Mối lo từ cơn sốt “Squid Game”

GD&TĐ - Trong bối cảnh các nền tảng giải trí đang ngày càng thuận tiện với khả năng tiếp cận không giới hạn, những nội dung bạo lực không phù hợp có thể dễ dàng đến với trẻ em, thanh thiếu niên.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bộ phim truyền hình kinh dị ăn khách của Hàn Quốc trên nền tảng trực tuyến Netflix đang có được sự quan tâm quốc tế đến mức khiến nhiều nền điện ảnh khác phải thèm muốn, nhưng đi kèm với nó là mối lo ngại từ nhiều nước về tác phẩm này đối với trẻ em.

Nội dung “Squid Game” (Trò chơi Con mực) xoay quanh 456 người đang đối mặt với nợ nần chồng chất đã mạo hiểm tính mạng để tham gia những trò chơi sinh tồn để tranh giải thưởng trị giá 38 triệu USD tại Hàn Quốc. Bộ phim lột tả sự bất bình đẳng xã hội và sự bất ổn kinh tế nhưng thu hút khán giả bằng lối kể chuyện đầy bạo lực và kinh dị.

Đặc biệt, thử thách sinh tồn mà các nhân vật thi thố với nhau trong phim chính là một trò chơi được ưa chuộng của trẻ em Hàn Quốc trong những năm 1980. Nhưng trên phim những người chơi thất bại sẽ chịu hình phạt chết người.

Chính nội dung có liên quan đến trẻ em này trong “Squid Game” đang khiến cảnh sát và các chuyên gia giáo dục nhiều nước lo ngại vì nó có thể ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ.

Cảnh sát Thái Lan đã lên tiếng bày tỏ lo ngại người xem gồm cả thanh thiếu niên đã tiêu tốn nhiều thời gian để xem bộ phim chứa vô số cảnh không phù hợp này trong suốt thời gian ở nhà vì phong tỏa phòng dịch. Giới chức Bangkok cảnh báo phụ huynh phải quan tâm tới các hoạt động trực tuyến của con em mình sau khi phim “Squid Game” trở thành cơn sốt.

Những cảnh giết chóc trong phim có thể trở thành trào lưu khiến người xem học theo và tham gia vào các tội ác trong đời thực. Cảnh sát Thái Lan khuyến cáo những bộ phim trên mạng cần được phụ huynh giám sát để không cho trẻ em có thể xem tự do và bị ảnh hưởng từ hành vi của nhân vật.

Sau khi phát hành vào tháng 9, “Squid Game” hiện vẫn dẫn đầu danh sách Top 10 phim được xem nhiều nhất trên nền tảng Netflix tại 94 quốc gia, trong đó lần đầu tiên một phim Hàn Quốc sản xuất có thể vươn lên vị trí số 1 tại Mỹ vốn là lãnh địa của Hollywood.

Việc “Squid Game” trở thành bộ phim được xem nhiều nhất trong lịch sử Netflix đã khiến mối lo ngại những tác động xấu của nó đối với người xem trẻ tuổi không còn bó hẹp tại khu vực châu Á, mà trên phạm vi toàn cầu.

Tương tự như Thái Lan, một số trường học tại Anh và Bỉ đã khuyến cáo phụ huynh để mắt đến con cái sau khi họ phát hiện các trường hợp bắt chước cảnh bạo lực trong “Squid Game” có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Trong đó, Trường Tiểu học John Bramston tại Ilford (Anh) đã phải gửi thư cho các bậc phụ huynh bày tỏ lo ngại khi chứng kiến các học sinh giả vờ bắn nhau trên sân trường, tái hiện các cảnh bạo lực trong bộ phim của Hàn Quốc.

Tình trạng này cũng xảy ra tại ngôi trường Erquelinnes Beguinage Hainaut của Bỉ khi Ban giám hiệu phải phát cảnh báo công khai tới phụ huynh khi nhận thấy một số học sinh tái hiện trò chơi truyền thống trong phim và thay vì người thua bị giết như trong phim thì các em thua sẽ bị đánh đấm. Khuyến cáo của trường học tại Bỉ đã được hơn 30.000 lượt chia sẻ trên mạng xã hội, phản ánh mối lo ngại lan rộng về hiệu ứng tiêu cực của “Squid Game”.

Trong bối cảnh các nền tảng giải trí đang ngày càng thuận tiện với khả năng tiếp cận không giới hạn, những nội dung bạo lực không phù hợp có thể dễ dàng đến với trẻ em, thanh thiếu niên.

Từ đây những trò ảo trên màn ảnh có thể trở thành mối nguy hiểm thật ngoài đời thực khi các em học theo. Chính cơn sốt phim “Squid Game” đang nhắc nhớ thực trạng này và thúc đẩy vấn đề bảo vệ trẻ em trước các ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường trực tuyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ