Mỗi năm 200.000 tấn thuốc BVTV ngấm vào môi trường

Đây là con số rất đáng lo ngại về tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của người dân, được đưa ra tại Hội thảo Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Mỗi năm 200.000 tấn thuốc BVTV ngấm vào môi trường

Hội thảo này là 1 trong 5 chuỗi sự kiện đang diễn ra tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 4 diễn ra trong 2 ngày 29 và 30.9 tại Hà Nội.

200 điểm ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng

GS-TS Đặng Kim Chi (Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho rằng: “Tình trạng sử dụng ngày càng tăng thuốc BVTV và phân bón hóa học (PBHH) đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Đối với cây lúa, hàm lượng sử dụng phân lân và kali khá cao (gấp trên 6 lần so với mức khuyến cáo), trong khi theo kết quả nghiên cứu về quá trình hấp thụ phân bón trong trồng trọt cho thấy, hầu hết các cây trồng chỉ hấp thụ được khoảng 40-50% lượng phân bón. Trong đó từ năm 2008 đến nay, tình trạng sử dụng PBHH và thuốc BVTV tăng trung bình khoảng 481.167 tấn/năm. Như vậy, nếu không có biện pháp quản lý thì dư lượng thuốc BVTV có thể ngấm vào môi trường là 192.467 - 240.583 tấn/năm”.

Việc nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức đã ảnh hưởng không nhỏ gây ô nhiễm nguồn nước và làm thoái hóa môi trường đất. Ảnh tư liệu

Đồng tình với quan điểm trên, ông Hồ Kiên Trung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cảnh báo: “Việc sử dụng ngày càng nhiều các chất hữu cơ gây ô nhiễm khó phân hủy và các loại hóa chất BVTV có độc tính cao, đã làm cho mức độ tồn lưu dư lượng các loại hóa chất này trong nông sản, thực phẩm, đất, nước, không khí và môi trường ngày càng lớn. 

Các vụ ngộ độc thức ăn bởi hóa chất BVTV, các loại bệnh tật do ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng và trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nước ta”. Theo kết quả điều tra của Bộ TNMT, tính đến tháng 6.2015 có 1.562 điểm tồn lưu do hóa chất BVTV trên 46 tỉnh, thành phố, trong đó có khoảng 200 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất BVTV có mức độ rủi ro cao, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hóa chất BVTV làm thoái hóa đất, gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, ô nhiễm không khí và gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái.

Tăng cường chống nhập lậu hóa chất BVTV

" Cần tăng cường công tác chống nhập lậu hóa chất BVTV không rõ nguồn gốc, đồng thời tiếp tục nghiên cứu các công nghệ xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường khu vực ô nhiễm hóa chất BVTV, trong đó ưu tiên các giải pháp công nghệ không đốt”.
TS Trần Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chuyển giao công nghệ, Viện Môi trường nông nghiệp

Việc không kiểm soát được dư lượng phân bón hóa học đã ảnh hưởng không nhỏ gây ô nhiễm nguồn nước và làm thoái hóa môi trường đất. Bên cạnh đó, hóa chất BVTV từ nhiều nguồn khác nhau như: Bao bì thuốc BVTV vứt bừa bãi sau khi sử dụng, rửa bình bơm và dụng cụ pha chế không đúng nơi quy định, dư lượng thuốc BVTV còn sót lại trong các chai lọ quăng xuống ao, hồ... đã gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm và môi trường đất.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Gia Lai bức xúc: Ô nhiễm môi trường do thuốc BVTV đang là vấn đề nhức nhối ở Gia Lai. Bà con dùng thuốc BVTV xong lại vứt bao bì, vỏ thuốc xuống sông, khiến cho nguồn nước ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. “Chúng tôi đã xây dựng mô hình điểm về các kho chứa bao bì thuốc BVTV, nhưng điều chúng tôi băn khoăn nhất là xử lý số bao bì này như thế nào? Đề nghị Bộ TNMT có thông tư hướng dẫn việc xử lý bao bì thuốc BVTV, đồng thời có kinh phí hỗ trợ cho địa phương” - bà Hương nói.

Theo Dân Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.