Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, riêng tại khu vực Tây Thái Bình Dương có khoảng 180.000 trẻ bị nhiễm viêm gan vi rút B, 13.000 trẻ bị nhiêm giang mai và 1.400 trẻ bị nhiễm HIV, trong khi các bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được thông qua các can thiệp sẵn có và đơn giản như xét nghiệm sàng lọc, quản lý điều trị phụ nữ có thai và tiêm chủng cho trẻ ngay sau sinh.
Hàng năm, Việt Nam có khoảng gần 2 triệu phụ nữ mang thai và ước tính tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai là 0,19% thì mỗi năm ở nước ta có hơn 3.800 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu không có can thiệp, với tỷ lệ lây nhiễm truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30-40%, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.140 – 1.520 trẻ em sinh ra nhiễm HIV từ các bà mẹ nhiễm HIV.
Đối với bệnh viêm gan B, theo kết quả của một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở nhóm phụ nữ mang thai khoảng 10 – 20% và 90% số trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HBV có HBeAg dương tính có thể bị nhiễm vi rút viêm gan B từ mẹ. Đối với bệnh giang mai, theo thống kê của các nhà nghiên cứu, tình trạng lây nhiễm giang mai từ mẹ sang con chiếm khoảng 40 – 70%.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, có thể phòng ngừa cả 3 bệnh viêm gan B, giang mai và HIV dựa trên các giải pháp can thiệp tương tự và được triển khai thực hiện trên cùng đối tượng là bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh tại các cơ sở cung cấp dịch vụ trong hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Tuy nhiên, tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực, dịch vụ dự phòng và kiểm soát HIV/AIDS, giang mai và viêm gan B vẫn được thực hiện chủ yếu thông qua hệ thống, chương trình ngành dọc, thiếu sự phối hợp, liên kết cần phải có giữa các hệ thống như chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS, da liễu, truyền nhiễm…
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ me sang con, Tổ chức Y tế thế giới khu vực Thái Bình Dương đã xây dựng khung Kế hoạch loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018 – 2030, đồng thời khuyến nghị các quốc gia thành viên trên cơ sở khung kế hoạch khu vực, căn cứ điều kiện cụ thể từng nước để xây dựng kế hoạch hành động quốc gia nhằm tiến tới loại trừ 3 bệnh kể trên vào năm 2030.
Ngoài phổ biến Kế hoạch hành động quốc gia, tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018 – 2020, các đại biểu còn thảo luận theo nhóm trong việc xây dựng kế hoạch triển khai kế hoạch hành động tại các địa phương; đề xuất các hoạt động theo thời gian cũng như những giải pháp tháo gỡ khó khăn.