Mơ một lần về xuôi

GD&TĐ - Các thầy, cô giáo từ miền xuôi lên công tác ở vùng núi cao, biên giới xa xôi, lâu nay thường được gọi là giáo viên (GV) cắm bản. Ở thời điểm lên nhận công tác, ai nấy đều phấn chấn, hăng hái bởi chính sách “nam 5 năm, nữ 3 năm” rồi sẽ được trở về xuôi. Thế nhưng, trên thực tế ở Thanh Hóa, có rất nhiều thầy, cô giáo cắm bản mơ ước được một lần về xuôi, khi mà thời gian “nghĩa vụ” của họ đã hết cả chục năm trời.

Khu lẻ Mùa Xuân, Trường Tiểu học Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: T.G
Khu lẻ Mùa Xuân, Trường Tiểu học Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: T.G

Lúc đi thì dễ....

Chúng tôi đến Trường THCS Trung Sơn (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) để thăm các thầy, cô giáo là những người dưới miền xuôi lên đây cắm bản.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Bình, quê ở TP Thanh Hóa, lên nhận công tác ở ngôi trường này từ năm 2003, tâm sự với chúng tôi về chuyện đời, chuyện nghề nhiều lúc giọng thầy chùng xuống vì xúc động. Thầy Bình, bảo rằng: “Ngày 15/10/2003 sau khi tốt nghiệp khoa Sư phạm Toán - Lý (Trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa), tôi nhận quyết định công tác tại huyện Quan Hóa, rồi được huyện phân công lên dạy học tại Trường THCS Trung Sơn. Ngày nhận quyết định lên đây dạy học, tôi và đồng nghiệp, ai nấy đều phấn chấn, hăng hái. Bởi, theo chính sách thu hút, những GV nam như tôi sẽ có thời gian đi “nghĩa vụ” là 5 năm, còn các cô giáo có thời hạn 3 năm. Thế nhưng, đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa thể quay về miền xuôi, mặc dù trong lòng rất mong mỏi và mơ ước. Còn lý do vì sao chúng tôi vẫn đang dạy ở đây, thì có lẽ các anh cũng đều biết cả”.

Thầy giáo cắm bản tại điểm trường Sài Khao (Trường Tiểu học Tây Tiến, xã Mường Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa). Ảnh: T.G
Thầy giáo cắm bản tại điểm trường Sài Khao (Trường Tiểu học Tây Tiến, xã Mường Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa). Ảnh: T.G 

Hơn 15 công tác ở ngôi trường xa xôi, hẻo lánh nhất của vùng đất biên giới (cách TP Thanh Hóa hơn 200km), mỗi tháng thầy Bình vẫn phải cố gắng thu xếp xin nghỉ vào ngày cuối tuần để bắt xe khách về với vợ, con. “Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, may ra mỗi tháng về nhà thăm vợ, chăm con được một lần. Còn không, cũng có thể phải tháng rưỡi, hoặc 2 tháng mới về. Nhiều lần, khi về nhà rồi đến lúc quay lên trường, mới thấy vất vả anh ạ. Thế nhưng, 15 năm qua, mình đã quyết tâm theo nghề rồi, thì đành phải chấp nhận vượt qua khó khăn.

Cũng may, vợ, con cùng người thân trong gia đình ai nấy đều thông cảm và luôn động viên, nếu không chưa chắc tôi đã vượt qua được. Đến bây giờ, tôi xác định, cứ đem hết khả năng, trình độ, sức khỏe của mình ra cống hiến cho nghề thôi, chứ chẳng dám mơ được chuyển miền xuôi đâu”, thầy Bình bộc bạch.

Ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), khi nhắc đến cô Đoàn Thị Hạnh, rất nhiều người biết đến. Bởi lẽ, cô Hạnh, quê ở phường Quảng Châu (TP. Sầm Sơn), đang dạy ở Trường THCS Pù Nhi. Hơn 12 năm qua, cô Hạnh phải sống xa gia đình, chồng, con chia cách và cũng ngần ấy thời gian, cô Hạnh phải nhờ chồng và bố, mẹ thay mình nuôi dạy, bảo ban con cái.

Ngày về khó như “hái sao...”

Cũng thuộc diện đi “nghĩa vụ 3 năm”, cách đây hơn 12 năm, cô giáo Đoàn Thị Hạnh rời quê nhà, xa bố, mẹ người thân rồi lên đường nhận nhiệm vụ. Những tưởng, sau thời hạn 3 năm, được bố trí quay về quê hương. Thế nhưng, đã qua hơn bốn lần “3 năm” ấy, đến tận bây giờ, cô Hạnh vẫn chịu cảnh một mình giữa chốn núi rừng. Nhắc đến chuyện mỗi lần đi xin chuyển trường không thành, cô Hạnh phải ngừng lại một chút. Dường như, nơi cổ họng của cô nghẹn lại, không nói nên lời. Ngồi nghe cô giáo Hạnh kể, chúng tôi càng thêm thấu những nỗi niềm của cô.

Trong câu chuyện với chúng tôi, mắt cô Hạnh đỏ hoe khi nói tới gia đình: “Chỉ cầu mong mọi người trong gia đình luôn có sức khỏe và thông cảm để tôi an tâm công tác. Thực lòng, để gắn bó được ngần ấy thời gian ở vùng đất này cũng là do yêu nghề thôi. Còn những khó khăn, vất vả về vật chất thì mình đã quen rồi. Nếu mình không yêu nghề, thì bỏ từ lâu rồi. Và như thế, có nghĩa mình đã trở thành vô trách nhiệm với lũ học trò ở đây. Nếu ai cũng bỏ nghề đi vì vất vả, thì tương lai của các em thơ ở đây sẽ ra sao. Tất cả, cũng chỉ nghĩ vậy, mà mình quyết tâm bám nghề. Nhưng dù sao, tôi cũng luôn mong mỏi cấp trên quan tâm, giải quyết cho một lần được chuyển về xuôi, để có điều kiện và thời gian bù đắp những thiệt thòi cho chồng và các con của mình”.

Nghề dạy học và người GV có sứ mệnh quan trọng, cao cả và thiêng liêng. Họ - là những “kỹ sư tâm hồn”, là những người đào tạo ra những “hạt giống mới” có kiến thức, có phẩm chất, tư cách, đạo đức... cho xã hội, cho đất nước. Vinh quang là vậy, nhưng rồi do cơ chế, thời cuộc mà không ít GV đã phải tự tay viết đơn xin ra khỏi ngành, tìm lối đi riêng để lo cho cuộc sống của mình.

Còn nhớ, năm 2017, một GV dạy Ngữ văn của Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa) đã làm đơn xin ra khỏi ngành, vì xin chuyển trường không thành sau 7 năm công tác ở vùng biên giới ấy. Đó là cô giáo Nguyễn Thị Hà Thành, quê ở huyện Thiệu Hóa. Ngoài cô giáo Nguyễn Thị Hà Thành đầu năm học 2017 - 2018, cũng tại huyện Mường Lát, có tới 62 GV đồng loạt viết đơn xin chuyển trường. Trong số đó có những người đã được luân chuyên, nhưng có người vẫn âm thầm và chấp nhận cắm bản.

Ông Mai Xuân Giang - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát, tâm sự: “Nguyện vọng của tất cả anh chị em đều chính đáng. Bởi, hầu hết họ đều là người ở các huyện khác lên Mường Lát công tác. Có những người đã cống hiến gần 20 năm trời, trong khi gia đình (vợ, chồng, con cái) đều ở dưới xuôi, nên họ mong muốn được về với gia đình. Những năm trước đây, tỉnh quy định hết nghĩa vụ là: 5 năm đối với giáo viên nam, 3 năm đối với nữ nên không có chuyện làm đơn đồng loạt như thế này. Có lẽ, đó là nguyện vọng  của các GV đã được ấp ủ từ rất lâu rồi”.

Còn ông Cao Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết: “Khi nhận cùng lúc 62 đơn xin chuyển trường, huyện đã phải xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh. Vì ở thời điểm đó, Mường Lát đang thiếu 49 GV ở cả 3 cấp học. Nếu chỉ có khoảng 10 - 15 hồ sơ xin chuyển trường, thì huyện cũng có thể giải quyết để đáp ứng được nguyện vọng của các cán bộ GV. Vì trong số 62 GV gửi hồ sơ xin chuyển trường, có những người đã 19 năm công tác ở Mường Lát,  trong khi chồng con lại ở một nơi khác. Việc xin chuyển trường đều là do nguyện vọng của GV.  Họ đã cống hiến cho huyện nghèo Mường Lát bao nhiêu năm nay, nên mong muốn được “trở về” là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, một thực tế là, nếu GV đủ điều kiện xin được thuyên chuyển, thì huyện đều ký cho đi, nhưng vấn đề bất cập ở đây là họ không xin được chỗ dạy mới ở đồng bằng, nên phải tiếp tục ở lại công tác”.

Như vậy, GV miền xuôi lên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn nếu muốn xin chuyển về đồng bằng thì phải tự mình lo. Người nào “có cách” sẽ được một trường miền xuôi tiếp nhận. Còn những người nào không “có cách”, thì cứ tiếp tục viết đơn. Mặc dù, các thầy, cô giáo vẫn mang nặng tâm tư, song lương tâm của nhà giáo không cho phép họ lơ là trên bục giảng. Và, họ vẫn cống hiến hết sức mình, để mang ánh sáng tri thức cho học trò vùng cao. Phải chăng chính sách luân chuyển GV là những tấm vé “một chiều”? Câu hỏi này xin dành cho các nhà làm chính sách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ