Vừa qua, tài khoản Facebook Nguyễn Ngọc Sáng bất ngờ chia sẻ hình ảnh và đoạn video với nội dung là chiếc micro hát karaoke dạng cầm tay bốc cháy dữ dội.
Anh Sáng cho biết, mình mua chiếc micro này từ một cửa hàng máy tính với giá 550.000 đồng nhưng rất ít sử dụng. Rất may, vụ việc không gây thiệt hại về người và tài sản.
Hồi giữa tháng 1, một tài khoản Facebook khác cũng chia sẻ hình ảnh chiếc micro hát karaoke phát nổ và bốc cháy, khiến tấm nệm mà gia đình đang sử dụng bị cháy sém. Người này cho biết đã mua chiếc micro với giá 650.000 đồng.
Tuy nhiên, micro hát karaoke không phải là đồ điện tử duy nhất phát nổ khi sử dụng. Trước đó, đã có một số trường hợp cháy nổ liên quan đến pin sạc không rõ nguồn gốc.
Trường hợp của ông Trần Sơn (Quảng Bình) cuối năm ngoái là ví dụ. Ông cho biết, mình đã sử dụng chiếc đèn pin dạng sạc cầm tay, nhưng không rõ nơi sản xuất. "Khi tôi đang ngủ thì bỗng có tiếng nổ lớn. Khi tỉnh dậy thì thấy chiếc đèn pin văng ra xa và bốc cháy. May mà tôi tỉnh dậy kịp thời", ông cho biết.
Những viên pin sạc không nguồn gốc cũng thường xuất hiện trên đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc và điều này gây lo ngại cho các bậc phụ huynh. Đã có khá nhiều vụ nổ pin đồ chơi điện tử trước đây, điển hình là trường hợp bé Nguyễn Chí Tú (11 tuổi, Ninh Thuận), khiến bé bị tổn thương nặng ở mắt phải và các ngón tay.
Ngoài ra, không ít các trường hợp tai nạn liên quan đến đồ điện tử dùng pin sạc không rõ nguồn gốc khác thời gian qua, như quạt điện mini, sạc dự phòng, đồng hồ, đèn ngủ, đèn đọc sách…
Pin sạc từ các thiết bị điện tử giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Anh Lê Dũng (34 tuổi, một kỹ sư điện tử) cho biết, hầu hết những thiết bị điện tử giá rẻ sử dụng pin sạc đều tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và chúng chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. "Loại hàng này thường không được kiểm tra chất lượng, hoặc kiểm tra sơ sài trước khi xuất xưởng để giảm chi phí, nên độ an toàn thấp", anh Dũng nhận xét.
Còn theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Giám đốc công ty CyberPower System Việt Nam, người dùng nếu đã mua những thiết bị trên, khi sử dụng không được sạc lâu. Nếu đèn báo sạc đầy phải rút ra và không được sạc qua đêm.
"Hầu hết các thiết bị này không có bộ ngắt sạc khi pin đầy, hoặc có nhưng kém chất lượng, do đó, không nên sạc qua đêm để tránh hiện tượng nóng pin, chập mạch gây cháy nổ", ông Tuấn cảnh báo. Ngoài ra, người dùng cũng không nên ở gần thiết bị khi sạc để tránh thiệt hại nếu có sự cố.
Hai chuyên gia cũng cho rằng, tốt nhất người dùng nên chọn mua sản phẩm có nhãn mác, thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng, nơi bán uy tín sẽ giảm bớt nguy cơ cháy nổ hoặc các tai nạn khác. Đồng thời, nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thiết bị, để chúng xa các nơi có nguồn nhiệt cao, tránh va đập mạnh... và nếu có dấu hiệu hư hỏng, tốt nhất là nên loại bỏ.