Mô hình VNEN tác động tích cực đến phương pháp dạy và học

GD&TĐ - Là một trong những địa phương của cả nước triển khai áp dụng mô hình trường học mới (VNEN), đến nay Nghệ An đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan. Điều quan trọng là mô hình VNEN đã góp phần đổi mới phương pháp dạy và học như hiện nay.

Lớp học VNEN của Trường tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh - Nghệ An)
Lớp học VNEN của Trường tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh - Nghệ An)

Không còn đọc – chép

Tiết học Lịch sử của lớp 5A Trường tiểu học Làng Sen (Nam Đàn – Nghệ An) không còn cảnh dạy học một chiều, học sinh học thụ động như trước. Thay vào đó là một không khí học tập sôi nổi, học sinh cùng nhau thảo luận nhóm, hăng hái phát biểu và nhận xét lẫn nhau.

Các em còn được vào vai các nhân vật trong lịch sử rồi tự dàn dựng những hoạt cảnh ngay trong lớp học. Giáo viên có vai trò là người hướng dẫn và hỗ trợ các em khi có yêu cầu. 

Cô Nguyễn Thị Anh Thơ – giáo viên dạy Lịch sử của lớp này - cho biết: Với mô hình VNEN, học sinh đích thực là trung tâm. Các em hoàn toàn chủ động sáng tạo, được bày tỏ quan điểm cá nhân và phát huy sở trường của mình.

Điều đặc biệt là với mô hình này, học sinh được rèn luyện những kỹ năng mềm như: Khả năng giao tiếp, hùng biện, kỹ năng làm việc theo nhóm.

“Học theo VNEN, giáo viên chúng tôi không phải nói nhiều nhưng phải di chuyển nhiều hơn để quan sát và hỗ trợ các em khi có yêu cầu. Vì thế giáo viên dạy VNEN như chúng tôi không ai được đi dép cao gót khi lên lớp. Thậm chí có những tiết học chúng tôi phải đi chân đất để thuận tiện cho việc di chuyển” – Cô Thơ chia sẻ.

Cùng chung quan điểm trên, cô giáo Nguyễn Thị Nga Huyền – chủ nhiệm lớp 4C Trường tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh – Nghệ An) bộc bạch: “Sau hai năm trực tiếp giảng dạy lớp học VNEN, tôi nhận thấy: Mô hình này đã phát huy được năng lực tự học của các em. 

Nếu so sánh với các lớp học theo mô hình truyền thống thì học sinh học của các lớp VNEN có kết quả học tập vững chắc hơn, toàn diện hơn. Đặc biệt là các em rất tự tin và năng động hơn rất nhiều so với các lớp học theo truyền thống”.

Tham dự một lớp học VNEN, qua quan sát chúng tôi thấy điểm khác biệt so với lớp học truyền thống đó là: Lớp học được bố trí theo cấu trúc nhóm, dưới sự quản lý và điều hành của nhóm trưởng. Không gian lớp học trở nên gần gũi và thân thiện tạo hứng thú học tập cho các em.

Cô Hoàng Thị Minh Thuận – Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Làng Sen trao đổi: Mô hình VNEN tạo được môi trường học tập thoải mái và phù hợp với tâm, sinh lý của học sinh tiểu học, nhờ vậy mà kết quả học tập của các em theo đó cũng được nâng lên. 

Hơn hết là các em phát triển kỹ năng một cách toàn diện; học sinh tự giác, đoàn kết, cũng như mạnh dạn và sáng tạo hơn…

Đồng tình với nhận xét trên, ông Trần Thế Sơn – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Nghệ An) cho hay: Mô hình VNEN đã tác động tích cực đến giáo viên và học sinh. Không còn cảnh thầy đọc, trò chép như trước đây. 

Thay vào đó, giáo viên phải không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy và trau dồi, nâng cao kiến thức chuyên môn để đáp ứng với yêu cầu của bài học. 

Học sinh thì được đổi mới cách học: từ tự học, đến học bạn, học theo nhóm có sự giúp đỡ của giáo viên. Điều quan trọng là các em được phát triển về năng lực và kỹ năng cơ bản ở lứa tuổi của mình.

Học sinh chủ động, sáng tạo và phát huy được năng lực khi học theo VNEN.
 Học sinh chủ động, sáng tạo và phát huy được năng lực khi học theo VNEN.

Vẫn còn những băn khoăn, trăn trở

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, điều mà ông Sơn quan ngại hiện nay đó chính là năng lực của đội ngũ giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình VNEN.

Theo ông Sơn, hiện vẫn còn một số giáo viên chưa mạnh dạn, chủ động với những đổi mới trong cách dạy, cách học, nhất là việc tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục. Một số giáo viên còn máy móc, thiếu linh hoạt khi thực hiện 10 bước học tập của học sinh.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, kinh phí nhà trường hạn hẹp nên chưa thể đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học theo VNEN.

Mặt khác theo cô Nguyễn Thị Hồng – Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh, Nghệ An), hầu hết các lớp học theo VNEN đều có sĩ số học sinh khá đông, thường trên 30 học sinh, thậm chí có lớp còn trên dưới 40 em. 

Trong khi đó không gian phòng học lại được thiết kế theo cách học truyền thông nên rất khó để giáo viên tổ chức lớp học theo mô hinh VNEN. Lớp chật, hẹp nên việc thảo luận giữa các nhóm cũng bị ảnh hưởng lẫn nhau.

Ngoài ra, Tài liệu giảng dạy và phương pháp dạy học mới được sắp xếp "3 trong 1" nên đắt hơn rất nhiều so với sách giáo khoa hiện hành. Vì thế cả giáo viên và học sinh rất bị hạn chế khi sử dụng tài liệu học tập này.

Song điều mà hầu hết các giáo viên ở Nghệ An mong muốn đó là: Sau khi học kết thúc bậc tiểu học theo mô hình VNEN, lên THCS các em sẽ tiếp tục được theo học mô hình này để những phẩm chất, năng lực của học sinh tiếp tục được phát huy và tỏa sáng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ