Mô hình Trường học mới tại Việt Nam: “Đổi gió” cho thầy trò vùng khó

Mô hình Trường học mới tại Việt Nam: “Đổi gió” cho thầy trò vùng khó
d
Giáo viên hướng dẫn học sinh học tập theo mô hình VNEN tại Trường TH1 thị trấn Năm Căn (Cà Mau)

(GD&TĐ) - Theo thông tin phản hồi từ địa phương, mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) đã phát huy được nhiều thế mạnh so với cách dạy học truyền thống. Tại Cà Mau – một địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa đã áp dụng khá thành công mô hình này.

Nhiều thầy cô giáo và HS cho biết, VNEN như luồng gió mới trong việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy, học và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo…   

Gợi mở cách dạy – học tích cực 

Trước đây theo cách dạy truyền thống, HS trong giờ học phải ngồi ngay ngắn, phải trật tự, “tay để lên bàn, mắt nhìn lên bảng” nghe và làm theo GV. Giờ đây học trò ngồi lại thành từng nhóm, giờ học luôn sôi nổi, nào là ý kiến, nào là tranh luận đã làm cho nhiều phụ huynh thắc mắc và có không ít phụ huynh tỏ vẻ lo ngại.

Tuy nhiên theo ông Lê Hoàng Dự, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thới Bình (Cà Mau) cho biết, sự lo lắng của phụ huynh chỉ vào những ngày đầu tiên triển khai mô hình VNEN. Sau khi con em họ được học theo mô hình này thì có nhiều tiến bộ, tiếp thu bài nhanh, kết quả học tập tốt nên họ đã tin và yên tâm cho con học tập. Có nhiều người còn đề nghị trường mở thêm nhiều lớp học theo mô hình VNEN để con em họ có điều kiện học tập tốt hơn…      

Cô Nguyễn Thị Huyền Trang, GV lớp 4 Trường TH 1 thị trấn Cái Nước, Cà Mau chia sẻ: “Mô hình VNEN giúp GV tiếp cận HS tốt hơn, đặc biệt là HS yếu kém. Trong từng nhóm nhỏ thì GV có nhiều cách để tiếp cận, tìm hiểu để biết được sức học của mỗi em. Điều đáng ghi nhận là khi triển khai mô hình trường học mới HS hiểu bài tốt hơn so với trước và các em hưởng ứng tiết học tích cực hơn… Khi mới triển khai chương trình ai cũng lo sẽ gặp khó khăn vì HS ở nông thôn vốn thụ động, rụt rè nhưng khi thực học theo mô hình VNEN thì các em HS rất thích thú”.  

Đây cũng là năm đầu tiên cô Phạm Thị Vân Hoa nhận lớp dạy học theo mô hình Trường học mới ở trường TH 1 thị trấn Năm Căn. Ban đầu còn một chút bỡ ngỡ nhưng nhờ được tập huấn kỹ lưỡng và chương trình thiết kế một cách khoa học nên cô Hoa sớm hòa nhập vào cách dạy mới. Cô Hoa cho biết: “Năm nay là năm đầu tiên đứng lớp VNEN nên lúc đầu cảm thấy còn mới mẻ.

Trước kia GV giảng trên lớp chủ yếu, HS cũng có thảo luận nhóm nhưng không nhiều. Giờ đây GV phải quán xuyến các nhóm, trung bình khoảng 6 nhóm/lớp nên phải hoạt động liên tục. Sau khi đi vào giảng dạy tôi nhận thấy các em HS rất tự giác, tích cực trong các hoạt động, các thành viên trong nhóm được phát huy khả năng của mình, tránh tình trạng HS rụt rè, nhút nhát…”.

k
HS Trường TH 1 thị trấn Năm Căn, Cà Mau trong giờ học theo mô hình VNEN

Mở rộng cánh cửa đổi mới    

Trao đổi về mô hình Trường học mới VNEN, ông Thái Văn Long, GĐ Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết: “Qua thực tế triển khai thí điểm, mô hình Trường học mới ở Cà Mau đã mang lại hiệu quả tích cực. Đặc biệt là HS rất tích cực trong các hoạt động học tập, các em có nhiều sáng tạo qua những tiết học, lúc phát biểu, đóng góp ý kiến…

Từ đó hình thành cho HS tính tự lập, chủ động, tích cực và sáng tạo. Mô hình VNEN không những gắn bó HS trong nhà trường mà còn gắn các em với hoạt động ngoài xã hội. Chính việc học tập, tìm hiểu, phát huy trong nhà trường sẽ được áp dụng có hiệu quả khi các em ra ngoài xã hội…”.     

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Cà Mau thì chương trình VNEN tập trung cho đổi mới sư phạm.  Việc tổ chức lớp học cũng thay đổi, trước đây có ban cán sự lớp, có các tổ thì nay các em có Hội đồng tự quản, việc thành lập này tạo cho các em tính mạnh dạn, tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Như việc HS chọn các bạn có uy tín, năng lực để ra ứng cử vào Hội đồng tự quản, từ đó mỗi thành viên mạnh dạn, tự đề xuất ý kiến, đây là điều rất mới và rất hay.     

“Từ khi triển khai mô hình Trường học mới thì chất lượng GD được nâng cao rõ rệt. Điều dễ nhận thấy nhất là HS phát huy tính tích cực và chủ động, mô hình này HS hoạt động nhóm 100% trong lớp nên phối hợp, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau rất tốt và tự tin, phát huy kỹ năng sống không những trong lớp mà còn ở cộng đồng.

Bước đầu dù có khó khăn nhưng kết quả đạt được rất tốt nên nhà trường tiếp tục có giải pháp tập huấn, nâng cao trình độ GV để có kỹ năng, nghiệp vụ tốt hơn. Tạo môi trường học tập thân thiện trong mỗi lớp và phát huy tính ưu việc của mô hình này…”, ông Nguyễn Hữu Vinh, Hiệu trưởng Trường TH 1, thị trấn Năm Căn, Cà Mau chia sẻ.

Nói về hướng phát triển trong tương lai của mô hình Trường học mới, ông Thái Văn Long, GĐ Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết: Chúng tôi mong muốn trong tương lai mô hình VNEN được nhân rộng ra nhiều trường trên địa bàn tỉnh. Hiện nay thực hiện thí điểm, tỉnh cũng đang có chủ trương thực hiện xã hội hóa trong triển khai, nhân rộng mô hình này… Có sự góp sức của phụ huynh HS, để phụ huynh hiểu được lợi ích mô hình, từ đó sẽ tích cực hỗ trợ chúng tôi… Đến nay cơ sở vật chất ở các trường chọn thí điểm mô hình VNEN đã đảm bảo.

Thời gian tới khi mở rộng mô hình này thì địa phương còn những khó khăn nhất định. Để thực hiện tốt, địa phương sẽ tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, sách giáo khoa để đảm bảo việc dạy, học mô hình VNEN đạt hiệu quả tốt nhất…   

Năm học 2011 – 2012, Bộ GD&ĐT đã triển khai thí điểm Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) tại 24 trường tiểu học. Từ năm học 2012 – 2013 đã triển khai thí điểm tại 1.447 trường tiểu học. Để đánh giá kết quả đã đạt được và rút bài học kinh nghiệm triển khai Mô hình VNEN trong những năm tiếp theo, Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức Hội nghị đánh giá thực hiện thí điểm Mô hình VNEN trong tháng 12/2013. 

Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ