Mỗi trường cần có phòng học chức năng riêng cho môn Âm nhạc

GD&TĐ - Dự thảo chương trình sách giáo khoa mới các môn học đã được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Bộ môn Âm nhạc cũng có khá nhiều đổi mới. Tiến sĩ Trần Bảo Lân, giảng viên Khoa Nghệ thuật, Trường ĐHSP Hà Nội đã chia sẻ đánh giá và có những góp ý về môn học này.

Mỗi trường cần có phòng học chức năng riêng cho môn Âm nhạc

Phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất

Thưa Tiến sĩ, ông có thể chia sẻ về những thay đổi của bộ môn Âm nhạc trong Dự thảo chương trình sách giáo khoa mới. Điều này có vai trò như thế nào trong việc giáo dục HS một cách toàn diện về năng lực, phẩm chất?

Những thay đổi cơ bản trong chương trình sách giáo khoa mới môn Âm nhạc đó là: Chương trình được mở rộng cả về phạm vi và nội hàm: Lần đầu tiên chúng ta đưa bộ môn Âm nhạc vào cấp THPT, đưa môn Nhạc cụ, Hợp xướng vào nội dung giảng dạy. Chương trình vừa có hướng tích hợp (lý thuyết âm nhạc) vừa có hướng phân hóa (nhạc cụ), vừa có tính hướng nghiệp (âm nhạc trong cấp THPT). Đặc biệt chương trình được xây dựng theo tính năng động, linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh thực tế ở từng cơ sở khác nhau, lại có hướng mở để các tác giả viết SGK lựa chọn (tự lựa chọn bài hát, nhạc cụ...).

Có thể thấy các tiêu chí của chương trình được đưa ra khá rõ ràng nhằm tập trung phát triển năng lực thẩm mỹ và năng lực âm nhạc, bao gồm: Thể hiện âm nhạc, cảm thụ âm nhạc, phân tích và đánh giá âm nhạc, sáng tạo & ứng dụng âm nhạc. Dự thảo chương trình cũng có nhiều đổi mới về phương pháp dạy học (VD: Đọc nhạc theo ký hiệu bàn tay, bộ gõ cơ thể...) và đánh giá kết quả học tập (VD: cấp Tiểu học được đánh giá theo thang A, B, C, D..., các cấp THCS, THPT được đánh giá theo thang điểm số...). Ngoài ra, chương trình dự thảo còn có điều chỉnh một vài nội dung (hát, đọc nhạc, thường thức âm nhạc, câu chuyện âm nhạc...).

Tất cả những điều trên mang đến việc dạy và học âm nhạc tích cực và hiệu quả hơn. Cụ thể làm cho học sinh tiếp thu âm nhạc một cách chủ động và hào hứng hơn, tạo thêm nhiều điều kiện để phát hiện năng khiếu và bồi dưỡng tài năng âm nhạc. Giúp cho giáo viên chủ động hơn trong việc thiết kế bài giảng và tìm kiếm tư liệu giảng dạy. Đồng thời tránh được sự nhàm chán đơn điệu cho việc dạy và học.

Xin ông nói rõ về những nội dung giáo dục cốt lõi của Dự thảo chương trình Âm nhạc sách giáo khoa phổ thông mới?

Các nội dung cốt lõi trong Dự thảo chương trình Âm nhạc phổ thông bao gồm Hát là nội dung xuyên suốt, gồm: Bài hát tuổi học sinh, dân ca Việt Nam, bài hát nước ngoài, hợp xướng (Học sinh chỉ được học ở trường THPT). Nhạc cụ: Là nội dung mang tính phân hóa, gồm: Chơi tiết tấu (từ lớp 1), chơi giai điệu (từ lớp 4), chơi hòa âm (từ lớp 6). Tùy theo điều kiện thực tiễn của nhà trường và bản thân, giáo viên có thể dạy HS chơi nhạc cụ truyền thống dân tộc phổ biến ở địa phương, chơi bộ gõ cơ thể, nhạc cụ tự làm, hoặc một số nhạc cụ nước ngoài khác như: Recorder, harmonica, guitar, keyboard...

Đọc nhạc: Gồm các nội dung thuộc về đọc mẫu âm đơn giản giọng Đô trưởng theo ký hiệu bàn tay (từ lớp 1), đọc giai điệu ở giọng Đô trưởng theo ký hiệu ghi nhạc (từ lớp 4), đọc giai điệu ở giọng Đô trưởng hoặc La thứ (từ lớp 6)... Lý thuyết âm nhạc: Là những kiến thức cơ bản, phổ thông và mang tính ứng dụng, làm nền tảng cho các hoạt động thực hành âm nhạc. Chương trình không chủ trương học riêng về lý thuyết mà được tích hợp trong các nội dung hát, nhạc cụ, đọc nhạc. Học sinh chỉ học lý thuyết sau khi đã được trải nghiệm qua thực hành.

Cuối cùng Thường thức âm nhạc: gồm: Tìm hiểu nhạc cụ, câu chuyện âm nhạc, tác giả và tác phẩm, hình thức biểu diễn, thể loại và cấu trúc âm nhạc, âm nhạc và đời sống.

Dạy theo phương pháp tích hợp

Vậy tính kế thừa và tính khả thi của Dự thảo chương trình môn Âm nhạc mới đối với việc dạy và học âm nhạc trong các nhà trường hiện nay là như thế nào?

Chương trình mới kế thừa khoảng 60% nội dung chương trình hiện hành, gồm các phần: Mục tiêu, nội dung dạy học, chuẩn kiến thức và kỹ năng, phương pháp dạy học... Vì vậy, giáo viên âm nhạc hiện nay có thể đáp ứng được 60% về nội dung và yêu cầu của chương trình mới. 40% còn lại sẽ được hoàn thiện qua các đợt tập huấn tiếp theo. Kiến thức âm nhạc cũng được thiết kế dạy học theo phương pháp tích hợp, nên các tác giả biên soạn sách giáo khoa có thể giảm bớt thời lượng dạy học một số nội dung khác như: Ôn tập bài hát, lý thuyết âm nhạc, đọc nhạc.

Theo ông cần có sự đổi mới như thế nào trong phương pháp giảng dạy Âm nhạc của giáo viên?

Để Dự thảo được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn, giáo viên âm nhạc cần tiếp tục phát huy những ưu điểm về phương pháp dạy học đang vận dụng, đồng thời nên nhìn nhận tích cực trước sự thay đổi của chương trình môn Âm nhạc mới. Vì vậy các giáo viên âm nhạc cũng cần tham khảo một số phương pháp dạy học mới như: Đọc nhạc theo ký hiệu bàn tay, bộ gõ cơ thể, hát bè...

Điều kiện căn bản về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đáp ứng chương trình sách giáo khoa bộ môn Âm nhạc?

Về cơ sở vật chất: Mỗi trường cần có phòng học chức năng riêng cho môn Âm nhạc, với các nhạc cụ phổ thông có âm thanh chuẩn xác, ngoài ra là các nhạc cụ tự tạo và các đạo cụ đặc thù... Cần có không gian và thiết bị âm thanh. Đặc biệt để đảm đương tốt nhiệm vụ của mình, các GV phải được sự đồng tình, khích lệ, động viên từ phía nhà trường và phụ huynh.

Về đội ngũ giáo viên: Đòi hỏi GV phải có trình độ cơ bản về giáo dục phổ thông âm nhạc (tốt nhất là từ trình độ đại học Sư phạm âm nhạc trở lên). Và bản thân mỗi thầy cô giáo cần có tình yêu và niềm say mê với nghề nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ