Mở sách bước ra thế giới

GD&TĐ - Có người nói 'mở cửa' để bước ra thế giới nhưng một nhóm kỹ sư thuộc Nhà máy lọc dầu Dung Quất thì lại cho rằng 'mở sách' để bước ra thế giới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đây là chương trình mà nhóm thiện nguyện này kêu gọi từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và ngay bản thân họ, bỏ tiền ra mua sách để hình thành các thư viện ở Sơn Hà - một huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi.

Trước mắt là ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú và Trường Tiểu học & Trung học cơ sở thuộc xã Sơn Trung. Đối với Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Sơn Hà, nhóm thiện nguyện này đã xây dựng tủ sách ở đây cách nay hơn một năm và thực sự những học sinh người Hrê đã có cơ hội “bước ra thế giới” từ những quyển sách của thư viện trường do nhóm thiện nguyện tài trợ.

Các em người dân tộc thiểu số ở đây bắt đầu làm quen với sách, nhất là sách văn học. Hàng tuần, hàng tháng, nhà trường tổ chức khen thưởng cho những lớp có số học sinh đọc sách nhiều nhất; những em nào chia sẻ, ghi cảm nhận về một quyển sách và lan tỏa trong bạn bè cũng được nhà trường tặng quà. 900 quyển sách truyện của thư viện do nhóm thiện nguyện tài trợ đã trở thành “một thế giới” đầy hấp dẫn đối với các em.

Hình thành văn hóa đọc và để việc đọc sách trở thành một thói quen cho trẻ là điều không đơn giản, nhất là bây giờ, gia đình nào cũng có điện thoại thông minh, đủ thứ trò chơi trong đó.

Nhưng một khi các em bắt đầu làm quen với sách, tìm thấy niềm vui trong sách, nhận được từ sách không chỉ là những kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mà còn tìm thấy trong đó những lấp lánh của vẻ đẹp tâm hồn, cách hành xử nhân văn thông qua những nhân vật trong sách.

Chức năng giáo dục từ sách còn lớn hơn bất cứ những điều răn dạy “suông” nào. Có những câu chuyện cứ ám ảnh và theo ta đến hết cuộc đời cũng từ những trang sách được đọc từ tấm bé là vậy.

Có lẽ cũng nhờ vào những “thư viện nhân dân” này mà trong kỳ thi học sinh giỏi mới đây, cả 7 em học sinh Trường Dân tộc Nội trú Tây Trà - vốn là một huyện vùng cao trong tỉnh Quảng Ngãi nay đã nhập về Trà Bồng, đều đoạt giải, trong đó có một giải Nhất môn Lịch sử.

Hẳn rằng, để nắm được những kiến thức cả trong và ngoài sách giáo khoa, em học sinh này phải lấy những quyển sách mà thư viện có được làm “điểm tựa” để có thể khám phá một thế giới đầu màu sắc mà chỉ có thể mang lại từ sách mà thôi.

Có nhiều chương trình tặng sách cho trẻ em vùng cao đã và đang triển khai khắp đất nước. Nhóm thiện nguyện là những kỹ sư thuộc Nhà máy lọc dầu Dung Quất muốn đóng góp một chút công sức của mình nhằm giúp các em là con em đồng bào thiểu số vùng cao có điều kiệm để “bước ra thế giới” từ những quyển sách mà họ tài trợ.

Nhóm thiện nguyện cũng kêu gọi mọi người cùng đóng góp công sức và tiền bạc cũng như bằng sách để có thể hình thành nhiều thư viện hơn trong thời gian tới. Hy vọng từ một đốm lửa nhỏ này sẽ được nhân rộng để góp phần thắp sáng những vùng quê còn nghèo khó trong một tương lai không xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.