Cũng bởi cái tính đa nghi và quyền biến nên lúc còn sống ông được coi là người có nhiều kẻ thù nhất, và trước khi chết, Tào Tháo đã cho làm rất nhiều mộ giả của chính mình để kẻ thù không biết đâu là thực, đâu là hư, vì thế mộ của Tào Tháo cho đến nay vẫn còn là bí ẩn.
Bí ẩn thiên cổ
Tương truyền, Tào Tháo là người cả đời tiết kiệm. Ông yêu cầu người nhà và các quan chức rất nghiêm. Vợ của Tào Thực con trai ông vì mặc quần áo lĩnh the mà bị ông theo gia quy hạ chiếu “tự trừng phạt”. Các đồ vải vóc dùng trong cung nếu rách rồi thì vá lại dùng tiếp, không được thay mới.
Có thời kỳ thiên hạ bị thiên tai đói kém, đời sống khó khăn, vật dụng thiếu thốn, Tào Tháo không mặc triều phục da, các quan trong triều cũng không ai dám đội mũ da. Việc trước khi mất Tào Tháo yêu cầu cho xây thật nhiều mộ giả xuất phát từ tính đa nghi của ông.
Chuyện kể rằng lúc còn nhỏ, trong một lần tham gia cùng với nhóm đào trộm mồ mả, tận mắt thấy chúng lấy hết của cải tùy táng với người chết, Tào Tháo liên hệ ngay đến bản thân mình sau này sau khi chết. Vì vậy, để đề phòng bản thân sau khi chết không rơi vào thảm cảnh ấy, ông đã nhiều lần yêu cầu “chôn cất đơn giản”.
Còn về tính đa nghi, khi còn sống, vì đa nghi nên Tào Tháo đã giết nhầm rất nhiều người nên có khá nhiều kẻ thù, Tào Tháo muốn sau khi chết không bị những kẻ thù kia lật mộ lên mà trả thù.
Bởi vậy ngày an táng Tào Tháo, có tới 72 cỗ quan tài từ hướng Đông, Tây, Nam và Bắc cùng một lúc được khênh ra các cổng thành. Dân trong thành, thậm chí lính khênh quan tài cũng không biết quan tài nào là thật và trong 72 ngôi mộ, ngôi mộ nào là thật?
Bí ẩn thiên cổ về 72 ngôi mộ Tào Tháo đến nay vẫn chưa có lời giải. Điều này đã thu hút sự chú ý của những kẻ đào trộm mồ mả song chưa có ai đào được mộ thật của Tào Tháo.
Tương truyền trong những năm quân liệt hỗn chiến, một nhà buôn đồ cổ người Ấn Độ đã thuê nhân công đào mười mấy ngôi mộ giả để tìm cho ra ngôi mộ thật của Tào Tháo.
Nhưng khi đào những ngôi mộ này, ngoài một số đồ gốm sứ ra không thu được thứ gì khác. Hài cốt thực của Tào Tháo chôn ở đâu vẫn là một bí ẩn. Có người căn cứ vào “thơ mộ Tào Tháo” suy đoán mộ ông ở đáy sông Chương.
Theo cuốn Chương Đức phủ chí, lăng Ngụy Vũ Đế Tào Tháo ở thông Linh Chi, cách đài Đồng Tước 5km về phía chính Nam. Tuy nhiên khi tiến hành khảo sát, điều này chỉ là giả thiết.
Mộ Tào Tháo có thể ở đâu? Có một ý kiến cho rằng, mộ ông ở “Cô Đôi Tào Gia” (tức mộ phận họ Tào) thuộc huyện Tiều-quê hương của Tào Tháo.
Theo ghi chép Văn Đế trong cuốn Ngụy Thư: “Năm Giáp Ngọ (năm 220) mở tiệc chiêu đãi quân lính và dân chúng ở Ấp Đông (thuộc huyện Tiều). Văn Đế đến huyện Tiều, thiết đãi phụ lão ở đây. Lập đàn trước nhà lập bia được gọi là bia thết đãi lớn”.
Tào Tháo mất tháng Giêng năm Giáp Ngọ, ngày hai chôn cất. Nếu chôn ở Thành Nghiệp, Ngụy Văn Đế Tào Phi vì sao không đi Thành Nghiệp mà lại quay về quê hương? Mục đích chuyến đi này của Tào Phi là để kỷ niệm ngày mất của Tào Tháo? Ngụy Thư còn nói: “Năm Bính Thân, Tào Phi đích thân đến ở lăng Tiều”.
Lăng Tiều chính là “Cô Đôi Tào Gia” nằm cách thành Đông 20 km. Nơi này từng là nhà ở của Tào Tháo, cũng là nơi Tào Phi ra đời. Ngoài ra, sách còn chép: “Bột Châu có quần thể mộ thân tộc Tào Tháo. Trong đó có mộ ông nội, cha, con cái của Tào Tháo”. Từ đó suy đoán, mộ Tào Tháo cũng chôn ở đó. Tuy nhiên, cách giải thích này cũng không có bằng chứng xác đáng.
Mộ Tào Tháo được khám phá?
Vào ngày 3/4/2009, hơn 11 nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc về giai đoạn lịch sử Tần Hán và Ngụy Tấn Nam Bắc Triều đã mở một cuộc hội nghị thảo luận về ngôi mộ cổ phát hiện ở An Dương, Hà Nam được cho là mộ Tào Tháo hồi cuối năm 2008.
Trong hội nghị này, các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng, từ những di vật khai quật được, cho đến quy cách, hình dáng và hoàn cảnh địa lý xung quanh của ngôi mộ, có thể kết luận đây chính là ngôi mộ của Tào Tháo.
Sau đó tỉnh Hà Nam sẽ tiến hành quy hoạch phạm vi bảo vệ cho đến xây dựng cơ quan bảo vệ di tích này. Việc khẳng định ngôi mộ ở An Dương là mộ Tào Tháo cũng dẫn đến rất nhiều những vấn đề khác. Chẳng hạn, xung quanh mộ Tào Tháo liệu có còn mộ huyệt của người nhà ông không? Và lăng của Tào Tháo nằm ở đâu?
Khi những tranh luận về chuyện thật giả của ngôi mộ Tào Tháo được phát hiện ở An Dương cũng là lúc người ta chuyển sự chú ý đến bản thân Tào Tháo.
Trước đây, trong quan niệm truyền thống, người ta luôn cho rằng Tào Tháo là kẻ gian hùng, thậm chí là gian tặc. Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ XX, các nhà lịch sử bắt đầu lật lại “nghi án” này.
Vào tháng 2/1959, Quách Mạt Nhược liên tiếp viết “Thái Văn Cơ” rồi “Thay Tào Tháo phản án” minh oan cho Tào Tháo, cho rằng ông là nhà chính trị, quân sự, văn học có tài.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cách mạng văn hóa, “bản án” của Tào Tháo đã bị xếp lại. Nhà sử học Chu Thiệu Hầu nói, việc khai quật mộ Tào Tháo cùng những di vật được tìm sẽ cung cấp những chứng cứ quan trọng cho việc lật lại “nghi án” Tào Tháo.
Chu Thiệu Hầu cho biết ngôi mộ được phát hiện ở An Dương chỉ vẻn vẹn hai gian với diện tích hơn 740 m2, các vật tùy táng phần nhiều là đồ bằng đá, chỉ có ba đồng tiền. Cách chôn cất tiết kiệm này hoàn toàn phù hợp với chủ trương mai táng đơn giản được Tào Tháo ghi trong Di lệnh.
Điều này cho thấy, Tào Tháo cả đời sống cần kiệm, quan tâm đến cuộc sống của dân. Từ đó, Chu Thiệu Hầu nói rằng, đã đến lúc các nhà sử học phải liên kết với các nhà kiến trúc xây dựng lại hình tượng chính diện cho Tào Tháo, rửa án oan suốt hàng ngàn năm nay cho nhà chính trị tài ba này.
Tuy nhiên có nhiều ý kiến trái ngược đầy nghi vấn về ngôi mộ được phát hiện ở An Dương. GS Vương Hâm Nghĩa ở khoa Lịch sử thuộc Đại học An Huy cho rằng, những thứ vũ khí trong mộ như hổ đại kích, hổ đại đao hay chùy đá không phù hợp với ghi chép lịch sử vì khi sinh thời, Tào Tháo chủ yếu sử dụng kiếm.
Giáo sư Trương Tử Hiệp, Chủ nhiệm khoa Lịch sử ở Đại học An Huy, đã nêu ra 4 nghi vấn: Thứ nhất, trong dân gian lưu truyền nhiều giai thoại về mộ Tào Tháo nhưng đều có điểm chung là lăng mộ này được xây dựng ở khu vực đồi núi.
Bởi khi cử hành lễ tang thì Tào Phi, con cả của Tào Tháo, ghi rõ: “Linh cữu rời cung đình, đi tới Sơn Nga”. Trong khi đó, khu mộ vừa được tìm thấy lại nằm ở vùng đồng bằng.
Thứ hai, lúc sinh thời, Tào Tháo chủ trương sau khi mất, các đại thần, tướng lĩnh trong triều có công sẽ được mai táng xung quanh mộ ông. Tuy nhiên, khu mộ nói trên dù được xây với quy mô lớn nhưng cạnh đó không có mộ của đại thần hoặc tướng lĩnh nào.
Thứ ba, những phiến đã có khắc chữ “Ngụy Vũ Vương” là danh xưng chỉ được phong cho Tào Tháo sau khi ông qua đời một thời gian, Hơn nữa những phiến đá này không phải được lấy từ mộ ra mà do thu hồi của những kẻ trộm cắp.
Thứ tư, trong mộ không có ấn tín, đây lại là vật không thể thiếu ở lăng mộ của các bậc vua chúa Trung Hoa. Bốn nghi vấn trên hiện chưa được giải đáp thỏa đáng. Vì vậy, mộ thực của Tào Tháo hiện ở đâu vẫn chờ khoa học giải đáp chính xác