Chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây sốc đối với cả thế giới, trong khi nhiều tỷ phú trong nước gồm cả chủ hãng xe Tesla Elon Musk cũng đang kêu gọi ông chủ Nhà Trắng thay đổi.
Tỷ phú Elon Musk là một trong những cố vấn có ảnh hưởng nhất đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay. Nhưng sau khi nhà lãnh đạo Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại của Mỹ trên toàn cầu hôm 3/4, khối tài sản của tỷ phú này ước tính đã bị giảm liên tục do tác động tiêu cực từ thị trường chứng khoán Mỹ.
Chỉ trong hai ngày 3 và 4/4 ngay khi chính sách thuế đối ứng được công bố, tài sản của ông Elon Musk bị giảm 31 tỷ USD. Riêng trong ngày 7/4 ông bị giảm thêm 4,4 tỷ USD sau khi cổ phiếu Tesla tiếp tục đi xuống, khiến tổng tài sản của tỷ phú này hiện còn 297,8 tỷ USD.
Đó cũng là lý do theo báo chí Mỹ, từ cuối tuần qua tỷ phú Elon Musk đã âm thầm thực hiện nhiều cuộc tiếp xúc với Tổng thống Trump để thảo luận về chính sách thuế đối ứng mới. Quan điểm của tỷ phú Elon Musk là mong muốn Nhà Trắng thay đổi hoặc hoãn việc áp thuế đối ứng nhằm giảm tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán và nền kinh tế Mỹ.
Không chỉ Elon Musk, nhiều tỷ phú khác cũng thể hiện quan điểm quay lưng với Tổng thống Mỹ Trump vì áp thuế quan nặng với các đối tác, gây ra làn sóng lo ngại trong giới đầu tư. CEO của quỹ đầu tư Pershing Square Capital Management là Bill Ackman từng ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2024 đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ mức thuế mới, với lo ngại chính sách này sẽ gây ra “chiến tranh hạt nhân về kinh tế”.
Ông Ackman cũng kêu gọi hoãn áp dụng mức thuế mới khoảng 90 ngày để đàm phán lại với các đối tác thương mại của Mỹ để tìm kiếm giải pháp công bằng hơn, qua đó tránh tổn hại đến danh tiếng toàn cầu của Mỹ và sự đình trệ trong đầu tư kinh doanh.
Trong khi đó, CEO của JPMorgan Chase là ông Jamie Dimon cảnh báo chính sách thuế quan mới của Mỹ có thể làm gia tăng lạm phát và làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đẩy nước Mỹ vào thế yếu trên trường quốc tế.
Các tỷ phú Mỹ nổi tiếng khác như người sáng lập Duquesne Family Office là ông Stanley Druckenmiller, hay ông Ken Fisher, người sáng lập Fisher Investments, cũng thể hiện thái độ không ủng hộ với chính sách thuế quan mới do tác động tiêu cực tới đầu tư kinh doanh.
Theo các chuyên gia kinh tế của JPMorgan dự đoán, chính sách thuế quan mới sẽ khiến GDP của nước Mỹ giảm khoảng 0,3%, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 5,3% từ mức 4,2% hiện tại. Còn Phó kinh tế trưởng toàn cầu của Công ty tư vấn Capital Economics là ông Simon MacAdam thì lo ngại chính sách thuế mới của Nhà Trắng đang tạo ra sự bất định lớn, khiến các doanh nghiệp ngần ngại đưa ra quyết định đầu tư dài hạn tại Mỹ.
Tuy nhiên, trái với mối lo ngại của các tỷ phú và giới đầu tư kinh doanh tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump vẫn kiên định với chính sách thuế đối ứng của mình. Ông khẳng định không lo ngại việc hàng nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu. Hôm 7/4, ông tuyên bố chính sách thuế mới như “liều thuốc đắng cần thiết” để chữa lành nền kinh tế Mỹ vốn bị tổn hại trong những năm qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ví chính sách thuế mình đưa ra như “ca phẫu thuật cho nền kinh tế Mỹ” và “bệnh nhân” này đang hồi phục và trở nên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường thì khối tài sản vốn hóa của nhiều tỷ phú Mỹ sẽ tiếp tục bay hơi theo thị trường chứng khoán và mối lo của họ sẽ vẫn khó có thể sớm được “chữa lành”.