Mô hình trường THCS thân thiện giúp HS tích cực hơn

Mô hình trường THCS thân thiện giúp HS tích cực hơn

(GD&TĐ)- Sáng nay (3/10), Bộ GD-ĐT phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả đánh giá tác động mô hình trường THCS thân thiện tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã dự và phát biểu khai mạc.

Tham dự buổi hội thảo có bà Lotta Sylwander trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, Karen Munce chuyên gia đánh giá quốc tế và các thành viên trong đoàn cùng Hiệu trưởng, cán bộ, giáo viên các trường, địa phương tham gia thực hiện mô hình trường THCS thân thiện.

Ảnh, gdtd.vn
 Ảnh, gdtd.vn

Mô hình trường THCS thân thiện là sáng kiến của Bộ GD-ĐT dưới sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của UNICEF Việt Nam được triển khai tại 50 trường học của 8 tỉnh thành phố tiêu biểu.

Phát biểu khai mạc, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận định: trong thời gian qua, những nội dung của mô hình "trường học bạn hữu", "trường THCS thân thiện" đã được tiếp thu và đưa vào phong trào "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" của Việt Nam ở cả cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT. Trong phong trào này, vai trò chủ động, sáng tạo của học sinh của phong trào trường THCS thân thiện được nhấn mạnh; 

Thứ trưởng đã đánh giá cao buổi Hội thảo ngày hôm nay. Đây là dịp để các chuyên gia đánh giá, các bậc phụ huynh, lãnh đạo các trường tham gia mô hình cùng đóng góp ý kiến vào xây dựng bộ tiêu chí của mô hình. Nhằm trong thời gian tới tiếp tục nhân rộng triển khai mô hình với nội dung và hình thức của mô hình phù hợp hơn giúp cho việc nâng cao chất lượng dạy và học của các trường học tại Việt Nam.

Hiệu trưởng trường THCS Đăk Hring, Đỗ Đức Phong cho biết, nằm ở phía Bắc huyện Đăk Hà tỉnh Kon Tum, xã Đăk Hring có địa bàn dân cư rộng, học sinh ở cách xa trường, đường xá đi lại khó khăn, địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, suối sâu… Các em học sinh đa phần có hoàn cảnh gia đình khó khăn về, thường xuyên phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ việc nương rẫy. Phong tục tập quán còn lạc hậu. Phụ huynh học sinh còn không quan tâm đến việc học của con em mình; việc nhận thức về học tập của các em cũng chưa đúng đắn, thậm chí vốn tiếng Việt giao tiếp còn hạn chế nên học sinh ở đây ngại học, tỉ lệ học sinh đi học chuyên cần không cao.

Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo. Ảnh, gdtd.vn
Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo. Ảnh, gdtd.vn

Nhờ có mô hình trường THCS thân thiện, 4 năm qua nhà trường đã duy trì được sĩ số, đảm bảo tỉ lệ chuyên cần, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng, không còn học sinh phải bỏ học vì nhà xa trường hay vì có hoàn cảnh khó khăn.

Học sinh luôn luôn tin tưởng vào thầy cô, có động có học tập tốt, mạnh dạn trong giao tiếp, có ý thức xây dựng trường lớp. Phụ huynh học sinh tin tưởng tuyệt đối vào nhà trường. Động viên, khích lệ, tạo mọi điều kiện cho nhà trường.

Học sinh ở đây được tập trung ăn ở, học tập và vui chơi tại chỗ, được giao lưu, gặp gỡ với bạn bè thường xuyên hơn. Qua đó, các em có kĩ năng giao tiếp tốt hơn, tự tin hơn trong cuộc sống.

Thầy Phong khẳng định, trường THCS thân thiện có ý nghĩa quan trọng trọng việc tạo nên một môi trường giáo dục an toàn, bình đẳng, tạo hứng thú cho học sinh học tập; góp phần đảm bảo quyền được đi học và học hết cấp của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục trên cơ sở tập trung mọi nỗ lực của nhà trường, của cộng đồng vì người học. 

Ông Nguyễn Văn Bá Chánh- Phó bí thư thường trực Đảng uỷ xã Mỹ Hà, huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp là địa phương đang tích cực triển khai phổ cập giáo dục THCS, do vậy việc triển khai trường THCS thân thiện ở đây rất quan trọng bởi mô hình đã tạo được sự ổn định sĩ số của nhà trường.

Cùng tham gia xây dựng mô hình nên cấp uỷ Đảng, chính quyền các đoàn thể trong xã đã cùng bà con, phụ huynh học sinh có ý thức quan tâm giúp đỡ các gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vận động các em ra lớp. Tăng cường vận động các nhà hảo tâm cùng với nhà trường trang bị quần áo, sách vở, cơ sở vật chất để học sinh có điều kiện học tập chuyên cần….

Kết quả, trong các năm học vừa qua, tỉ lệ học sinh đến lớp đạt từ 98% trở lên (riêng lớp 6 đạt 100%) so với trước khi triển khai mô hình trường THCS thân thiện, tỉ lệ học sinh ra lớp tăng lên 1,2%.

Các ý kiến khác tại hội thảo đều cho rằng, mô hình trường THCS thân thiện đã trang bị cho học sinh kĩ năng tự bảo vệ, tăng cường cơ sở vật chất góp phần xã hội hoá giáo dục theo đúng tinh thần của ngành, tỉ lệ học sinh chuyên cần tăng cao so với khi chưa áp dụng mô hình này vào trường học…

Bà Lotta Sylwander cùng các chuyên gia đánh giá đã đánh giá, tham gia mô hình trường THCS thân thiện, học sinh tự tin hơn, có niềm vui khi đến trường và từ đó động lực đi học của các em được củng cố, đây là cơ sở quan trọng để giúp cho giáo dục tại các vùng khó khăn của Việt Nam duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng dạy học.

Qua mô hình này, giáo viên biết lắng nghe học sinh hơn, nhờ đó, các em thích được tham gia các hoạt động ở trường cũng như các hoạt động tập thể khác, nhờ đó các hoạt động cộng đồng của nhà trường được nâng cao.

Tuy nhiên, Bà Lotta Sylwander cho biết, các em còn có nhiều thách thức (đặc biệt là đối với trẻ em gái), trong cộng đồng còn tồn tại mối quan hệ phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa nam và nữ, nhất là trong các gia đình vùng cao có điều kiện kinh tế khó khăn; các điều kiện giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết còn thiếu…

Đại diện Cục khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết, hiện các chuyên gia và cán bộ của dự án trường THCS thân thiện đang hoàn thiện dự thảo bộ chuẩn đánh giá gồm 5 tiêu chuẩn và 33 tiêu chí để áp dụng đánh giá trường học thân thiện khi mô hình được nhân rộng trong ngành giáo dục cả nước.

Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.