Mở rộng hơn những quan hệ mang tính thực chất

Mở rộng hơn những quan hệ mang tính thực chất
Đoàn đại biểu của Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN + 3 (ảnh:vovnews).
Đoàn đại biểu của Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN + 3 (ảnh:vovnews).

Các quan chức cấp cao của ASEAN và 3 nước đối thoại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tập trung kiểm điểm, đánh giá hiệu quả hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, tài chính; an ninh năng lượng, lương thực, biến đổi khí hậu và văn hóa - xã hội trong khuôn khổ các diễn đàn này trong thời gian qua, đồng thời đề xuất hướng phát triển cũng như các hoạt động trong thời gian tới, trong đó có việc tiếp tục Kế hoạch Công tác về Hợp tác ASEAN + 3 giai đoạn 2007 – 2017, thúc đẩy cơ chế hỗ trợ của các nước đối tác với ASEAN, tăng cường hợp tác và liên kết kinh tế thông qua thực hiện các Hiệp định thương mại tự do song phương FTA giữa ASEAN và Trung Quốc, ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, và đặc biệt là sớm triển khai Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai.

Ông Phạm Quang Vinh, Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao, Trưởng đoàn Quan chức cấp cao của Việt Nam cho biết: “ASEAN chủ trương mở rộng và làm sâu sắc hơn những quan hệ mang tính thực chất, hiệu quả. Việc mở rộng hợp tác này vừa hỗ trợ được việc xây dựng cộng đồng ASEAN, liên kết ASEAN cũng như củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Trong đó, điều quan trọng là việc chuẩn bị một bước quyết định cho Hội nghị cấp cao ASEAN với các bên đối tác, đồng thời cũng chuẩn bị cho các Bộ trưởng thông qua nhiều nguyên tắc, nhiều hoạt động giai đoạn mới hợp tác giữa ASEAN với các bên đối tác”.

Cũng trong sáng 21/7, Hội nghị Tham vấn Không chính thức của các Quan chức Cấp cao các nước tham dự cấp cao Đông Á (EAS) cũng được tổ chức. Hội nghị bàn thảo luận các bước triển khai kết quả Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 4. Trong đó có việc thực thi Tuyên bố Chung về Hợp tác Đông Á lần thứ 2, lập Cơ chế giám sát kinh tế khu vực, thúc đẩy thực hiện Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á cũng như nghiên cứu thành lập Khu vực mậu dịch tự do Đông Á (EAFTA), những văn kiện hỗ trợ cho việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và đóng góp vào mục tiêu lâu dài xây dựng cộng đồng Đông Á - với ASEAN đóng vai trò động lực thúc đẩy chính.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tham vấn về “khuyến nghị lên các Nhà Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 chính thức đưa ra quyết định mời Liên bang Nga và Hoa Kỳ tham gia cơ chế hợp tác Đông Á thông qua những cách thức và vào thời điểm phù hợp”. Đây là bước chuẩn bị cho Hội nghị Tham vấn Không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á sẽ diễn ra vào chiều nay (21/7) và Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 5 sẽ diễn ra vào tháng 10 tới tại Hà Nội.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 vừa ra thông cáo chung, khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC) và trông đợi việc hoàn tất một Bộ Quy tắc Ứng xử Khu vực tại Biển Đông (COC).

Bản thông cáo chung dài 21 trang, được đưa ra tối 20/7, dành riêng một mục nói về vấn đề Biển Đông. “Chúng tôi khẳng định lại tầm quan trọng của DOC với tư cách một văn kiện mang tính cột mốc giữa ASEAN và Trung Quốc, thể hiện cam kết chung nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và tin cậy lẫn nhau và bảo đảm giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực" Bản thông cáo nêu rõ.

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng nhấn mạnh cần tăng cường các nỗ lực đảm bảo thực hiện hiệu quả Tuyên bố và trông đợi việc hoàn tất một Bộ Quy tắc Ứng xử Khu vực tại Biển Đông (COC). Bản thông cáo viết: “Về vấn đề này, chúng tôi hoan nghênh việc nhóm họp lại Cuộc họp của Nhóm Làm việc Hỗn hợp ASEAN – Trung Quốc về Thực hiện DOC vào tháng 4 năm 2010 tại Hà Nội, Việt Nam và giao cho các quan chức cấp cao phối hợp chặt chẽ với các đồng nhiệm Trung Quốc để triệu tập lại Cuộc họp Quan chức Cao cấp ASEAN – Trung Quốc về DOC vào thời gian sớm nhất có thể”.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và khuyến khích việc tất cả các bên liên quan tiếp tục kiềm chế và thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin trong khu vực này. “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên tôn trọng tự do hàng hải và tự do hàng không bên trên Biển Đông như đã được quy định trong các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế. Chúng tôi hoan nghênh cam kết của tất cả các bên liên quan muốn giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với tinh thần của DOC và các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982),”

Bản thông cáo nêu rõ. Ngoài ra, trong phần nói về giao thông hàng hải trong ASEAN, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hoan nghênh đề nghị của Indonesia về việc đăng cai Diễn đàn Hàng hải ASEAN (AMF) lần thứ nhất vào ngày 28 - 29 tháng 7 năm 2010 tại Surabaya, Indonesia. AMF có mục tiêu thúc đẩy và phát triển nhận thức chung và hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN về các vấn đề hàng hải xuyên biên giới.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.