Mối tình 54 năm của thượng tướng Lê Ngọc Hiền và vợ

Hơn 50 năm yêu thương nhau từ xa cách đến kề bên, vợ chồng bà Lương Ngọc Thư và cố thượng tướng Lê Ngọc Hiền viết cho nhau hơn 1.000 bức thư thể hiện nỗi nhớ mong, xa cách.

Mối tình 54 năm của thượng tướng Lê Ngọc Hiền và vợ

Ở độ tuổi ngoài 80, trí nhớ của bà Lương Thị Ngọc Thư (sống tại Hà Nội) không còn tốt. Mỗi khi đi đâu, làm gì, bà luôn tự nhắc mình phải cầm chìa khóa, điện thoại trên tay để tránh quên.

Bà nói, có những khi đầu đang nghĩ về chuyện này, nhưng khi vừa muốn kể với người bên cạnh lại không nhớ rõ. Thế nhưng, có một điều bà không bao giờ quên được là mối tình hơn 54 năm với người bạn đời là cố thượng tướng Lê Ngọc Hiền, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, quyền tham mưu trưởng chiến dịch Hồ Chí Minh. Một tình yêu oanh liệt, vượt qua thời bom đạn, lửa chiến cùng nhau.

Mối tình 54 năm của thượng tướng Lê Ngọc Hiền và vợ
Cố tượng tướng Lê Ngọc Hiền và vợ Lương Thị Ngọc Thư thời còn trẻ.

Hơn 50 năm quen biết, sống bên nhau, ông Hiền ra đi vào năm 2006. Đây là nỗi mất mát lớn nhất trong cuộc đời bà Thư. Gần 10 năm ngày ông mất, bà vẫn chưa một ngày thôi nghĩ về ông. Hàng ngày, mỗi khi rảnh rỗi, hay mỗi tối, trước khi đi ngủ, công việc của bà là đọc lại những lá thư tay của 2 ông bà từ thời sống trong bom đạn.

Năm 1952, bà Thư - khi ấy là cô y tá 20 tuổi ra trường và được phân công về công tác tại trạm y tế Hà Đông. Cũng từ đây mở ra những ký ức đẹp về chuyện tình và chuyện đời của bà với Thượng tướng Lê Ngọc Hiền.

“Suốt mấy chục năm trời, quen và yêu nhau trong xa cách, bà và ông đã viết cho nhau hơn 1.000 bức thư. Bà không nhớ nổi con số chính xác, nhưng đến giờ bà vẫn giữ rất nhiều. Tình yêu thời bà, nhiều điều thú vị lắm!” - bà tự hào chia sẻ.

Bà Thư và ông Hiền biết đến nhau qua một cơ duyên kỳ lạ. Trong lần chàng lính trẻ Lê Ngọc Hiền gặp lại người bạn cũ cùng tham gia hoạt động Thanh niên cứu quốc tại một gia đình quê ở Thanh Hóa, làm nghề Y có 4 cô con gái xinh đẹp đang tuổi lấy chồng. Chàng trai năm ấy vô tình bị cuốn hút bởi đôi mắt của một trong 4 cô gái trong ảnh. Không giấu nổi cảm xúc, người lính trẻ hỏi han về người con gái này và có ý muốn tìm hiểu về cô.

Để thỏa nỗi niềm, anh đã gửi thư làm quen sau lần ấy. Trong thư anh kể lý do làm quen với cô, kể về những trận chiến ác liệt, cận kề cái chết mà người lính không nao núng tinh thần. Kể cả chuyện nhiều đêm anh thao thức vì đôi mắt người con gái trong ảnh để ngầm ngỏ ý với cô.

Sau một thời gian, cả hai tình cờ có dịp làm phù dâu - phù rể trong đám cưới một người bạn thân của bà Thư. Sau này, bà mới biết, đó là do sự sắp xếp cố ý của đội lính trẻ. Lần gặp đầu tiên khiến cô gái 20 tuổi ngày nào cũng xao xuyến về chàng trai. Sau lần gặp mặt một tuần, nữ y tá nhận được lá thư thứ 2 từ anh.

“Thư thân mến! Lúc chia tay Thư về, tuy cũng thấy nhớ và tiếc thời gian ngắn quá, nhưng vẫn kiên quyết đi ngay mặc dầu lúc đó bị đau chưa chắc đi được xa – lý do một phần lo công việc ở nhà, một mặt vì anh thấy ngượng không quen.

Lúc mới ra đi, tâm trí thu hút cả vào nghĩ đến Thư nên cũng quên cả đau và cứ thế được cơ hội đạp đến quá Vinh mới nghĩ lại tối hôm đầu… Hôm nay viết cho Thư, anh sắp ra Khu 3 làm nhiệm vụ. Anh giữ một bức ảnh của Thư. Bức này tuy chụp bị mờ nhưng trông Thư cười tươi hơn cả. Anh giữ lại và cắt thật nhỏ cho vào ví để túi… Anh mong Thư hãy hiểu anh nhiều hơn nữa… Nên năng xây dựng của chúng mình sau này do tư tưởng thống nhất và gặp nhau như vậy được vững chắc hơn”.

Bà cho hay, lá thư này anh gửi đúng lần bà sinh nhật tròn 20 tuổi. "Tôi không biết tình cờ hay anh đã biết, nhưng tôi hạnh phúc khi nhận được thư anh. Trong thư, anh không nhắc đến sinh nhật, nhưng khi đọc thấy anh đã thầm chúc mừng” - bà tâm sự.

Từ là một cô bé ngơ ngác trước bao sự kiện mới lạ, qua những lời dặn dò, chỉ bảo của chàng lính từ chiến trường, cô y tá ngày nào trở thành người thoát ly và luôn xông xáo trong công việc. Tình yêu đến với bà như lẽ tự nhiên, không hề hay biết.

Đến bây giờ, ngoài những bức thư của 2 ông bà được Bảo tàng lịch sử giữ, bà Thư vẫn luôn giữ bên mình những bản viết tay của chồng gửi từ thời chiến trân.
Đến bây giờ, ngoài những bức thư của 2 ông bà được Bảo tàng lịch sử giữ, bà Thư vẫn luôn giữ bên mình những bản viết tay của chồng gửi từ thời chiến trận.

Trong bức thư vào những năm tháng tiếp theo, ông Hiền căn dặn: “Anh mừng lắm khi nghe tin được đi phát động quần chúng giảm tô. Thư phải yên tâm, tích cực học tập – chịu đựng để mau chóng trở thành cán bộ tốt. Được như thế đã là phần thưởng cao quý nhất cho anh. Thư cố gắng, phải chịu đựng gian khổ, tích cực ba cùng với nông dân. Gần đây thấy Thư tiến bộ là anh vui. Thư phải cố gắng nữa nhé".

Không chỉ dành cho bạn gái những lời động viên, người lính trẻ cũng thẳng thắn phê bình cô nhằm thúc đẩy sự cố gắng. “Trong lúc công tác có lúc Thư còn hờn dỗi đề nghị thế này, thế kia. Anh thấy như thế là không nên. Mình phụ trách ở đó thiếu trách nhiệm một chút là chết người...”.

Chia sẻ về chuyện tình của mình, bà Thư cho biết, ông luôn lo toan, nhắc nhở và chăm chút bà từng ly một. Vốn kém người yêu 6 tuổi, ông lại là tấm gương đạo đức lớn khiến bà không khỏi thán phục và nghe lời. Bà luôn coi ông như một thần tượng và vì ông để phấn đấu.

Hay trong một lá thư khác, với sự lo lắng về sức khỏe của người yêu, ông bày tỏ: “Có lẽ sức khỏe của Thư là điều anh lo lắng nhất. Lúc nào anh cũng muốn Thư báo khỏe như hồi còn đi học ở Nghệ An. Anh sẽ phải đấu tranh với em về vấn đề ăn uống. Anh lo nhiều mỗi khi Thư ốm mệt. Nếu em ốm, mắc bệnh không làm được việc thì anh sẽ rất khổ tâm. Anh sẽ còn nhắc mãi nhắc nữa trong bất cứ cái thơ nào để em làm đúng như lời anh”.

Ngày 3/2/1953, chàng lính trẻ về thăm bạn gái sau hơn nửa năm xa cách. Lần hội ngộ cả hai không nói nên lời, chỉ nhìn nhau suốt buổi cho thỏa nỗi nhớ. Sau khi chia tay, bà nhận được thư từ bạn trai gửi đến.

“Thư thân yêu! Anh vừa về tới nơi. Trời mưa phùn, sương mù, lại vừa chia tay với Thư đi công tác xa nên anh thấy buồn. Anh phải đấu tranh chống lại cái buồn đó mà anh rất ghét, không muốn để mình lúc nào buồn vẩn vơ được.

Thư! Sau thời gian ở gần nhau như thế, chúng mình đã tìm hiểu được nhau nhiều. Sinh hoạt của chúng ta bây giờ gắn bó với nhau ngày sẽ chặt chẽ hơn lên.. Những ý nghĩ, những tư tưởng đúng sai của chúng ta... cần nói rõ cho nhau luôn, tuyệt đối không nên che đậy.

Do đó, anh thắc mắc tại sao Thư còn chưa đồng ý để tổ chức chính thức sau khi anh đi học về. Nếu Thư không đồng ý, tại sao giấu anh, không nói rõ lý do xem chính đáng hay không. Làm cho anh nêu nhiều giả định để tự trả lời các thắc mắc đó. Trong cái giả định đó anh thấy hoặc vì lý do gia đinh, hoặc vì bản thân tư tưởng Thư chưa dứt khoát. Hãy cho anh lý do chính đáng trong thư sau nhé!”.

Hàng ngày, bà Thư thường ôn lại kỷ niệm xưa bằng việc đọc từng bức thư của chồng.
Hàng ngày, bà Thư thường ôn lại kỷ niệm xưa bằng việc đọc từng bức thư của chồng.

Sau một thời gian dài, bà Thư và ông Hiền chính thức tổ chức lễ cưới. Không quần áo cầu kỳ, bộ trang phục ngày cưới chỉ là bộ quần áo y tá và quân phục bạc màu. Họ đến với nhau bằng tình yêu giản dị và hạnh phúc chân thành trước sự chứng kiến của những đồng đội và hai gia đình.

Sau ngày cưới, ông Lê Ngọc Hiền tiếp tục ra chiến trường, gửi lại người vợ nơi hậu phương. Những lá thư của họ cứ thế được tiếp diễn, tái sinh lại cuộc sống sinh hoạt đời thường, cuộc chiến nơi chiến trường khốc liệt…

Thời gian xa cách kéo dài, gặp nhau chỉ trong chốc lát rồi lại phải chia tay. Có những lúc gần nhau tưởng chừng như gang tấc thế rồi lại cách xa vời vợi. Cứ như vậy họ mải miết công tác, rong ruổi đón đuổi nhau. Tình yêu, nỗi nhớ biến thành động lực giúp mỗi người vững vàng hơn trong cuộc chiến.

Không ít lần bà Thư bật khóc, ông Hiền động viên: “Thư lại khóc rồi đấy, đã hứa với anh rồi cơ mà. Về sau này, chúng ta sẽ còn nhiều lần xa cách đấy, cứng rắn và dũng cảm lên em…”.

Năm 1970, ông đi vào miền Nam, công tác tại Bộ Tư lệnh Miền với cương vị Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam. Sau đó, ông tiếp tục vào Tây Nguyên lập sở chỉ huy và làm Tham mưu trưởng chiến dịch Hồ Chí Minh.

Hạnh phúc gần nhau tưởng chừng như đã nắm bắt được, nhưng bom đạn chiến tranh lại bắt họ vẫn phải xa nhau. Thời gian này sợi dây liên lạc duy nhất của họ là những bức thư gửi từ hậu phương, hay đôi dòng viết vội sau mỗi trận đánh.

Trong thư hai người cùng bàn nhau cách nuôi dạy, uốn nắn con cái nên người. Họ kể về người thân, về đồng đội kèm theo đó là những lời động viên, khuyên bảo nhau giữ gìn sức khỏe.

Để chồng yên tâm cô chưa một lần kể về nỗi buồn, cô đơn vì nhớ anh mà luôn nói về niềm vui công tác, về sự trưởng thành, lớn lên từng ngày của con cái. Điều này cũng khiến ông Hiền nhiều lần băn khoăn.

Ông viết: “Anh nói Thư nghe này. Anh hỏi chuyện về Thư và con, Thư hãy nói thật cho anh nghe nhé. Nếu thư luôn viết mẹ con ở nhà khỏe mạnh, anh thực không an tâm bằng Thư kể rõ sự tình cho anh nắm bắt. Mọi chuyện con cái ra sao, anh mong Thư chia sẻ thật lòng”.

Bên cạnh đó, ông không ngừng bày tỏ niềm tự hào về người vợ thân yêu: "Anh không lầm khi chọn em, mặc dù chưa gặp em, mới chỉ nhìn em qua ảnh, anh đã nói: Thư sẽ tiến bộ, sẽ là người bạn cứng rắn để khuyến khích anh công tác, là người vợ dịu dàng, yêu chồng thắm thiết, yêu công tác, luôn có ý chí phấn đấu không ngừng, có nghị lực để xây dựng tất cả”.

Gia đình bà Thư - ông Hiền.
Gia đình bà Lương Ngọc Thư và cố thượng tướng Lê Ngọc Hiền.

Năm 1989, Thượng tướng Lê Ngọc Hiền chính thức về Hà Nội và nghỉ hưu năm 1995. Đây cũng là thời gian vợ chồng ông được sống bên nhau lâu dài và hạnh phúc nhất.

Những năm cuối cùng từ 2003 đến năm 2006 ông bắt đầu lâm bệnh nặng. Lúc này người vợ đã từng chiến đấu với cô đơn, khó khăn ở hậu phương để chờ chồng lại tiếp tục cuộc chiến mới giành giật sức khỏe cho chồng. Bà từng viết nhiều nhật ký về bệnh tình của ông. Thời khắc ông yếu nhất, bà luôn túc trực bên chồng mọi giây phút.

Khi được hỏi về kỷ niệm sâu đậm của mối tình hơn nửa thế kỷ, bà Thư xúc động chia sẻ, tất cả những lần gặp gỡ, nhớ mong đều in đậm trong trái tim. Nhưng điều bà nhớ nhất về người chồng đã khuất là tính khiêm nhường, nhẫn nại và luôn trêu chọc mỗi khi bà giận dỗi.

Giờ đây, dù đã chia xa nhưng trong tâm trí bà Thư, vẫn luôn ngày đêm nhớ về người đàn ông đã đồng cam cộng khổ, gắn bó với nhau suốt cuộc đời. "Ông không chỉ là người chồng, mà còn là người bạn, người anh và người đồng chí thân thuộc, quan trọng nhất đời tôi" - bà nói.

Theo Zing News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ