đề ra phương hướng triển khai phong trào thi đua trong năm học 2010 – 2011, trong đó tập trung vào 3 chủ đề chính là: Đi học an toàn, phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả tình trạng học sinh đánh nhau, hành vi bạo lực trong trường học; phòng ngừa tác động xấu của trò chơi trực tuyến (gameonline) và đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. |
Theo thống kê của Bộ Giáo dục – Đào tạo, đến nay điểm nổi bật ở hầu hết các trường học là đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc xã hội hóa, quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành để có được khuôn viên khang tràng, sạch đẹp, an toàn.
Trong đó, đặc biệt là các công trình vệ sinh, tường rào, cổng trường, đã được chỉnh trang ở hầu hết các nhà trường. Không khí thân thiện được tăng lên rõ rệt trong mối liên hệ giữa các thành viên trong trường, giữa nhà trường với gia đình, công đồng và chính quyền địa phương. Sự thân thiện này được biểu hiện qua các việc làm cụ thể, có hiệu quả để học sinh có được điều kiện tốt hơn trong học tập, rèn luyện và vui chơi.
Thư viện của trường TH Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) (ảnh:gdtd.vn). |
Theo thống kê, tổng số trường có khuôn viên cây xanh có quy hoạch, đảm bảo thoáng mát, luôn sạch đẹp là 31.002 trường, chiếm 71,53% tổng số trường trên toàn quốc. Nhiều trường đã trồng đủ trong khuôn viên nhà trường và đã mở rộng trồng cây ra ngoài nhà trường như trên đường đến trường, đất trồng, đồi núi phù hợp. Tổng số cây trồng mới (từ tháng 8/2008 đến nay) là: 18.277.564 cây các loại, tăng 16.046.917 cây. Số trường có công trình vệ sinh xây mới là 15.364 trường. Đa số các trường đã có nọi dung, chương trình và thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh về việc bảo vệ, xây dựng trường lớp xanh, sạch đẹp và an toàn…
Chủ trương thực hiện 3 đủ (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) được các địa phương thực hiện sáng tạo với nhiều hình thức phong phú. Một số địa phương gắn với việc phổ cập giáo dục, giao nhiệm vụ cho ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo… Đến nay đã có 38.350 báo cáo đảm bảo 3 đủ. Số học sinh bỏ học trong học kỳ I năm học 2009 – 2010 giảm 0,05% so với năm học 2008 – 2009.
Về dạy học có hiệu quả, số trường đã ứng dụng CNTT trong việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới hoạt động giáo dục cho học sinh là 31.486 trường, chiếm 72,67% tổng số trường đăng ký tham gia Phong trào. Tỷ lệ giáo viên dạy giỏi, đổi mới phương pháp tốt ngày càng tăng. Tính đến nay, số giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên là 131.017 người.
Về rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, sau hai năm đã có 38.484 trường đã xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa, chiếm 88,79%. Nhiều trường đã tổ chức các CLB, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp với nội dung giáo dục, rèn luyện các kỹ năng sống, ý thức bảo vệ sức khỏe, phòng chống tai nạn đuối nước, thương tích cho học sinh. Tổng số trường có CLB hoạt động là 25.389 trường, chiếm 58.58%.
Về tổ chức các hoạt động tập thể, các nhà trường đã phối hợp với các ban ngành , đoàn thể tổ chức các hoạt động vui tươi, lành mạnh. Theo thống kê, trên toàn quốc đã có 38.872 trường tổ chức thường xuyên các hoạt động tập thể, chiếm 89,69%...
Báo cáo sơ kết đánh giá, học sinh đã tích cực tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa. Nhiều nhà trường tổ chức để các em sưu tầm tư liệu và tính lịch sử về những di tích mà nhà trường đã nhận chăm sóc. Số lượng các di tích cấp Quốc gia được nhà trường nhận chăm sóc là 1.842 di tích trên tổng số 2.202 di tích. Số lượng di tích cấp tỉnh được chăm sóc là 3.382 di tích trên tổng số 4.847. Số lượng đền, đài được chăm sóc là 6.184 công trình. Số Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, liệt sỹ được chăm sóc, giúp đỡ là 20.460 trường hợp.
Cần có quy chuẩn đánh giá cán bộ quản lý và giáo viên
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sau hai năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nhưng kết quả đạt được khẳng định niềm tin tốt đẹp. Báo cáo của Bộ Giáo dục – Đào tạo là 71,53% các trường xanh sạch đẹp, thoáng mát có cây xanh, đây là điều rất đáng quý. “Vấn đề nhà vệ sinh (vấn đề nhức nhối) đến năm thi đua thứ hai đã có 92% số trường có nhà vệ sinh là rất quý. Vấn đề tồn tại 30 năm mà chỉ trong 2 năm đã giải quyết được” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, người đặt nền móng cho Phong trào (ảnh:gdtd.vn). |
Phó Thủ tướng cũng rất quan tâm tới số học sinh thiếu, đói, bỏ học. “88% trường học khẳng định không thiếu ăn, thiếu mặc, bỏ học là rất đáng mừng. Hiện nay, còn khoảng 5.000 trường chưa tuyên bố được số học sinh đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu nên bàn để có thể giải quyết được câu hỏi, Bao giờ học sinh đủ ăn, đủ mặc. Cùng đó, phải xem xét, vì sao các trường chưa dám tuyên bố lý do còn có hiện tượng học sinh thiếu đói, không đủ sách vở tới trường là vì sao? Một đất nước xuất khẩu gạo mà lại thiếu ăn?” – Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Để tiếp tục tạo động lực cho Phong trào thi đua, Phó Thủ tướng nêu sáng kiến, đầu tiên giáo viên phải được đánh giá đúng, cùng đó phải được khuyến khích động viên để phát huy hết hiệu quả. Trên cơ sở chuẩn giáo viên, rà soát lại quy trình đánh giá hiện nay, để sau mỗi năm học, mỗi giáo viên đều có bảng đánh giá về mình. Hiệu trưởng sẽ là người đứng ra, tự tin ký vào bảng đánh giá đó.
Cùng đó, cần có một quy trình chuẩn về đánh giá hiệu trưởng mà Phòng Giáo dục và giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo ký để nhận xét về hiệu trưởng. Nếu các Phòng, Sở Giáo dục – Đào tạo không ký, nghĩa là đã giao quyền cho hiệu trưởng, nhưng lại không buộc thầy hiệu trưởng làm nghĩa vụ, làm đúng trách nhiệm của mình. Phải thiết lập một hệ thống giáo dục mà sự lao động của giáo viên và hiệu trưởng được thi ết lập bằng văn bản công bằng, hiệu quả. Nên chăng những người được dạy thêm là những người có bản đánh giá tốt.
Học sinh phải là trung tâm của Phong trào
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Trưởng Ban chỉ đạo Phong trào thi đua (gdtd.vn). |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc trên cơ sở đã đạt được. “Qua báo cáo tổng kết và tài liệu Hội thảo ngay 18/9, và các báo cáo tại Hội nghị ngày hôm nay, tôi đánh giá cao đối với sự cố gắng, sáng tạo, chủ động của các Trường, Phòng, Sở, các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý...” – Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng cũng nhận xét, thứ nhất, sau 2 năm triển khai, Phong trào đã có tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ tuy không chuyên trách nhưng nhiệt tình, chủ động sáng tạo, tham gia chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào.
Thứ hai, Phong trào cũng đã huy động được một cách động bộ, có bài bản, có kế hoạch các tổ chức chính trị, xã hội, địa phứơng, trung ương, tham gia Phong trào một cách có hiệu quả.
Thứ ba, Phong trào đã làm thay đổi nhận thức giữa thầy và trò, nhận thức giữa nhà trường và xã hội, nhận thức của xã hội với nhà trường, với học sinh, giáo viên… đây là thuận lợi cho nhà trường và giáo viên.
Thứ tư, Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã được triển khai ở tất cả các bậc học từ MN đến THPT, ở tất cả các vùng miền, kể cả những trường rất khó khăn cũng triển khai Phong trào có kết quả, có sáng kiến, có những điển hình tốt… “Đây là những nhân tố căn bản tác động đến chất lượng giáo dục” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đưa ra một số hạn chế, thiếu sót mà bộ máy vận hành Phong trào cần khắc phục là: sau hai năm, chất lượng các trường học đã được chuyển biến rõ nét, thân thiện hơn. Nhưng vế sau là học sinh tích cực thì chưa có được nhiều điển hình. “Ngay cả việc khen thưởng sau hai năm thực hiện phong trào cũng chưa thấy khen thưởng học sinh” – Bộ trưởng băn khoăn.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận yêu cầu Phong trào cần quan tâm hơn tới chiều sâu. Móng chắc thì nhà mới vững bền. Nên một lúc nào đó Phong trào không cần phải chỉ đạo từ bên ngoài nữa, mà phải là tự thân vận động.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao bằng khen và phần thưởng cho các cơ sở giáo dục và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào (ảnh:gdtd.vn). |
Nhắc nhở về phương hướng sắp tới của Phong trào, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng cần quan tâm đến kỹ năng sống cho học sinh. Đẩy ra khỏi nhà trường và gia đình trò chơi điện tử bạo lực. Nếu đẩy trò chơi bạo lực ra khỏi cửa nhưng không trang bị cho học sinh kỹ năng phòng vệ thì cũng không có hiệu quả. Cùng đó, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” cũng cần lồng ghép với nhiều hoạt động khác nhau trong nhà trường, hoạt động bên ngoài để thêm phần phong phú.
Nhân dịp này, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã trao tặng bằng khen và phần thưởng cho các cơ sở giáo dục và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” hai năm qua.
Quang Anh